Cả nước đã hoàn thành khoảng 1.000 km đường bộ cao tốc đi qua 15 tỉnh, thành phố, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc lên gần 2.100 km. Ảnh: Lê Tiên |
Tại Lễ phát động “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kêu gọi các cấp ủy đảng quyết liệt chỉ đạo sát sao; cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm về phát triển đường cao tốc và với tinh thần: "Tất cả vì hạnh phúc ấm no của nhân dân, vì sự phát triển hùng cường của đất nước". Thủ tướng cho biết, từ năm 2021 đến nay, cả nước đã hoàn thành khoảng 1.000 km đường bộ cao tốc đi qua 15 tỉnh, thành phố, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc lên gần 2.100 km. Cùng với đó, các dự án đang thi công trên 1.700 km, chuẩn bị khởi công khoảng 1.400 km, các dự án trải qua khắp 48 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Bộ Giao thông vận tải cho biết đang quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu tích cực triển khai Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, đoạn Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, tiến độ cơ bản bám sát kế hoạch, một số dự án phấn đấu hoàn thành sớm từ 3 đến 6 tháng. Bộ Giao thông vận tải, các địa phương và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang triển khai thi công 38 dự án cao tốc thành phần với tổng chiều dài khoảng 1.700 km, trong đó có 25 dự án cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.104 km dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
Bên cạnh đó, hàng loạt dự án lớn trải dọc đất nước cũng đang nỗ lực triển khai và cán đích, tạo nên điểm nhấn trong bức tranh hạ tầng giao thông đồng bộ. Chẳng hạn, Dự án Cao tốc Bến Lức - Long Thành đang triển khai bám sát tiến độ đề ra; riêng Gói thầu J3-1, VEC đã chủ động bố trí nguồn vốn và triển khai thủ tục lựa chọn nhà thầu trong nước nhằm đáp ứng tiến độ hoàn thành vào năm 2025. Tại Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Dự án thành phần 1, Dự án thành phần 2 và Dự án thành phần 3 đang được triển khai đáp ứng kế hoạch đề ra.
Hiện Dự án Nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đang triển khai thi công theo đúng tiến độ. Dự án Đầu tư xây dựng đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa (kết nối vào Nhà ga T3) cũng đang phấn đấu hoàn thành trong tháng 12/2024. Dự án Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đã khai thác thương mại đoạn trên cao; bắt đầu triển khai đào hầm đoạn đi ngầm. Dự án Đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên dự kiến sẽ khai thác thương mại vào quý IV/2024.
Với sự quyết tâm, vào cuộc từ các cấp, các ngành đến đông đảo đội ngũ nhà thầu, nhà đầu tư, diện mạo giao thông của nước ta đang nhanh chóng trở nên hiện đại và liên thông, kết nối. Trong diện mạo mới ấy, có nỗ lực và nhiệt huyết của những nhà thầu xây dựng lớn với khát khao chinh phục và khai phá tiềm năng những vùng đất bằng các công trình giao thông bề thế, hiện đại.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả đã nói về cơ duyên, động lực khiến Đèo Cả quyết tâm theo đuổi Dự án Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Ông Hoàng cho biết, mảnh đất Cao Bằng - nơi khởi nguồn của cách mạng Việt Nam không có đường sắt, sân bay, cảng biển nên kinh tế chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có chiều dài 144 km, tổng vốn đầu tư trên 47.000 tỷ đồng, là dự án rất khó khăn cả về yếu tố kỹ thuật, thủ tục pháp lý, đặc biệt là tổng mức đầu tư rất lớn. Đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, tìm hiểu, khảo sát nhưng họ đều đến và không quay trở lại. Tuy nhiên, với tinh thần chung tay xây dựng Cao Bằng, được sự ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ để triển khai Dự án theo cơ chế đặc thù, Liên danh nhà đầu tư và các cấp chính quyền Cao Bằng đã nỗ lực từng bước tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho Dự án. Ngày 1/1/2024, Thủ tướng đã phát lệnh khởi công Dự án trong niềm hân hoan của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng.
Ông Lưu Công Hữu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cao Bằng cho biết, chính quyền, nhân dân Cao Bằng xác định cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là dự án trọng điểm của Tỉnh. Để hiện thực hóa dự án này, cả hệ thống chính trị của tỉnh Cao Bằng đã vào cuộc quyết liệt để công trình được triển khai sớm nhất. Tuyến cao tốc chính là lối mở, đòn bẩy đặc biệt quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, kết nối Cao Bằng với các tỉnh biên giới, Thủ đô Hà Nội và quốc tế.
Ông Nguyễn Đăng Thuận, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty 36 cho biết, thực tiễn triển khai thi công ở công trường liên tục phát sinh các khó khăn, buộc nhà thầu phải có giải pháp kịp thời để xử lý. Đặc biệt ở các công trình giao thông lớn, trải dài trên nhiều địa bàn, đi qua những vùng đồi núi, địa hình phức tạp với rất nhiều hang caster (hiện tượng đá bị xâm thực, bào mòn do nước kết hợp đất theo thời gian tạo nên), hiện tượng lún của nền đất yếu… Ở công trường, khó khăn liên tục bủa vây nhà thầu, nhưng mỗi công trình được hoàn thành là một “cây cầu nối những bờ vui”, kết nối “những cung đường hạnh phúc”. Chỉ một vài năm sau khi công trình được hoàn thành, đưa vào sử dụng là kinh tế địa phương sẽ có những bước chuyển biến tích cực: nhà cửa, trung tâm buôn bán, làng nghề, vùng du lịch… được hình thành nhanh chóng, việc thu hút đầu tư của địa phương đang và sẽ có những biến tiến nhảy vọt.
Cũng chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Hữu Ngọc, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, là một doanh nghiệp quân đội trên mặt trận xây dựng kinh tế, những người lính Trường Sơn luôn nỗ lực và tự hào về những dấu ấn của mình trên các công trình trọng điểm quốc gia, góp phần vào việc khơi thông tiềm năng của những vùng đất, thúc đẩy sự phát triển bứt phá của mỗi địa phương nơi có công trình đi qua. Từ năm 2019 đến nay, Tổng công ty Trường Sơn đã liên tục phát động hàng chục đợt thi đua như: “Đột phá, thần tốc, quyết thắng”, “Về đích”, qua đó hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng hơn 1.200 công trình (trong đó có 950 công trình rà phá bom mìn). Trường Sơn tham gia các gói thầu cao tốc Bắc Nam như: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Mỹ Thuận - Cần Thơ, đường Tây 1 (Đà Nẵng)…, là những công trình lớn làm nên hình hài, diện mạo bề thế, hiện đại cho hạ tầng đất nước. Ở mỗi vùng đất, bên cạnh nỗ lực xây dựng những công trình giao thông, Tổng công ty Trường Sơn còn tham gia xây tặng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, nhà đồng đội, nhà văn hoá cộng đồng, công trình cấp nước sạch… giúp cuộc sống thường nhật của người dân địa phương, của những cựu chiến binh từng bước khởi sắc, đầm ấm và an cư ngay trên mảnh đất quê hương.