Thành công của tái cơ cấu nền kinh tế là thu hút được sự tham gia của toàn xã hội, nhất là khu vực kinh tế ngoài nhà nước . Ảnh: Lê Tiên |
Mới chỉ có Nhà nước tham gia vào tái cơ cấu
Thảo luận về Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 tại phiên họp Quốc hội ngày hôm qua (2/11), đa số đại biểu Quốc hội đánh giá, Đề án của Chính phủ đã được chuẩn bị rất công phu, khắc phục được nhiều hạn chế của giai đoạn 2011 - 2015. Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt được yêu cầu vừa có tính chất bao quát, vừa có tính cụ thể, thuận lợi cho việc triển khai thực hiện. Đề án đã đưa ra được những nội dung trọng tâm của tái cơ cấu, bao quát toàn bộ những vấn đề quan trọng của nền kinh tế. Mỗi nội dung lại được cụ thể hóa bằng các nhiệm vụ cụ thể, có thứ tự ưu tiên cùng với những việc cần làm để thực hiện những nhiệm vụ đó. Đồng thời, cũng đã phân công cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ.
Nhiều đại biểu Quốc hội cũng phân tích những nguyên nhân cho sự chuyển động chậm chạp của tái cơ cấu thời gian qua. Theo đại biểu Quốc hội Phùng Văn Hùng (Đoàn Cao Bằng), nguyên nhân đầu tiên là do vấn đề nhận thức, chưa tạo được nhận thức đầy đủ từ Trung ương đến địa phương, về tầm quan trọng của tái cơ cấu nền kinh tế. Điều này thể hiện ở việc mặc dù nhiều bộ, ngành và địa phương có xây dựng đề án tái cơ cấu nhưng còn mang nặng tính hình thức, triển khai chậm, đặc biệt là ở địa phương. “Qua đi giám sát, chúng tôi có cảm nhận 5 năm rồi nhưng tái cơ cấu vẫn chưa về tới địa phương. Tình trạng coi việc tái cơ cấu là việc của Trung ương khá phổ biến” - ông Hùng bình luận.
Nguyên nhân thứ hai, theo ông Hùng là chưa thu hút được sự tham gia của cả xã hội, nhất là khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Đây là yếu tố hết sức quan trọng ảnh hưởng tới sự thành công của tái cơ cấu. Nguồn lực nhà nước có hạn, nguồn lực của xã hội lại cực kỳ lớn nếu được tham gia vào quá trình tái cơ cấu chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ vào sự phát triển của đất nước. “Đáng tiếc rằng trong thời gian qua mới chỉ có Nhà nước và khu vực kinh tế nhà nước tham gia vào tái cơ cấu là chủ yếu”, đại biểu Hùng nhận định.
Khơi thông nguồn lực từ tư nhân
Hai nguyên nhân mà đại biểu Phùng Văn Hùng chỉ ra làm hạn chế quá trình tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn vừa qua, nếu được tháo gỡ, sẽ tạo ra nguồn lực rất lớn cho tái cơ cấu 5 năm tới.
Trong kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020, Chính phủ dự kiến nguồn lực lên đến trên 10,5 triệu tỷ đồng. Con số này theo nhiều đại biểu là không nhỏ, nhưng có thể khả thi khi có những chính sách hiệu quả để thu hút nguồn lực tư nhân và tận dụng những nguồn lực sẵn có. Giải pháp khai thác nguồn lực này là gì? Theo đại biểu Phùng Văn Hùng, khi Nhà nước làm được vai trò của một nhà nước kiến tạo, liêm khiết và hành động như Thủ tướng đã từng tuyên bố thì đó sẽ là động lực để khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tham gia, bởi đó cũng chính vì lợi ích của chính doanh nghiệp.
Đại biểu Lê Quân (Đoàn TP. Hà Nội) thì cho rằng, phải mạnh dạn thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước vì việc làm này sẽ giúp thế vốn nhà nước bằng vốn tư nhân. Ông Quân cho rằng, hiện nay vốn trong dân, trong ngân hàng nhiều nhưng thiếu cơ hội đầu tư.
Giải pháp quan trọng khác, theo một số đại biểu, là đẩy mạnh áp dụng hình thức đầu tư đối tác công tư – PPP. Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM), để tạo nguồn vốn cần huy động đầu tư tư nhân vì nguồn lực trong dân còn rất nhiều. Hình thức PPP, với rất nhiều cách thức sáng tạo đa dạng là hướng đi mà những quốc gia phát triển nhất thế giới đều áp dụng, trong đó có Mỹ, Nhật Bản và đặc biệt ở Anh. Đó cũng là cách chống lãng phí, tiêu cực trong chi ngân sách và đầu tư công. Ông Nghĩa khuyến nghị, Chính phủ cần đẩy mạnh áp dụng PPP hơn nữa để tư nhân mạnh dạn tham gia đầu tư công, chung sức với Nhà nước thay vì đầu cơ quá nhiều vào bất động sản hay chỉ biết gửi tiết kiệm hoặc cất giấu.
Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng khẳng định, đẩy mạnh áp dụng PPP mới giải quyết được vấn đề nguồn vốn cho tái cơ cấu nông nghiệp.
Đại biểu Quốc hội (Đoàn Cao Bằng)
Trong tái cơ cấu, Nhà nước trước tiên phải là nhà kiến tạo đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng và bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng, đưa ra các chính sách có tính chất đòn bẩy, thu hút nguồn lực xã hội vào những lĩnh vực ưu tiên. Còn doanh nghiệp phải đóng vai trò quyết định đóng góp nguồn lực chủ yếu cho tái cơ cấu. Bằng cách làm này, nguồn lực quốc gia sẽ được tái cơ cấu, phân bổ lại một cách hợp lý theo quy luật của thị trường.
Đại biểu Quốc hội (Đoàn Nam Định)
Nhiều người bảo không thấy đâu nguồn lực tái cơ cấu. Tôi thấy nguồn lực còn nhiều, vấn đề là có khai thác được hay không. Có thể kể đến là nguồn vốn của Nhà nước, của dân nằm ở doanh nghiệp nhà nước hiện không ít. Nguồn lực nhiều hơn nữa mà lâu nay ít nhìn đến, không tập trung quản lý là các tài sản của các cơ quan hành chính cung cấp dịch vụ công. Hai nguồn lực này vào khoảng 500 tỷ USD, nếu biết khai thác, trong 5 tới cỡ một nửa thì cũng tạo cú hích rất lớn cho tăng trưởng. Làm tốt thì kế hoạch tăng trưởng còn vượt kỳ vọng.
Đại biểu Quốc hội (Đoàn Hà Nội)
Tôi cho rằng cần đẩy mạnh áp dụng hình thức đầu tư đối tác công tư - PPP. Trong kế hoạch tái cơ cấu và kế hoạch đầu tư trung hạn còn rất mờ nhạt về giải pháp này. Trong khi PPP giúp nhanh chóng thu hút vốn xã hội vào cung ứng dịch vụ công. Hình thức này sẽ tạo đột phá trong phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, du lịch, thể thao...