Doanh nghiệp tư nhân được xác định là động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế. Ảnh: Tiên Giang |
Ít nhất 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020
Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 đã được Quốc hội thông qua, Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 (Nghị quyết số 35) được ban hành ngày 16/5/2016 nhấn mạnh, trong giai đoạn 5 năm (2016 – 2020), DN đặc biệt là DN tư nhân sẽ là động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế. Cụ thể là đến năm 2020, xây dựng DN Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động, trong đó có các DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48 - 49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 30 - 35% GDP. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm. Hàng năm, có khoảng 30 - 35% DN Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo.
Đánh giá cao Nghị quyết số 35, người đại diện cho cộng đồng DN Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, như “cởi” được tấm lòng với nhận xét: “Nghị quyết này đã chọn đúng được điểm trọng yếu nhất của nền kinh tế hiện nay mà Chính phủ cần phải tập trung hỗ trợ. Tại Nghị quyết, những vấn đề trong ngắn, trung và dài hạn liên quan đến hỗ trợ và phát triển DN đều được Chính phủ quan tâm giải quyết theo hướng quy trách nhiệm tới từng cơ quan và thời hạn cụ thể”.
“Do đó, những con số cụ thể mà Nghị quyết đưa ra không phải là mục tiêu xa vời mà gần ngay trước mắt khi Chính phủ khơi dậy được niềm tin từ DN. Những “rào cản” đối với sự phát triển của DN sẽ được gỡ bỏ” – ông Lộc nói.
Nghị quyết số 35 nêu rõ những nguyên tắc cơ bản để xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho DN phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế như: Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, DN theo quy định của pháp luật; DN có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm; Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các DN, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực; không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật…
Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp
Bên cạnh đó, nghiên cứu việc thành lập, tổ chức và vận hành các mô hình vườn ươm DN, trung tâm hỗ trợ DN, chương trình tăng tốc đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp theo hình thức đối tác công tư với sự tham gia của các hiệp hội DN, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; xây dựng cơ chế tạo điều kiện, hỗ trợ và khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi và đăng ký hoạt động theo Luật DN.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN thực hiện chính sách pháp luật về đấu thầu, Nghị quyết số 35 yêu cầu, Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi các quy định về đấu giá thống nhất với quy định lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đấu thầu; Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bên liên quan đẩy mạnh Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...
Nghị quyết số 35 cũng nhấn mạnh tới việc nghiên cứu, đề xuất giảm 50% thuế thu nhập cá nhân trong một số lĩnh vực; đơn giản hóa thủ tục về đất đai; đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn…