Khơi thông “huyết mạch” cho thị trường địa ốc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dù thị trường bất động sản được dự đoán sẽ có những bước tiến đáng kể trong năm 2025, các chuyên gia vẫn bày tỏ sự lo ngại về nguồn vốn, được xem là "huyết mạch" của thị trường. Để giảm thiểu rủi ro và tăng cường khả năng tự chủ, doanh nghiệp bất động sản cần tiếp tục tìm kiếm các phương thức huy động vốn đa dạng, thay vì chủ yếu dựa vào kênh ngân hàng.
Nhiều dự án được mở bán kỳ vọng giúp doanh nghiệp cải thiện dòng tiền. Ảnh: Tiên Giang
Nhiều dự án được mở bán kỳ vọng giúp doanh nghiệp cải thiện dòng tiền. Ảnh: Tiên Giang

Tiếp tục đa dạng hóa nguồn vốn

Ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, mặc dù Chính phủ đã có nhiều cải cách tích cực nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản, nhưng thực tế cho thấy, việc tiếp cận vốn tín dụng vẫn là thách thức lớn với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là điều kiện vay vốn vẫn tương đối khắt khe, yêu cầu tài sản bảo đảm cao và thủ tục phức tạp khiến doanh nghiệp khó đáp ứng. Thêm vào đó, lãi suất cho vay vẫn duy trì ở mức cao so với khả năng chịu đựng của doanh nghiệp và người mua nhà, làm tăng đáng kể chi phí đầu tư và áp lực trả nợ.

Chủ tịch VNREA nhấn mạnh, điều này khiến nhiều dự án tiềm năng phải dừng hoặc trì hoãn triển khai, cản trở khả năng phục hồi và kìm hãm cơ hội phát triển của thị trường. Trong khi các doanh nghiệp lớn có khả năng huy động vốn từ nhiều nguồn đa dạng, doanh nghiệp nhỏ và vừa gần như phụ thuộc hoàn toàn vào vốn ngân hàng, khiến họ càng dễ bị tổn thương trước biến động thị trường và chính sách tiền tệ.

Ông Khôi đề nghị, để tháo gỡ khó khăn này, cần có những chính sách cụ thể hơn, hỗ trợ giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, đồng thời mở rộng các nguồn tài chính thay thế như quỹ đầu tư và trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, người mua nhà ở xã hội còn khó tiếp cận vốn vay vì lãi suất cao, thời gian trả nợ ngắn, khó khăn tài chính (không đủ 20% vốn sở hữu) nên không vay được 80% vốn ngân hàng trong gói 145.000 tỷ đồng. Chỉ khi vấn đề tiếp cận vốn được giải quyết triệt để, thị trường bất động sản mới thực sự ổn định và phát triển bền vững.

Chia sẻ tại Hội thảo "Tâm điểm tín dụng Việt Nam 2025", ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinRatings cho biết, hiện cơ cấu huy động qua kênh trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp phi tài chính còn rất hạn chế, chỉ chiếm khoảng 33% tổng giá trị phát hành của toàn thị trường, tức đạt khoảng 6 tỷ USD. Trong khi đó, huy động vốn cổ phần qua kênh cổ phiếu trên thị trường chứng khoán còn ở quy mô rất hạn chế, khoảng hơn 3 tỷ USD. Việc chậm khơi thông kênh huy động qua thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhất là kênh chào bán ra công chúng sẽ tiếp tục đặt gánh nặng lên tín dụng ngân hàng. Điều này có thể tiềm ẩn rủi ro cho an toàn hệ thống, nhất là trong bối cảnh bộ đệm vốn của các ngân hàng thương mại còn thấp, với hệ số an toàn vốn bình quân ở mức 12,4% vào cuối 2024, khá thấp so với các thị trường trong khu vực cũng như so với nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao 16% của ngành năm 2025.

“Do đó, cùng với những giải pháp khơi thông vốn đang được triển khai, thay đổi về chính sách và tháo gỡ vướng mắc pháp lý, tôi kỳ vọng trái phiếu doanh nghiệp sẽ có sự cải thiện từ nửa cuối năm 2025, không chỉ từ các ngân hàng và tổ chức tài chính phi ngân hàng, mà còn từ các lĩnh vực bất động sản nhà ở, năng lượng và hạ tầng…”, ông Thuân nói.

Kỳ vọng khả năng tiếp cận vốn nhờ thị trường khởi sắc

Thực tế, nhiều doanh nghiệp như Công ty CP Bất động sản Thế Kỷ (Cen Land), Công ty CP Hưng Thịnh Land, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va, Công ty CP Crystal Bay, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Kiên Trung… vẫn đang gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản trái phiếu đến hạn và phải gia hạn thanh toán với các trái chủ. Tuy nhiên, việc thị trường BĐS dự báo khởi sắc trong năm 2025 được kỳ vọng giúp doanh nghiệp cải thiện dòng tiền từ gia tăng bán hàng.

Theo Báo cáo “Ngành bất động sản nhà ở - triển vọng 2025” của VIS Rating, dòng tiền yếu là điểm yếu chính trong hồ sơ tín nhiệm của các chủ đầu tư, khi khoảng 70% các doanh nghiệp mà tổ chức này theo dõi có dòng tiền hoạt động để trả nợ đến hạn ở mức yếu. VIS Rating kỳ vọng chỉ số này sẽ được cải thiện trong năm 2025 khi dòng tiền thu từ bán hàng gia tăng, dẫn đầu bởi các chủ đầu tư lớn như Vinhomes, Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền, Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh, Công ty CP Đầu tư Nam Long, với kế hoạch mở bán tăng mạnh tại các thành phố lớn. VIS Rating kỳ vọng doanh thu bán hàng sẽ tăng từ 25 - 50% trong năm 2025, chủ yếu từ các dự án cao cấp với biên lợi nhuận cao.

Không chỉ cải thiện khả năng tiếp cận nguồn vốn nhờ hoạt động kinh doanh, VIS Rating kỳ vọng Luật số 56/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với những yêu cầu chặt chẽ về hoạt động phát hành và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, thúc đẩy việc sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm nhằm cảnh báo rủi ro đầu tư sẽ giúp cải thiện chiều sâu thị trường trong giai đoạn phát triển mới.

Tin cùng chuyên mục