Sửa Luật Đầu tư công: Nâng cao khả năng sẵn sàng hấp thụ vốn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều quy định của Luật Đầu tư công tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật thuộc lĩnh vực tài chính. Trong đó, sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định để sớm phê duyệt, triển khai thực hiện, tạo tính chủ động và nâng cao khả năng sẵn sàng hấp thụ vốn của dự án đầu tư công, từ đó góp phần đẩy nhanh giải ngân dòng vốn này.
Luật Đầu tư công được sửa đổi theo hướng tiếp tục phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục, đẩy nhanh tiến độ các dự án, đặc biệt là các dự án khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Ảnh: Lê Tiên
Luật Đầu tư công được sửa đổi theo hướng tiếp tục phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục, đẩy nhanh tiến độ các dự án, đặc biệt là các dự án khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Ảnh: Lê Tiên

Cấp bách sửa Luật Đầu tư công

Luật Đầu tư công 2024 đã tiếp tục thể chế hóa, thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền, theo phương châm thay đổi tư duy và phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, từ quản lý sang quản lý cho kiến tạo phát triển và địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát; bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả. Đồng thời, đã cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, tránh tạo cơ chế xin - cho…

Thực tế, trong thời gian qua phát sinh một số dự án đầu tư công đặc thù có yêu cầu áp dụng công nghệ cao, công nghệ mới chưa được thực hiện tại nước ta, có tổng mức đầu tư lớn, đòi hỏi phải có một số cơ chế, chính sách đặc thù để phê duyệt dự án và triển khai thực hiện như Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Bên cạnh đó, phần lớn các dự án đầu tư công đều gắn với công nghệ ở một mức độ nhất định. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đang tiến bộ rất nhanh, vòng đời công nghệ ngày càng ngắn, đòi hỏi các dự án đầu tư công phải triển khai và hoàn thành nhanh, tránh trường hợp dự án chưa hoàn thành đã lạc hậu về công nghệ. Việc thực hiện các dự án đặc biệt thúc đẩy tăng trưởng cũng đặt ra yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, cụ thể hóa phân cấp, phân quyền trong các quy định pháp luật.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo Bộ Tài chính, xuất phát từ tình hình thực tiễn cũng như để triển khai Nghị quyết số 57 đòi hỏi cần cấp bách sửa đổi Luật Đầu tư công theo hướng tiếp tục phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục, đẩy nhanh tiến độ các dự án, đặc biệt là các dự án khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số có yêu cầu cần thực hiện nhanh.

Việc sửa đổi Luật Đầu tư công được kỳ vọng tháo gỡ vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng. Ảnh: Tiên Giang
Việc sửa đổi Luật Đầu tư công được kỳ vọng tháo gỡ vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng. Ảnh: Tiên Giang

Tháo nhiều nút thắt, tránh ứ đọng vốn

Dù đã nỗ lực tháo gỡ, nhưng theo phản ánh của nhiều địa phương, giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn là vướng mắc nổi cộm ảnh hưởng đến tiến độ dự án đầu tư công, gây ứ đọng nguồn vốn có sẵn, dự án bị kéo dài, đội vốn. Trong đó, công tác thống kê, đo đạc, kiểm đếm phức tạp, mất nhiều thời gian là nguyên nhân lớn dẫn đến GPMB khó khăn.

Đơn cử, tại Hà Nội - địa phương có kế hoạch vốn đầu tư công lớn nhất cả nước, tại cuộc làm việc mới đây do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, vướng mắc lớn nhất khi triển khai các dự án của Hà Nội là khâu GPMB. Điển hình như Dự án Đường sắt đô thị TP. Hà Nội tuyến số 2, Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đều chậm tiến độ, không đạt kế hoạch giải ngân vốn hàng năm và phải đề xuất chuyển sang giai đoạn 2026 - 2030 do GPMB chậm, phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh kéo dài, phức tạp.

Một số ý kiến phân tích, theo quy định của Luật Đầu tư công, quá trình của 1 dự án bao gồm 2 giai đoạn: chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án, trong đó công tác GPMB thuộc giai đoạn thực hiện dự án và được bố trí vốn cùng với các hoạt động tổ chức thi công, xây lắp, mua sắm… Điều này dẫn đến chỉ có thể bố trí vốn để GPMB khi dự án đã được phê duyệt quyết định đầu tư, làm chậm thời gian bắt đầu thực hiện GPMB, trừ trường hợp tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập. Đồng thời, vốn thực hiện dự án được bố trí khi chưa thực hiện GPMB nên có thể không giải ngân được nếu công tác GPMB có vướng mắc.

Tại Dự thảo Luật gửi Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Tài chính đề xuất nhiều quy định để tháo gỡ vướng mắc này. Trong đó, bổ sung khái niệm “nhiệm vụ chuẩn bị GPMB” là nhiệm vụ nhằm đo đạc, kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất, hiện trạng. Nhiệm vụ chuẩn bị GPMB được thực hiện mà không cần phê duyệt chủ trương đầu tư dự án và được ưu tiên bố trí vốn đầu tư công. Bổ sung quy định chi phí thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị GPMB được sử dụng từ nguồn vốn đầu tư công và các nguồn vốn hợp pháp khác, được thực hiện quyết toán trong giá trị tổng mức đầu tư của dự án… Các quy định này giúp sớm bố trí vốn để thực hiện công tác đo đạc, kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất và hiện trạng sử dụng đất, trên cơ sở đó sớm ghi nhận, xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tránh việc thay đổi hiện trạng sử dụng đất. Trên cơ sở đó giúp cấp có thẩm quyền chủ động hơn trong việc bố trí nguồn lực cho từng giai đoạn của dự án, tối ưu hóa việc bố trí nguồn lực cho công tác xây lắp, mua sắm của dự án…

Bộ Tài chính đề xuất bổ sung căn cứ cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của dự án, không cần chờ đến khi có thông báo của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh gỡ vướng mắc liên quan GPMB, Bộ Tài chính cũng đề xuất một số quy định nhằm thúc đẩy việc phê duyệt, tăng tính sẵn sàng và khả năng hấp thụ vốn của dự án. Về thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, bổ sung căn cứ cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, không cần chờ đến khi có thông báo của Thủ tướng Chính phủ; không phải thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, dự án đầu tư công đặc biệt… Sửa đổi, bổ sung căn cứ hạn mức vốn nhằm tạo căn cứ pháp lý cho các bộ, cơ quan, địa phương thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, tăng tính sẵn sàng và chất lượng chuẩn bị đầu tư (không phải chờ đến khi có thông báo vốn của Thủ tướng Chính phủ mới phê duyệt).

Theo Bộ Tài chính, quy định này giúp tăng tính chủ động, sẵn sàng về nguồn lực để phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, đặc biệt là các dự án khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số có thể phát sinh nhu cầu đầu tư ngay trong quá trình triển khai kế hoạch trung hạn.

Bộ cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều quy định đối với dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài để rút ngắn, đơn giản hóa thủ tục. Tiếp tục phân cấp mạnh hơn trong quản lý đầu tư công; sửa đổi, rút ngắn thời gian bố trí vốn thực hiện dự án; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành dự án, trong đó bổ sung quy định về chế tài xử lý đối với các chủ thể thực hiện dự án không đảm bảo tiến độ đề ra…

Tin cùng chuyên mục