Bị cáo Phan Văn Vĩnh tại phiên tòa xét xử vụ án "đường dây đánh bạc nghìn tỷ" ở TAND tỉnh Phú Thọ hồi tháng 11/2018. |
Ngày 10/9/2019, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Phan Văn Vĩnh, nguyên Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an về tội "Ra quyết định trái pháp luật" theo quy định tại Khoản 2 Điều 371 Bộ luật hình sự năm 2015.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, trong quá trình chỉ đạo điều tra vụ án Trương Huy Liệu và đồng phạm về tội "Buôn lậu" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", ông Phan Văn Vĩnh, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã chỉ đạo việc ra quyết định xử lý vật chứng và tổ chức bán đấu giá lô gỗ vật chứng của vụ án trái pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Trước đó, liên quan đến vụ án này, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "Ra quyết định trái pháp luật" quy định tại Điều 371 Bộ Luật Hình sự, xảy ra tại Cơ quan Cảnh sát điều tra (C44) Bộ Công an.
Theo cáo trạng, ngày 21/12/2011, Đội Cảnh sát kinh tế - môi trường Công an quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) phát hiện xe ô tô BKS 43S-5142, rơ -moóc tải mang BKS 43R-0866 chở container gỗ, số hiệu GESU 6243717 cho Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng (Công ty Ngọc Hưng), đi từ Quảng Trị đến Chi cục Hải quan cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) có vi phạm trong lĩnh vực hải quan. Công an quận Ngũ Hành Sơn ra quyết định khám xét đối với lô hàng hóa chứa trong container nói trên, phát hiện trong đó có 27 kiện hàng chứa 876 sản phẩm gỗ, khác hoàn toàn với khai báo tại tờ khai hải quan và tờ khai lý lịch gỗ mà chủ hàng cung cấp.
Sau đó, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan đã vào cuộc điều tra, phát hiện công ty nhập, xuất lậu gỗ nên đã khởi tố vụ án hình sự và chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C44) để điều tra theo thẩm quyền.
Theo kết quả điều tra, ông Trương Huy Liệu (trú ở huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) đã chỉ đạo các nhân viên Công ty Ngọc Hưng lập hồ sơ, chứng từ giả sau đó sử dụng bộ hồ sơ này để buôn lậu 614,672m3 gỗ không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trị giá 63,6 tỷ đồng.
Đối với Đỗ Lý Nhi, Lê Xuân Thành (cùng trú ở huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) được giao nhiệm vụ kiểm hóa lô hàng gỗ xuất khẩu theo tờ khai Hải quan của Cty Ngọc Hưng nhưng Nhi và Thành đã không làm đầy đủ trách nhiệm được giao; không phát hiện được những kiện hàng gỗ lậu mà doanh nghiệp đã không khai báo khi làm thủ tục hải quan dẫn đến không phát hiện được hành vi buôn lậu của Công ty Ngọc Hưng.
Đối với Đỗ Danh Thắng (SN 1955, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng) được giao nhiệm vụ tổ chức việc khám xét theo thủ tục hành chính đối với lô hàng xuất khẩu có vi phạm của Công ty Ngọc Hưng nhưng đã không thực hiện đúng các quy định về trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp khám xét theo thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan; không làm hết trách nhiệm được giao.
Ngày 23/8/2018, Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng đã tuyên phạt bị cáo Trương Huy Liệu mức án 1 năm 16 ngày tù giam, bị cáo Trần Thị Dung phạt 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo cùng về tội “Buôn lậu”. Bị cáo Liệu sau khi trừ đi thời gian tạm giam trước đó, đã thi hành xong hình phạt.
Các bị cáo Đỗ Lý Nhi, Lê Xuân Thành cùng bị phạt 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Bị cáo Đỗ Danh Thắng bị phạt 6 tháng tù treo. Cả 3 bị cáo Nhi, Thành, Thắng cùng phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Sau khi tòa án nhân dân TP Đà Nẵng tuyên án, 4 bị cáo là Liệu, Dung, Nhi, Thành đã có đơn kháng cáo kêu oan. Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng cũng kháng nghị theo hướng áp dụng tăng hình phạt đối với các bị cáo Liệu và Dung, tịch thu sung quỹ số tiền hơn 62 tỷ đồng.
Đáng chú ý trong vụ án chưa được giải quyết xong thì Cơ quan cảnh sát điều tra quyết định xử lý, bán đấu giá tài sản.
Hiện Cơ quan điều tra VKSND tối cao đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, làm rõ hành vi của những người có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.