Khơi dậy tinh thần doanh chủ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự báo về kinh tế Việt Nam năm 2024, nhiều tổ chức quốc tế cũng như chuyên gia trong nước có cái nhìn khá lạc quan. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6 - 6,5%. Theo bà Nguyễn Thị Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (ĐKKD) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), có thể hy vọng vào tín hiệu tích cực của tình hình đăng ký thành lập DN trong năm 2024.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Doanh nghiệp đi qua một năm khó chồng khó

Bà Nguyễn Thị Việt Anh cho biết, theo ghi nhận từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (DN), số DN đăng ký thành lập mới đang tiếp tục đà tăng. Năm 2023, cả nước có hơn 159.000 DN thành lập mới, tăng 7% so với năm 2022 (148.500 DN), thiết lập kỷ lục về số DN gia nhập thị trường.

“Đây là điều đáng mừng bởi năm 2023 có lẽ là năm có những khó khăn chưa từng có đối với hoạt động của DN Việt Nam khi có những thời điểm số DN đăng ký tạm ngừng hoạt động cao hơn cả số gia nhập thị trường và tái gia nhập thị trường”, bà Việt Anh chia sẻ.

Số liệu tổng hợp về tình hình đăng ký kinh doanh của DN năm 2023 cho thấy, quý I/2023, lần đầu tiên trong các quý I kể từ khi Đổi mới tới nay, số DN đóng cửa, rút lui khỏi thị trường (60.241 DN) cao hơn số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường (56.946 DN). Đây là điểm khác biệt khi các năm trước, số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động luôn nhiều hơn số DN rời bỏ thị trường. DN không chỉ đối mặt với khó khăn do thiếu vốn, thiếu nhân lực mà còn “đói” đơn hàng…

Ngay sau khi số liệu này được công bố, Bộ KH&ĐT đã tổ chức một cuộc họp do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trực tiếp chủ trì với sự tham gia của nhiều DN, hiệp hội DN đại diện cho các ngành nghề kinh doanh nhằm lắng nghe tâm tư cũng như kiến nghị của cộng đồng DN, từ đó đề xuất những giải pháp kịp thời để gỡ khó cho DN.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu bên lề cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam tâm sự, hơn 40 năm hoạt động trong ngành xây dựng, chưa bao giờ ông thấy các DN xây dựng ở tình cảnh như hiện nay, rất khó khăn, thậm chí là thoi thóp, ngay cả những nhà thầu lớn cũng hoạt động cầm chừng. Ví dụ, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình là 1 trong 2 DN tư nhân lớn nhất trong ngành xây dựng với doanh thu năm 2018 khoảng 20.000 tỷ đồng, nhưng năm 2022, doanh thu còn 14.100 tỷ đồng; 9 tháng năm 2023, doanh thu chỉ đạt 5.350 tỷ đồng.

Môi trường kinh doanh ngày càng thách thức, nhưng đến hết tháng 11, cả nước có 146.044 DN thành lập mới, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2018 - 2022 (123.121 DN). Số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 11 tháng năm 2023 đạt 201.529 DN, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2018 - 2022 (164.525 DN).

“Năm 2023 là năm thách thức chưa từng có, nhưng Việt Nam vẫn ghi nhận số lượng DN thành lập mới cao hơn so với năm 2022”, bà Việt Anh cho biết.

Đây là kết quả từ sự nỗ lực của bộ máy quản lý các cấp cùng sự dẻo dai, linh hoạt và khả năng thích ứng tốt của DN. Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt về cải cách thủ tục hành chính, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh hỗ trợ, đào tạo nâng cao kỹ năng cho DN trong các ngành, lĩnh vực.

Các bộ, ngành và địa phương đã chủ động, tích cực có các giải pháp quyết liệt đồng hành cùng DN như triển khai các hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn chính sách, tổ chức xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, ban hành chính sách miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, giảm lãi suất, cho vay ưu đãi… để hỗ trợ DN, người dân.

Nhiều việc cần làm ngay

Các tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế trong năm 2024 dù chưa mạnh mẽ nhưng đã dần xuất hiện khi tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều DN phần nào bớt khó khăn. Trong bức tranh chung của nền kinh tế, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 khoảng 6 - 6,5%, nhiều DN lạc quan trở lại, tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng cao năm này.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Hà Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH Hamakyu nhìn nhận, nhiều cơ hội đang mở ra đối với DN, trong đó có cơ hội mở rộng thị trường thông qua các hiệp định thương mại tự do như: CPTPP, EVFTA... Không bỏ lỡ thời cơ, năm 2023, Hamakyu đã quyết định mở rộng đầu tư vào lĩnh vực cơ khí tại Mexico, làm đòn bẩy để xuất khẩu hàng cơ khí Việt Nam vào nước này thông qua việc tận dụng các chính sách ưu đãi trong CPTPP mà Việt Nam và Mexico đều là thành viên.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam lạc quan nhận định, ngành dệt may Việt Nam sẽ xác lập xu hướng phục hồi, với kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2023.

Một số trang thông tin nước ngoài lan tỏa thông tin nhiều tập đoàn công nghệ lớn đang, tiếp tục và sẽ đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là ngành bán dẫn. Tờ báo Globely News (Mỹ) nhận định, Việt Nam rất có tiềm năng để trở thành con hổ châu Á tiếp theo. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo Việt Nam đứng thứ 20 trong danh sách các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới năm 2024…

Đối với công nghiệp bán dẫn, Việt Nam có lợi thế về quy mô dân số, sự tham gia đầu tư của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới (Samsung, LG, Foxconn, Panasonic, Canon...); có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các cường quốc bán dẫn như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, là điều kiện thuận lợi cho thị trường công nghiệp chip bán dẫn.

Từ những yếu tố này, đại diện cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh cho rằng, có thể hy vọng vào tín hiệu tích cực của hoạt động đăng ký thành lập DN trong năm 2024.

Để hỗ trợ DN phục hồi, phát triển, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh đón làn sóng mới đầu tư vào những lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, theo bà Việt Anh, còn nhiều việc phải làm ngay.

“Có nhiều quỹ đầu tư tiếp cận thị trường Việt Nam, nhưng Việt Nam còn thiếu những DN đạt chuẩn về quản trị, về công khai minh bạch chất lượng sản phẩm, tính liên kết kém, thiếu kỹ năng biến sản phẩm của mình trở thành thế mạnh để thu hút sự chú ý của các quỹ đầu tư. Do vậy, các DN cần phải chú trọng khâu nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm và thay đổi trong các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ để đáp ứng yêu cầu, xu hướng của thị trường trong và ngoài nước”, bà Việt Anh nói.

Đối với ngành công nghiệp bán dẫn, để đón được “làn sóng” dịch chuyển đầu tư, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực. Chính phủ nên làm tốt vai trò “bà đỡ” như: tài trợ nghiên cứu và phát triển, đặt hàng các trường đại học, viện nghiên cứu, trao học bổng cạnh tranh cho sinh viên… Nếu làm tập trung thì 5 năm tới Việt Nam sẽ có nguồn nhân lực dồi dào, sẵn sàng tham gia và làm chủ chuỗi giá trị của ngành.

Cùng với đó, nhiều DN đề xuất bãi bỏ thủ tục hành chính, quy định không cần thiết làm phát sinh chi phí tuân thủ; tiếp tục xây dựng, thực hiện các chính sách, chương trình hỗ trợ DN, xúc tiến thương mại, kích cầu nội địa… để hỗ trợ DN nhanh chóng phục hồi.

Cơ hội thị trường là có, song đại diện Công ty TNHH Hamakyu cho rằng, để nắm bắt được, bản thân các DN cũng phải chủ động vượt khó, vươn mình. Với điện gió ngoài khơi, ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho rằng, Việt Nam có tiềm năng lớn và PVN hoàn toàn có thể đảm nhận các phần việc như: khảo sát đáy biển, điều tra thực địa..., song vấn đề khó nhất hiện nay là thiếu cơ chế, chính sách nên rủi ro cho các nhà đầu tư rất lớn. Những khó khăn này cần sớm tháo gỡ để có thể khai thác hết tiềm năng thị trường.

Tin cùng chuyên mục