Khởi động đổi mới mô hình khu kinh tế

(BĐT) - Mặc dù góp phần đổi mới môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, nhưng các mô hình khu kinh tế (KKT) thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế trong huy động vốn, ưu đãi đầu tư và phát triển bền vững. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Để phát huy hơn nữa vai trò của các mô hình này, việc nghiên cứu mô hình KKT mới thuận lợi, hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư được giới chuyên gia cho là cần thiết.

Ưu đãi chưa đặc thù, vượt trội

Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, hiện có 6 mô hình khu kinh tế được phát triển tại Việt Nam với ranh giới địa lý xác định, hoạt động theo các cơ chế chính sách riêng gồm: Khu công nghiệp (KCN); khu chế xuất (KCX); khu công nghệ thông tin tập trung; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khu công nghệ cao (KCNC); KKT cửa khẩu, ven biển...

Tính đến hết tháng 12/2016, cả nước có 325 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên gần 95 nghìn ha. Hàng năm, số lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào KCN chiếm khoảng từ 60% - 70% tổng vốn FDI thu hút được của cả nước. Trung bình trong giai đoạn 2011 - 2015, các KCN thu hút được khoảng 40.000 tỷ đồng vốn đầu tư từ các nhà đầu tư trong nước. Đối với các KKT, tính đến hết tháng 12/2016, cả nước thu hút được 354 dự án đầu tư nước ngoài với tổng mức đầu tư đăng ký đạt 42 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện đạt 20,2 tỷ USD (bằng 48,1% tổng vốn đầu tư đăng ký) và 1.079 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đạt 805,2 nghìn tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện đạt 347,9 ngàn tỷ đồng (bằng 43,2% vốn đầu tư đăng ký).

Các mô hình KKT nêu trên hiện đang được hưởng một số ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, tín dụng, đất đai... Tuy nhiên, các ưu đãi này được cho là chưa thật sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư và có tính cạnh tranh quốc tế chưa cao, do các ưu đãi đều nằm trong khung pháp luật hiện hành, áp dụng chung như các ngành, khu vực khác trên cả nước. Vì vậy, các ưu đãi chưa có tính đặc thù, vượt trội.

Trong khi đó, ngoại trừ KCNC, khu công nghệ thông tin tập trung, các KCN, KKT khác chủ yếu được đặt tại các khu vực có điều kiện hạ tầng kỹ thuật chưa phát triển, nguồn nhân lực có đào tạo kỹ thuật chưa có sẵn, cần có chính sách ưu đãi phù hợp để bù đắp các điểm yếu đó, đảm bảo sức hấp dẫn đối với đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài.

Hơn nữa, các ưu đãi này lại được quy định tại nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành có tính thay đổi thường xuyên như thuế, đất đai..., do vậy, chi phí để nghiên cứu, so sánh, đánh giá về ưu đãi đầu tư của nhà đầu tư là khá cao. Đó là chưa kể thủ tục thực hiện ưu đãi đầu tư chưa hoàn thiện còn làm gia tăng chi phí, thời gian của doanh nghiệp khi phải giải trình, cung cấp các tài liệu liên quan cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được hưởng ưu đãi… 

Phát triển mô hình khu kinh tế mới

Việc xây dựng mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ở nước ta với các cơ chế, chính sách về hành chính và kinh tế đột phá, cạnh tranh quốc tế, tạo mô hình động lực phát triển mới là hết sức cần thiết và cấp bách.
Để phát huy hơn nữa vai trò của KKT trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo các KKT hoạt động có hiệu quả, việc nghiên cứu mô hình KKT mới với những thuận lợi, hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư, khắc phục những tồn tại, hạn chế của các mô hình hiện nay được giới chuyên gia cho là cần thiết.

Hiện, Bộ KH&ĐT đang xây dựng Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với định hướng cung cấp các dịch vụ hành chính thuận lợi cho các nhà đầu tư; xây dựng chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, có tính cạnh tranh quốc tế... Việc xây dựng Luật được coi là cơ sở pháp lý cho hoạt động của mô hình KKT mới, đồng thời đảm bảo tính đặc thù, ổn định và không chồng chéo với các quy định pháp luật chuyên ngành về thuế, đất đai...

Đơn cử, Luật sẽ xây dựng chính sách dành ưu đãi đầu tư vượt trội so với các mô hình KKT hiện nay, trong đó, xây dựng chế độ ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các nhà đầu tư chiến lược; mở rộng tối đa các lĩnh vực đầu tư, cho phép nhà đầu tư đầu tư kinh doanh trong những lĩnh vực dịch vụ như: casino, dịch vụ giải trí cao cấp…; khuyến khích các quỹ đầu tư, ngân hàng nước ngoài cung cấp tín dụng cho các dự án đầu tư trong KKT.

Theo Bộ KH&ĐT, nhiều quốc gia đã phát triển thành công nhiều mô hình như: “đặc khu kinh tế”, “đặc khu hành chính”, “thành phố tự do”, “thành phố công nghiệp - công nghệ cao thông minh”… với cơ chế, chính sách mở, thông thoáng và ưu đãi hơn từ năm 1942. Các mô hình này đã trở thành khu vực phát triển có sức lan tỏa, tạo động lực cho cả nền kinh tế phát triển. Điều quan trọng hơn là các mô hình này đang được các quốc gia tiếp tục hoàn thiện, phát triển với quy mô lớn hơn và có mức độ tự do, ưu đãi và cạnh tranh cao hơn trên nhiều lĩnh vực nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, phương thức phát triển các mô hình này cũng có sự thay đổi bằng cách đàm phán, thỏa thuận và giao cho nhà đầu tư chiến lược có năng lực để xây dựng cơ chế, chính sách, mục tiêu và định hướng phát triển đặc thù, có tính cạnh tranh quốc tế.

Do vậy, việc xây dựng mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ở nước ta với các cơ chế, chính sách về hành chính và kinh tế đột phá, cạnh tranh quốc tế, tạo mô hình động lực phát triển mới là hết sức cần thiết và cấp bách.

Hiện Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã được Bộ KH&ĐT gửi Bộ Tư pháp thẩm định, cho ý kiến. Sau khi hoàn tất thủ tục tại Bộ Tư pháp, Tờ trình sẽ được gửi tới Chính phủ để xem xét, thông qua đề nghị xây dựng Luật để bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2017.