Khơi thông cung - cầu vốn cho tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8%, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng được đặt ra ở mức 16%, cao nhất trong 8 năm qua. Để đạt chỉ tiêu này, cần quyết liệt triển khai các giải pháp tháo gỡ ách tắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và vướng mắc trong triển khai các dự án. Bên cạnh đó, cần kiểm soát dòng vốn tín dụng và thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán để cân bằng các kênh huy động vốn, hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.
Các tổ chức tín dụng cần đẩy mạnh cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết nợ xấu, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên
Các tổ chức tín dụng cần đẩy mạnh cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết nợ xấu, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên

Theo số liệu thống kê mới nhất, tăng trưởng tín dụng tháng 1/2025 của Hà Nội và TP.HCM lần lượt đạt 0,8% và 0,4%. Đây là mức tăng khá tích cực trong tháng Tết Nguyên đán năm 2025 và là một phần kết quả của chủ trương thúc đẩy vốn vào nền kinh tế được ngành ngân hàng triển khai ngay từ đầu năm. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, ngày 30/12/2024, cơ quan này đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng thông báo công khai, minh bạch về nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng năm 2025 với dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 khoảng 16%, tương ứng với mục tiêu tăng trưởng GDP 8% năm 2025 của Chính phủ.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong nhiều năm qua, trung bình hơn 2% tăng trưởng tín dụng sẽ giúp tăng trưởng 1% GDP mỗi năm. Chẳng hạn, năm 2023, GDP tăng trưởng gần 7% thì tăng trưởng tín dụng ở mức 14,55%. Năm 2024, GDP tăng trưởng 7,09% thì tín dụng tăng trưởng 15,08%. NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%. Nếu tăng trưởng GDP đến 10% thì tăng trưởng tín dụng phải ở mức 18 - 20%.

“Vấn đề đặt ra là làm sao phải có đủ vốn phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh các kênh huy động vốn trung, dài hạn như chứng khoán, trái phiếu vẫn còn những vấn đề cần củng cố. Trách nhiệm sẽ đặt nặng cho chính sách tiền tệ, tín dụng trong năm 2025”, ông Đào Minh Tú nhận định.

Theo TS. Châu Đình Linh, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM, bên cạnh thách thức trong việc tìm đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, việc cải thiện khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp cũng là vấn đề đáng quan tâm. Ông Linh cho rằng, nền kinh tế đã có tín hiệu khởi sắc, song nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn thể hiện qua con số tháng 1/2025 có tới 58,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 8,1% so với tháng 1/2024. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu gộp của hệ thống ngân hàng đã ở mức cao, lên đến khoảng 7% tổng dư nợ. Đặc biệt, khi quy định về cơ cấu thời hạn trả nợ hết hiệu lực, nợ xấu bộc lộ sẽ khiến nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận vốn.

TS. Châu Đình Linh cho rằng, bên cạnh việc tăng huy động để cung ứng vốn cho nền kinh tế, các tổ chức tín dụng còn cần thêm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết nợ xấu, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Một số ý kiến khác kỳ vọng, những giải pháp tháo gỡ ách tắc cho các dự án đầu tư đang được triển khai quyết liệt sẽ vừa góp phần giảm nợ xấu, vừa thúc đẩy doanh nghiệp tăng tốc đầu tư, qua đó tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

Ở góc nhìn tổng quan, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam bày tỏ lo ngại về tỷ lệ tín dụng/GDP đã ở mức cao trong những năm qua. Theo đó, năm 2022, khi dư nợ tín dụng của Việt Nam ở mức 125% GDP, Ngân hàng Thế giới đã đưa cảnh báo và đề xuất thận trọng với ngưỡng tín dụng ở mức này. Do đó, với mức tăng trưởng tín dụng 16%, dự kiến số vốn đổ ra nền kinh tế khoảng 2,5 triệu tỷ đồng, với mức tăng GDP 8% thì tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam sẽ ở mức trên 140%.

“Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, việc đẩy vốn tín dụng ra nền kinh tế là yêu cần thiết thực, song cần thận trọng. Khi tăng trưởng tín dụng liên tục tăng ở mức cao, có thể dẫn đến rủi ro về lạm phát, tạo áp lực lên tỷ giá và khả năng kiểm soát chất lượng dòng vốn. Do đó, bên cạnh việc tăng huy động và giải ngân vốn tín dụng, cần chú trọng cải thiện ngay các kênh huy động vốn khác, đặc biệt là từ thị trường cổ phiếu và trái phiếu, tạo lập một thị trường tài chính lành mạnh, cân bằng để bảo đảm nền kinh tế phát triển bền vững”, ông Bình nhấn mạnh.

Từ góc độ cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, bên cạnh việc nỗ lực cấp vốn tín dụng cho nền kinh tế, NHNN luôn chú trọng kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế. NHNN sẽ điều hành theo hướng bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế, cho các ngân hàng thương mại, đẩy mạnh vốn huy động, có chính sách lãi suất hợp lý để huy động dòng vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế.

“Trong điều hành hạn mức tín dụng, NHNN đặt chỉ tiêu định hướng 16%, nhưng cũng có thể cao hơn nếu vẫn kiểm soát được lạm phát, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô trong ngưỡng cho phép và đạt mục tiêu tăng trưởng. NHNN sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho các ngân hàng thương mại. Nếu ngân hàng thương mại cho vay tích cực, đúng đối tượng và phát huy được hiệu quả nguồn vốn cũng như bảo đảm được an toàn, lành mạnh thì càng được chủ động triển khai. NHNN sẽ kiểm soát cũng như bảo đảm tổng thể mức tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế”, ông Tú nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục