Khó tìm nhà thầu cung cấp than cho sản xuất điện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự kiến cuối tháng 3 và giữa tháng 4/2022, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) sẽ mở 4 gói thầu mua than nhập khẩu. Tuy nhiên, TKV lo ngại khó tìm được nhà thầu trúng thầu.
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam thừa nhận việc cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện quý I/2022 không đạt tiến độ theo hợp đồng. Ảnh: Huyền Thương
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam thừa nhận việc cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện quý I/2022 không đạt tiến độ theo hợp đồng. Ảnh: Huyền Thương

Nguồn cung khan hiếm, giá tăng đột biến

Bộ Công Thương vừa có văn bản chỉ đạo khẩn đối với TKV, Tổng công ty Đông Bắc về việc đảm bảo than cung cấp cho sản xuất điện. Văn bản nêu rõ, trong bất luận trường hợp nào cũng không được để thiếu than cho sản xuất điện theo hợp đồng mua bán/cung cấp than đã ký. Căn nguyên của chỉ đạo này là Bộ đã nhận được văn bản của một số chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than báo cáo về việc 2 đơn vị trên cung cấp không đủ lượng than trong 2 tháng đầu năm theo các hợp đồng mua bán/cung cấp đã ký. Điều này có thể dẫn tới nguy cơ thiếu than cho sản xuất điện.

Báo cáo về vấn đề trên, TKV thừa nhận việc cung cấp than cho các nhà máy điện quý I/2022 không đạt tiến độ hợp đồng.

Tính đến hết ngày 14/3/2022, lượng than tiêu thụ cho các nhà máy điện là hơn 6,3 triệu tấn, chỉ bằng 17,15% sản lượng theo hợp đồng. Trong đó, các nhà máy nhiệt điện BOT đã nhận 19,06% khối lượng theo hợp đồng; các nhà máy thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đạt 16,93%, riêng Nhiệt điện Quảng Ninh đã nhận đạt 22,2% khối lượng hợp đồng. Một số nhà máy có tỷ lệ nhận thấp dưới 10% khối lượng hợp đồng là Nhiệt điện Ninh Bình (4,7%), Nhiệt điện Duyên Hải 1 (8,1%), Nhiệt điện Vũng Áng (7%)...

Theo TKV, sản lượng than cấp cho các nhà máy nhiệt điện theo kế hoạch năm nay là 35 triệu tấn. Tuy nhiên, gần 3 tháng qua, Tập đoàn chỉ nhập được khoảng 7% kế hoạch năm (giảm khoảng 2,4 triệu tấn so với kế hoạch cấp than quý I năm nay).

Bên cạnh đó, đến ngày 2/3, EVN mới chấp thuận cơ chế giá than pha trộn mà TKV kê khai theo Luật Giá, dẫn tới TKV bỏ lỡ nhiều cơ hội nhập khẩu đủ than về pha trộn theo kế hoạch. “Hiện nay, việc tìm nguồn nhập khẩu than vô cùng khó khăn và không nhập được các loại than có chất lượng phù hợp để pha trộn. Trong khi đó, giá than thế giới tăng đột biến”, TKV lý giải.

Theo tìm hiểu, giá than nhiệt chất lượng cao tại cảng Newcastle (Australia) ngày 24/3 ở mức 325 USD/tấn, tăng gần gấp đôi so với hồi đầu năm. Đến thời điểm hiện nay, giá than thế giới đã tăng gấp 2,5 - 3 lần giá trong nước.

TKV đang mời thầu quốc tế 4 gói thầu mua than nhập khẩu để pha trộn trong quý II năm 2022. Trong đó, Gói thầu Mua than nhập khẩu (than 5.700 kcal/kg, giá gói thầu 1.129 tỷ đồng) và Gói thầu Mua than nhập khẩu (than 5.500 kcal/kg, giá gói thầu 1.062 tỷ đồng) sẽ được đóng/mở thầu vào ngày 30/3. Gói thầu Mua than nhập khẩu (than 5.500 kcal/kg, giá gói thầu 841,985 tỷ đồng) và Gói thầu Mua than nhập khẩu (than 5.700 kcal/kg, giá gói thầu 958,312 tỷ đồng) sẽ được đóng/mở thầu vào ngày 12/4.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, một nhà thầu chuyên cung cấp than nhập khẩu cho các nhà máy nhiệt điện cho biết, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năng lượng trên thế giới, cộng thêm xung đột Nga - Ukraine nên giá nhiên liệu sản xuất điện, trong đó có than tăng cao. Đặc biệt, các nguồn hàng khan hiếm nên việc tìm kiếm nguồn cung tương đối khó khăn.

Không để thiếu than cho sản xuất điện

Trước tình hình nhập khẩu than 3 tháng đầu năm 2022 đạt thấp, TKV một mặt chỉ đạo các đơn vị tăng sản lượng than khai thác đến mức tối đa có thể (khoảng 41 triệu tấn); điều chỉnh phương án chế biến than trong nước theo hướng tăng tối đa chế biến than đủ tiêu chuẩn cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện; xây dựng phương án pha trộn than trong nước đảm bảo cung cấp tối đa sản lượng than cho các nhà máy nhiệt điện, không để các nhà máy này thiếu than.

Mặt khác, TKV đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến chỉ đạo các nhà máy nhiệt điện thực hiện nghiêm túc việc nhận than theo hợp đồng ký kết với Tập đoàn, đăng ký nhu cầu than hàng năm với khối lượng không chênh lệch quá khối lượng bình quân theo hợp đồng dài hạn và tiếp nhận đúng khối lượng than đã đăng ký. Điều này giúp Tập đoàn chủ động lên kế hoạch đầu tư các dự án, sản xuất cung cấp than cho sản xuất điện bền vững, tránh tình trạng khi nguồn than bên ngoài giá thấp, các nhà máy điện tăng cường mua than bên ngoài, không tiêu thụ than của TKV (lấy khối lượng ít hơn so với hợp đồng) dẫn đến tồn kho...

Đồng thời, TKV đề xuất tăng giá bán than trong nước, đặc biệt là giá bán than cho các đơn vị sản xuất điện (chiếm trên 80% sản lượng tiêu thụ của TKV) để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.

Tin cùng chuyên mục