Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước và Danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nhấn mạnh sự cần thiết phải có một quyết định thay thế, bởi trong quá trình thực hiện Quyết định số 58 đã phát sinh một số vấn đề cần điều chỉnh, bổ sung.
Trước hết là về sự phù hợp với quy định của pháp luật về DN được ban hành. Cụ thể, từ năm 2021, DNNN bao gồm DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Đồng thời, Quyết định số 58 chỉ có hiệu lực đến hết tháng 12/2020. Do vậy, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung Quyết định số 58 để thay đổi nội dung, đối tượng thực hiện quy định về tiêu chí, danh mục phân loại DNNN và đưa ra định hướng thực hiện sắp xếp DNNN giai đoạn sau năm 2020.
Bên cạnh đó, nhiều bộ, địa phương đề nghị Nhà nước cần tiếp tục nắm giữ vốn tại một số DN thực hiện nhiệm vụ công ích ở các địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn, không thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư và tại các DN có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Mặt khác, Nhà nước vẫn nắm giữ lượng cổ phần chi phối lớn tại một số DN kinh doanh có hiệu quả, dẫn đến giảm sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư vì không có cơ hội nắm giữ lượng cổ phần đủ lớn để được tham gia vào quản lý và thay đổi quản trị DN. Từ thực tế này đặt ra yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tiến trình thoái vốn tại các DN Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần.
Thêm vào đó, việc quy định đối tượng áp dụng các tiêu chí sắp xếp, phân loại DN bao gồm công ty con trong mô hình công ty mẹ - công ty con (DN cấp 2) như tại Quyết định số 58 làm hạn chế tính chủ động và chịu trách nhiệm của công ty mẹ, chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động. Nguyên nhân là tiêu chí ngành, lĩnh vực tại Quyết định này không bao quát hết tất cả các ngành, lĩnh vực của doanh nghiệp cấp 2.
Một điểm đáng lưu ý là, các chủ trương, chính sách của Đảng ban hành thời gian qua tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, sắp xếp lại hệ thống DNNN, cơ bản bảo đảm hoàn tất việc sắp xếp lại khối DNNN đến năm 2025.
Với nhiều điểm mới so với Quyết định số 58, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho rằng, Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg sẽ thúc đẩy quá trình cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN cũng như DN có vốn nhà nước. Quyết định số 22 đã thể hiện rõ nét, mạnh mẽ tinh thần phân cấp, phân quyền của Chính phủ, Thủ tướng trong công tác sắp xếp, đổi mới DNNN. Cụ thể, đối với DN cấp 1 (các công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - con và công ty độc lập), Thủ tướng sẽ phê duyệt hình thức sắp xếp. Đối với DN cấp 2, công ty mẹ chủ động đưa ra phương án sắp xếp căn cứ vào hiệu quả hoạt động và vai trò của DN.
Quyết định số 22 chỉ quy định 1 phụ lục về tiêu chí phân loại, không quy định cứng danh sách cụ thể các DNNN thực hiện sắp xếp nhằm tạo khung pháp lý cho các bộ, ngành, địa phương rà soát để có định hướng sắp xếp. Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, cơ quan đại diện chủ sở hữu có thể chủ động đề xuất, báo cáo Thủ tướng xem xét một số trường hợp liên quan đến thực hiện nhiệm vụ công ích hoặc hoạt động gắn với các địa bàn chiến lược quốc phòng, an ninh hoặc có vai trò trong thực hiện nhiệm vụ chính trị hoặc phát triển kinh tế - xã hội của ngành và địa phương...
Cùng với đó, Quyết định số 22 cũng bổ sung quy định về tiêu chí để sắp xếp DN hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích nhằm xử lý các vướng mắc gây “tắc” quá trình cổ phần hóa, thoái vốn các DNNN lĩnh vực này thời gian qua; bổ sung quy định về tiêu chí để sắp xếp DN thành viên trong mô hình công ty mẹ - công ty con để bảo đảm phù hợp với thực tiễn hoạt động, giúp tăng cường tính chủ động và chịu trách nhiệm của các cơ quan đại diện chủ sở hữu và các DN trong tổ hợp công ty mẹ con…