Gần 70% DNNVV phải sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ nguồn khác để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Lê Gia Khoa |
Tiếp cận vốn: Khó đủ đường
DNNVV có thể sử dụng nguồn vốn tự có hoặc sử dụng nguồn vốn bên ngoài (chủ yếu thông qua tiếp cận vốn tín dụng từ các NHTM) để tìm kiếm nguồn vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Hồng Phương, Giám đốc Công ty CP Kỹ thuật công nghệ Việt Phát cho biết, DNNVV như công ty ông khi sử dụng nguồn vốn bên ngoài sẽ rẻ hơn sử dụng nguồn vốn tự có, nhưng nếu không có tài sản thế chấp hoặc quan hệ thân thiết thì rất khó tiếp cận vốn từ các NHTM.
Đây cũng là một thực tế chung khi nhiều năm qua, tỷ lệ tiếp cận tín dụng từ NHTM của DNNVV còn khá khiêm tốn. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu DNNVV, hiện chỉ có khoảng hơn 30% DNNVV tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng từ NHTM, gần 70% DNNVV còn lại phải tiếp tục sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ nguồn khác với chi phí và rủi ro rất cao.
Tổng hợp mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn tín dụng, nhưng kết quả cho vay đối với DNNVV vẫn còn khá khiêm tốn, tỷ lệ dư nợ cho vay đối với DNNVV trong giai đoạn 2011 - 2015 trung bình khoảng 25% tổng dư nợ cho vay toàn bộ nền kinh tế. Tính đến ngày 31/12/2015, tổng dư nợ cho vay DNNVV đạt khoảng 1.052 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 23% tổng dư nợ cho vay toàn bộ nền kinh tế.
Thời gian qua, các quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV đã ra đời với kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn cho DNNVV không đủ tài sản thế chấp, cầm cố để vay vốn tại các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, hoạt động của các quỹ này tại 21 địa phương gần như không có tác dụng thực tế, rất ít doanh nghiệp được bảo lãnh từ các quỹ này. Trong khi đó, đa số các DNNVV ở quy mô nhỏ và phần lớn gặp khó khăn trong việc thế chấp, cầm cố tài sản để vay vốn NHTM.
Tìm hướng tháo gỡ
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho biết, để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, mở rộng quy mô vốn vay của các DNNVV, Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV dự kiến quy định điều chỉnh cả 2 phía, từ DNNVV và các NHTM.
Theo đó, cơ quan hỗ trợ DNNVV sẽ giúp DNNVV tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn thông qua hoạt động tư vấn hồ sơ vay vốn, lập kế hoạch, dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi và quản lý, sử dụng vốn vay hiệu quả để đáp ứng yêu cầu, điều kiện vay vốn của NHTM. Ngoài ra, Dự thảo Luật quy định, NHTM bảo đảm tỷ lệ dư nợ cho vay tối thiểu đối với DNNVV là 30% tổng dư nợ cho vay của mỗi NHTM. Với quy định này, Ngân hàng Nhà nước cần đôn đốc, giám sát NHTM thực hiện cho vay đối với DNNVV và thực hiện các biện pháp tỷ lệ dự trữ bắt buộc; chiết khấu, tái cấp vốn; khoanh nợ và xử lý rủi ro… để duy trì tỷ lệ dư nợ cho vay tối thiểu của NHTM đối với DNNVV. Đồng thời, các NHTM cần tập trung hơn vào đối tượng khách hàng DNNVV, cung cấp các sản phẩm tín dụng và dịch vụ bảo lãnh ngân hàng, chiết khấu, cho thuê tài chính, các nghiệp vụ cấp tín dụng khác phù hợp với quy mô, đặc điểm của DNNVV để bảo đảm mức dư nợ này.
Tuy nhiên, do việc đáp ứng tỷ lệ dư nợ tín dụng tối thiểu đối với DNNVV có thể không khả thi với tất cả NHTM nên cơ quan soạn thảo Luật sẽ nghiên cứu kỹ, lấy ý kiến của Ngân hàng Nhà nước về việc phân loại, lộ trình áp dụng đối với các NHTM.
Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV cũng quy định, lãi suất cho vay đối với DNNVV không vượt quá 90% mức lãi suất cho vay thương mại tại từng thời điểm. Theo đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ KH&ĐT, thực tế, trong giai đoạn 2014 - 2015, các NHTM cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên, trong đó, DNNVV được hưởng lãi suất ưu đãi ở mức 7 - 8%/năm, trong khi lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường là 9 - 10%/năm (ngắn hạn) và 10,5 - 12%/năm (trung và dài hạn). Quy định tại Dự thảo phù hợp với diễn biến lãi suất thời gian qua.
Ngoài ra, Dự thảo Luật đưa ra các quy định kiện toàn các quỹ bảo lãnh tín dụng; hỗ trợ DNNVV vay vốn tại các quỹ phát triển DNNVV; thành lập một số quỹ mới như Quỹ đầu tư mạo hiểm, Quỹ đại diện của DNNVV để hỗ trợ nhiều hơn nữa cho khối DNNVV tiếp cận vốn.
Doanh nghiệp trong nước vay ngân hàng cực khó, vì vướng về bảo lãnh, không có tài sản thế chấp. Năm 2013, Hà Nam làm việc với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho vay 2.000 tỷ đồng cho phát triển nông thôn mà Tỉnh phải đứng lên yêu cầu Ngân hàng cho vay tín chấp, không thực hiện thế chấp. Nếu cứ quy định phải thế chấp, trong khi một tài sản nhiều chủ, con vay bố không ký, anh vay em không ký thì rất khó. Ngoài ra, lãi suất 8 - 9% cũng còn cao đối với doanh nghiệp. Vì thế, phải xem xét lại vấn đề tiếp cận vốn của doanh nghiệp với các tổ chức tín dụng.