Tại thời điểm 31/3/2019, tổng lỗ lũy kế của Công ty CP Kho vận PETEC lên tới 85,8 tỷ đồng. Ảnh: Tân Uyên |
Lỗ lũy kế vượt vốn góp
Được thành lập vào tháng 4/2007, PETEC là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics và xuất nhập khẩu. Công ty hiện có vốn điều lệ gần 72 tỷ đồng, trong đó, Tổng công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư - CTCP nắm giữ 28,08% cổ phần. Ngoài ra, các cổ đông lớn của của PETEC còn có Công ty CP Bất động sản và Kỹ thuật Xăng dầu sở hữu 11,12% vốn, Ngân hàng TMCP Đông Á sở hữu 7,51% vốn và cá nhân Huỳnh Xuân Hồng nắm giữ 8,6% vốn.
Theo Báo cáo tài chính năm 2018 (niên độ từ 1/4/2018 - 31/3/2019) đã kiểm toán, doanh thu thuần của Công ty chỉ đạt 118 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2017 (niên độ từ 1/4/2017 - 31/3/2018). Trong đó, bán buôn và bán lẻ xăng dầu đóng góp trên 80% doanh thu của PETEC, các nguồn thu còn lại đến từ cho thuê kho và dịch vụ phụ trợ kho.
Chi phí giá vốn tăng thấp hơn tốc độ tăng doanh thu giúp lợi nhuận gộp của PETEC niên độ 2018 đạt 9,8 tỷ đồng, gấp đôi so với niên độ 2017. Sau khi trừ đi các khoản chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, Công ty ghi nhận lãi ròng gần 1,2 tỷ đồng. Dù hiệu quả sinh lời không cao, nhưng lãi ròng dương là tín hiệu tích cực đối với PETEC trong bối cảnh thua lỗ 4,5 tỷ đồng năm 2017 và nhiều năm trước đó.
Công ty hiện chưa công bố Báo cáo tài chính năm 2019 (niên độ từ 1/4/2019 - 31/3/2020). Tính đến ngày 31/12/2019, Công ty ước đạt 82,5 tỷ đồng doanh thu và 1,05 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Tại thời điểm 31/3/2019, tổng lỗ lũy kế của Công ty lên tới 85,8 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm gần 12 tỷ đồng.
Rủi ro về khả năng thanh khoản
Ngoài vấn đề hiệu quả kinh doanh yếu, sức khỏe tài chính của PETEC cũng là điều đáng bàn. Không chỉ có vốn chủ sở hữu âm gần 12 tỷ đồng và dòng tiền hoạt động sản xuất kinh doanh âm, tính đến ngày 31/3/2019, tài sản ngắn hạn của Công ty chỉ còn 4,4 tỷ đồng, trong khi nợ ngắn hạn lên đến 50,1 tỷ đồng (bao gồm khoản vay 33 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Phương Đông - Chi nhánh Quận 4, TP.HCM). Điều này phần nào cho thấy những rủi ro lớn về khả năng thanh toán lãi vay, các khoản nợ vay ngắn hạn hay nợ dài hạn đến hạn của Công ty.
Trước những nghi ngại về tình hình tài chính của PETEC, Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn tài chính kế toán và kiểm toán phía Nam (AASCS) - đơn vị thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính 2018 của PETEC - đưa ra nhận định, các chỉ số này phản ánh khả năng thanh khoản của Công ty đang ở mức thấp và có thể ảnh hưởng đến tính hoạt động liên tục của Công ty.
Tình cảnh khó khăn của PETEC cũng được thể hiện qua số dư tiền. Tại thời điểm cuối quý I/2019, số dư tiền của Công ty là 200 triệu đồng. Tài sản có tính thanh khoản lớn tiếp theo là các khoản phải thu ngắn hạn có quy mô hơn 21 tỷ đồng nhưng đã phải trích lập dự phòng nợ xấu lên đến 17,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, các khoản đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết của PETEC cũng có nguy cơ mất vốn khi đã phải trích lập dự phòng 14,6 tỷ đồng trong tổng số vốn góp là 21,5 tỷ đồng.