Khó khăn về dòng tiền, nhiều doanh nghiệp khất trả cổ tức

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên, Công ty CP Cà phê Thuận An, Công ty CP Đầu tư và Xây lắp Constrexim số 8… là những doanh nghiệp đã thông báo lùi lịch trả cổ tức bằng tiền do chưa cân đối được nguồn tài chính. Dòng tiền đang trở thành vấn đề nghiêm trọng của nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh các kênh huy động vốn đều gặp khó khăn, đơn hàng suy giảm.
Vấn đề lớn nhất đối với doanh nghiệp hiện nay chính là cân đối dòng tiền. Ảnh: NC st
Vấn đề lớn nhất đối với doanh nghiệp hiện nay chính là cân đối dòng tiền. Ảnh: NC st

Mới đây, Công ty CP Phát triển hạ tầng kỹ thuật (Becamex IJC) thông báo thay đổi thời gian thanh toán cổ tức năm 2022 từ ngày 6/10/2023 sang ngày 20/12/2023. Becamex IJC cho biết, tình hình hoạt động kinh doanh bất động sản của Công ty đang gặp nhiều khó khăn, cùng với đó là công tác thu hồi công nợ bị chậm, dẫn đến Công ty không đủ nguồn tiền để chia cổ tức theo kế hoạch (ngày 6/10).

Theo kế hoạch, Becamex IJC sẽ chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 14%, tức một cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 1.400 đồng. Với gần 252 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Becamex IJC cần chi gần 352 tỷ đồng để chia cổ tức. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, Công ty lãi ròng 250 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng tài sản của Công ty đạt 6.312 tỷ đồng, trong đó số dư tiền mặt và gửi ngân hàng khoảng 130 tỷ đồng.

Không chỉ có Becamex IJC, nhiều doanh nghiệp khác đã phải lùi lịch thanh toán cổ tức bằng tiền do chưa cân đối được nguồn tiền, hay ưu tiên nguồn vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Với lý do rà soát lại tình hình hoạt động nhằm đảm bảo tối ưu hóa nguồn tiền cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, ngay từ đầu năm nay, HĐQT Công ty CP Hưng Thịnh Incons đã điều chỉnh thời gian thanh toán cổ tức năm 2021 sang ngày 1/7/2024 thay vì ngày 28/2/2023 như công bố trước đó.

Đây là lần thứ ba Hưng Thịnh Incons thay đổi phương án trả cổ tức năm 2021. Theo kế hoạch ban đầu, Công ty sẽ chi khoảng 107 tỷ đồng thực hiện trả cổ tức năm 2021 (mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1.200 đồng) vào ngày 25/11/2022. Song, sau đó Công ty công bố lùi lịch thanh toán lần 1 sang ngày 5/12/2022 và lùi lần 2 sang ngày 28/2/2023.

Hay như Công ty CP Lương thực Bình Định cũng vừa công bố tờ trình xin ý kiến cổ đông về việc ngừng chi trả cổ tức năm 2022 còn lại (140,5%) do tình hình tài chính đang rất khó khăn.

Trên thị trường, Công ty CP Licogi Quảng Ngãi điều chỉnh lần thứ 6 thời gian tạm ứng cổ tức đợt 2/2015 bằng tiền đến 30/9/2025; Công ty CP Cơ khí Đông Anh Licogi hoãn ngày thanh toán cổ tức năm 2022 (ngày thanh toán cũ là 31/8/2023) cho tới khi có thể sắp xếp dòng tiền để chi trả; Công ty CP Dịch vụ nông nghiệp Bình Thuận (Bitagco) đã 5 lần thông báo dời lịch thanh toán cổ tức năm 2021 cho cổ đông; Công ty CP Cà phê Thuận An vừa thông báo dời ngày thanh toán cổ tức bằng tiền năm 2022 từ 13/10/2023 sang 28/3/2024; Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên dời lịch trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 4%/cổ phiếu…

Ông Trần Ngọc Báu, CEO Wi Group đánh giá: “Với những gì đang diễn ra thì không khó để cảm nhận, vấn đề lớn nhất đối với doanh nghiệp hiện nay chính là cân đối dòng tiền”. Giai đoạn hiện tại, cả tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đều yếu. Có thể nói, đây là giai đoạn khó khăn 10 - 20 năm mới xuất hiện lại, người mua đang dần trở thành người quyết định chi phối. Trong bối cảnh này, việc phát triển doanh thu và tạo dòng tiền từ hoạt động kinh doanh là áp lực lớn với doanh nghiệp.

Ông Báu cho biết thêm, khi dòng tiền kinh doanh khó khăn thì doanh nghiệp bắt buộc phải tìm đến dòng tiền từ hoạt động tài chính là huy động vốn, hoặc bán bớt tài sản để có thể thu tiền về từ hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, cực chẳng đã doanh nghiệp mới phải lựa chọn bán đi “con trâu” của mình, nhưng cũng không bán được. Dòng tiền tài chính còn khó khăn hơn nữa khi các kênh huy động vốn chính đều gặp khó trong năm nay. Nợ xấu tăng cao đã khiến các ngân hàng thương mại giảm mạnh cho vay, kênh trái phiếu vẫn chưa thể khơi thông và không dành cho số đông doanh nghiệp, huy động vốn từ cổ phần thì gần như đóng băng khi thị trường vẫn trong xu hướng giảm, huy động vốn quốc tế rất khó tiếp cận và phải chịu áp lực tỷ giá, lãi suất toàn cầu tăng nhanh.

Tin cùng chuyên mục