Ảnh Internet |
Vẫn theo báo cáo của EVN, Tập đoàn này đã thực hiện thoái toàn bộ vốn đầu tư ngoài ngành sản xuất kinh doanh điện với tổng giá trị vốn thoái vốn thành công theo mệnh giá thực hiện là 2.214 tỷ đồng, tổng giá trị vốn thu về 2.341 tỷ đồng, thặng dư vốn 127 tỷ đồng.
Riêng khoản vốn đầu tư còn lại 7,5% vốn điều lệ tương ứng 187,5 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Tài chính Điện lực (EVN Finance) đang kinh doanh có lợi nhuận và trả cổ tức hàng năm sẽ được EVN thực hiện thoái vốn trong năm 2019.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, nếu tính theo thị giá hiện tại của EVF (mã cổ phiếu của EVN Finance) EVN đang bị "bốc hơi" hàng chục tỷ đồng đối với khoản đầu tư còn lại tại DN này.
Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/5, giá CP EVF của EVN Finance chỉ ở mức 6.200đ/CP. Với tỷ lệ nắm giữ 7,5% trên vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng, hiện EVN đang sở hữu tại EVN Finance 18,75 triệu cổ phần, tương ứng 187,5 tỷ đồng vốn góp (theo mệnh giá 10.000đ/CP). Với mức giá 6.200đ/CP, hiện khoản đầu tư này của EVN chỉ còn 116,25 tỷ đồng, lỗ khoảng hơn 70 tỷ đồng. Do chưa tất toán khoản đầu tư còn lại vào EVN Finance nên nhiều khả năng EVN phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư thua lỗ này.
Theo báo cáo của EVN, hoạt động của EVN Finance luôn có lãi. Tuy nhiên, trên thực tế giá cổ phiếu này luôn có diễn biến tiêu cực khi một thời gian dài giao dịch thấp xa so với mệnh giá.
Một thông tin được công bố vào trung tuần tháng 10/2018, đến cuối năm 2018, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ thoái hết 18,7 triệu cổ phần đang nắm giữ tại EVNFinance với mức giá đề xuất của phía tư vấn là 12.200 đồng/CP, cao hơn giá trị sổ sách của cổ phiếu EVF tại thời điểm 31/12/2017 (12.149 đồng/CP). Tuy nhiên kết thúc năm 2018, EVF vẫn chưa thoái được. Một trong các nguyên nhân có thể do giá CP này luôn giao dịch thấp so với mệnh giá.
Với việc giá cổ phiếu EVF liên tục ở mức thấp so với giá mục tiêu thoái vốn nên một số chuyên gia chứng khoán dự đoán việc thoái vốn của EVN khỏi EVN Finanance khó hoàn thành trong năm 2019.