Khối DN thép tư nhân phục hồi, VNSTEEL vẫn lỗ lớn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong khi các doanh nghiệp thép tư nhân như Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen, Công ty CP Thép Nam Kim đang dần phục hồi kết quả kinh doanh thì “ông lớn” Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) vẫn tiếp tục thua lỗ. Theo đánh giá từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), tiêu thụ thép trong nước dù phục hồi nhưng thị trường thép Việt Nam cần nhiều thời gian hơn, có thể từ quý II hoặc quý III năm sau mới ổn định và khởi sắc.
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất của các doanh nghiệp, ngoại trừ Tổng công ty Thép Việt Nam lấy từ báo cáo tài chính riêng để tránh ảnh hưởng của công ty con Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Đơn vị tính: tỷ đồng
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất của các doanh nghiệp, ngoại trừ Tổng công ty Thép Việt Nam lấy từ báo cáo tài chính riêng để tránh ảnh hưởng của công ty con Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Đơn vị tính: tỷ đồng

Sau giai đoạn khó khăn nửa cuối năm 2022, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp kinh doanh thép đang trên đà hồi phục trong năm 2023. Doanh nghiệp có thị phần lớn nhất cả nước là Hòa Phát liên tục ghi nhận kết quả kinh doanh cải thiện qua các quý. Cụ thể, tập đoàn này đạt 2.174 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý III/2023, tăng 27,7% so với quý trước đó và tăng 308% so với quý đầu năm.

Hòa Phát cho biết, mặt bằng giá nguyên liệu trong quý vừa qua giữ ở mức ổn định cùng với sản lượng bán hàng cải thiện dần qua từng quý. Tiêu thụ các sản phẩm thép quý III/2023 tăng 12% so với quý II/2023 và tăng 24% so với quý đầu năm. Bên cạnh đó, việc duy trì quản trị hàng tồn kho ở mức thấp góp phần giúp biên lợi nhuận quý vừa qua được cải thiện.

Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen sau quý III và IV/2022 lỗ lần lượt 997,3 tỷ đồng và 667,3 tỷ đồng, thì 3 quý đầu năm 2023 đều ghi nhận có lợi nhuận. Quý III/2023, Tập đoàn Hoa Sen ghi nhận 503,7 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tập đoàn này cho biết đã cải thiện được biên lợi nhuận gộp, cùng với đó là tiết giảm chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp và giảm chi phí tài chính bằng cách giảm nợ vay.

Thép Nam Kim dù lãi 29,7 tỷ đồng trong quý III/2023, giảm so với quý trước đó nhưng vẫn tích cực so với khoản lỗ 476 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp như Công ty CP Tập đoàn Thép Tiến Lên, Công ty CP Ống thép Việt Đức VG PIPE vẫn duy trì có lợi nhuận trong quý vừa qua.

Trong khi nhiều doanh nghiệp thép tư nhân đang trên đà hồi phục thì “ông lớn” nhà nước VNSTEEL vẫn ghi nhận các khoản lỗ lớn. Tính riêng Tổng công ty Thép Việt Nam (không hợp nhất với các công ty con), sau khoản lỗ 40,2 tỷ đồng trong quý II/2023, quý III vừa qua tiếp tục lỗ 197,8 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng 2023, Tổng công ty lỗ 198,7 tỷ đồng, còn nếu hợp nhất với các công ty con, số lỗ này lên tới 431,2 tỷ đồng. Các công ty con, công ty liên kết của VNSTEEL như Công ty CP Thép VICASA - VNSTEEL, Công ty CP Thép Nhà Bè - VNSTEEL, Công ty CP Thép Thủ Đức - VNSTEEL, đặc biệt là Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đều thua lỗ trong quý III/2023.

Trước kết quả kinh doanh thiếu tích cực, mới đây, VNSTEEL đã có thông báo về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận trước thuế công ty mẹ năm 2023 từ 52 tỷ đồng xuống còn 1 tỷ đồng.

Trong khi đó, Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC thua lỗ do phải trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi từ các đối tác như Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley, Công ty TNHH Delta - Valley Bình Thuận, Công ty TNHH The Forest City.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam cho biết, mùa tiêu thụ cao điểm vật liệu xây dựng thường rơi vào khoảng từ tháng 9 đến tháng 12. Mặc dù chưa phục hồi hoàn toàn, nhưng nhu cầu tiêu thụ đang có chiều hướng tích cực. Số liệu mới nhất từ Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy, sản lượng bán hàng thép xây dựng đạt 958.500 tấn vào tháng 9, tăng 9% so với tháng 8 và tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên trong năm 2023, bán hàng thép xây dựng đạt mức tăng trưởng dương. Riêng với mặt hàng thép cuộn cán nóng (HRC), nhu cầu tiêu thụ cũng đã đi lên trong tháng 9/2023, sản lượng bán hàng tăng 8,43% so với tháng trước và tăng 33,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiêu thụ thép HRC có mức tăng trưởng tích cực hơn so với thép xây dựng chủ yếu do thép HRC có tính ứng dụng đa dạng hơn.

“Đánh giá triển vọng ngành thép thời gian tới, theo tôi, tiêu thụ các mặt hàng này còn dư địa tăng nếu ngành bất động sản thoát khỏi giai đoạn đóng băng, có thể vào đầu năm sau - thời điểm các công trình xây dựng, dự án hạ tầng giao thông, dự án nhà ở xã hội gấp rút đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành chỉ tiêu”, ông Quỳnh đánh giá.

Tin cùng chuyên mục