Năm 2022, kinh tế TP.HCM phục hồi mạnh mẽ, GRDP tăng 9,03%. Ảnh: Lê Tiên |
Theo đánh giá của Bộ Chính trị, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XI, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng trên các lĩnh vực. Cụ thể, quy mô kinh tế năm 2020 so với năm 2010 tăng 2,7 lần, GRDP bình quân đầu người tăng gấp đôi. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, từng bước phát triển theo chiều sâu dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. An sinh xã hội được bảo đảm; đạt nhiều kết quả tích cực trong tạo việc làm và giảm nghèo bền vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng lên.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng, tiềm năng, lợi thế của Thành phố chưa được khai thác hiệu quả. Tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt đối với vùng và cả nước có chiều hướng suy giảm, kinh tế tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp. Những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm trong khi nhiều khó khăn, thách thức mới phát sinh, trở thành điểm nghẽn cản trở sự phát triển của Thành phố. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển chậm và thiếu đồng bộ; công tác quy hoạch, quản lý đô thị, sử dụng đất đai còn nhiều hạn chế, yếu kém; giao thông quá tải và ùn tắc; triều cường, ngập úng…
Đây cũng là thời điểm tròn 5 năm Nghị quyết số 54/2017/QH11 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đi vào cuộc sống. Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, việc xây dựng Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54 được Bộ coi là một nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, trong thời gian qua, Thủ tướng và Chính phủ, đặc biệt là Bộ KH&ĐT đã quyết liệt chỉ đạo, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, cụ thể là tháo gỡ hàng loạt dự án trọng điểm kéo dài để có thể khởi công vào năm 2022. Đó là nền tảng để năm 2022, đặc biệt là quý IV/2022, những ngày cuối cùng của năm đã chứng kiến hàng loạt sự kiện trọng đại của Thành phố trong nỗ lực thay đổi diện mạo hạ tầng đô thị.
TP.HCM cam kết trong năm 2023 hoàn thành bàn giao mặt bằng Dự án Đường Vành đai 3. Ảnh: Lê Tiên |
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM cho biết, năm 2022, kinh tế Thành phố có đà phục hồi mạnh mẽ, đạt quy mô và tốc độ như trước dịch. Cụ thể, GRDP tăng 9,03%, tăng hơn so với năm 2019 hơn 138.000 tỷ đồng, thu ngân sách nhà nước đạt 26,5% cả nước.
Mới đây, hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm của TP.HCM được khởi động sau thời gian dài ngưng trệ. Ngày 24/12/2022, khởi công Dự án Đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa - dự án giải tỏa điểm nghẽn giao thông cửa ngõ Sân bay Tân Sơn Nhất. Ngày 26/12/2022, khởi công Dự án Nâng cấp Quốc lộ 50 huyện Bình Chánh gỡ nút thắt kết nối giao thông giữa TP.HCM và Tây Nam Bộ thông qua tỉnh Long An. Ngày 28/12/2022, khởi công Dự án Nút giao thông An Phú - xóa bỏ điểm đen giao thông tại khu vực TP. Thủ Đức. Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn) có tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng được khởi công trong những ngày đầu năm 2023. Dự án Cải tạo Rạch Xuyên Tâm quy mô 10.000 tỷ đồng sẽ được chuẩn bị để đầu tư trong giai đoạn 2023 - 2025…
Chia sẻ với phóng viên, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, nắm bắt cơ hội lớn, tận dụng cơ chế, hỗ trợ từ chính sách cho TP.HCM, hàng loạt chủ đầu tư dự án lớn đặt quyết tâm triển khai dự án hiệu quả, nhanh gọn.
Đơn cử, tại Dự án Đường Vành đai 3, TP.HCM là địa phương đầu tiên hoàn tất cắm mốc lộ giới từ ngày 1/11/2022. “TP.HCM cam kết đến tháng 6/2023 bàn giao 70% mặt bằng để tổ chức khởi công, tháng 12/2023 bàn giao 100% mặt bằng. Mục tiêu cuối năm 2025 thông xe để 2026 hoàn thiện, đưa vào sử dụng. TP.HCM sẽ chỉ định những đơn vị thi công đủ năng lực, kinh nghiệm và đáp ứng các tiêu chí khắt khe để triển khai Dự án. Đồng thời, cơ chế thưởng hợp đồng sẽ được thí điểm ngay tại dự án này”, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết.
Theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, các dự án được chuẩn bị trong thời gian dài và đã khởi công trong năm 2022, đầu năm 2023 có vai trò vô cùng quan trọng trong việc khơi thông các điểm nghẽn hạ tầng, cải thiện bộ mặt đô thị cho TP.HCM, tạo đà cho cực tăng trưởng mới của Thành phố giai đoạn 2025 - 2030.
Lộ trình này phù hợp với yêu cầu của Bộ Chính trị đến năm 2030 TP.HCM trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân đến năm 2030 đạt khoảng 8 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP.
Để hiện thực hóa mục tiêu, cần ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng năng lượng, viễn thông đồng bộ, hiện đại. Hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ và hệ thống đường kết nối nội vùng, liên vùng theo quy hoạch. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm quốc gia, nhất là tuyến vành đai 3, 4, các đường cao tốc, đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Xúc tiến đầu tư Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, mạng lưới đường sắt kết nối vùng TP.HCM. Khai thác hiệu quả mạng đường sắt đô thị, luồng tàu đường biển, đường sông, bảo đảm kết nối liên hoàn với các tỉnh Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.