Không còn chia cắt, An Giang khai phóng dư địa phát triển kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 17/6, Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 chính thức được khởi công. Đây là dự án đầu tiên hình thành “trục cao tốc Đông - Tây”, tạo thế liên kết tuần hoàn không gian Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, tuyến cao tốc giúp An Giang gỡ được thế nằm sâu trong nội Vùng, tạo động lực phát triển toàn diện, đặc biệt là thu hút đầu tư. Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang có nhiều chia sẻ với Báo Đấu thầu nhân sự kiện này.
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là cơ sở để tỉnh An Giang rà soát, điều chỉnh quy hoạch hệ thống giao thông nhằm kết nối đồng bộ, phục vụ cho nhu cầu phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch, kinh tế biên mậu
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là cơ sở để tỉnh An Giang rà soát, điều chỉnh quy hoạch hệ thống giao thông nhằm kết nối đồng bộ, phục vụ cho nhu cầu phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch, kinh tế biên mậu

Trong đánh giá của địa phương, Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ tác động như thế nào đến kinh tế - xã hội của An Giang, thưa ông? An Giang sẽ làm gì để nhân lên lợi ích khi tuyến cao tốc hình thành?

Là tỉnh nằm sâu trong nội vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên An Giang bị chia cắt mạnh, khó có sự bứt phá. Khi tuyến cao tốc này hình thành chắc chắn sẽ tạo đột phá về kinh tế, đáp ứng nhu cầu luân chuyển hàng hóa, nông, thủy sản xuất khẩu vùng Tây Nam Bộ, đồng thời tăng kết nối giao thương với các cửa khẩu trọng điểm quốc gia trên địa bàn An Giang với Campuchia.

Ông Nguyễn Thanh Bình

Ông Nguyễn Thanh Bình

Nhận diện lợi ích từ Dự án, Tỉnh đã khẩn trương rà soát, bổ sung quy hoạch (không gian phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch...) đối với các trục đường kết nối trực tiếp với cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Chúng tôi sẽ nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống giao thông của địa phương, làm tiền đề cho định hướng đầu tư kết cấu hạ tầng, bảo đảm kết nối đồng bộ, phục vụ tốt cho nhu cầu phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của Tỉnh.

Trong quy hoạch tỉnh tới năm 2030, tầm nhìn 2050, An Giang sẽ quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và đô thị bám sát trục cao tốc, khai thác tối đa lợi thế hạ tầng giao thông nhằm tạo đột phá mới về phát triển kinh tế. Các khu công nghiệp được hoạch định tập trung vào lĩnh vực chế biến nông sản để khai thác hết được giá trị gia tăng cho các sản phẩm thế mạnh của địa phương. Chúng tôi đang đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thông thoáng cho nhà đầu tư.

Khai mở cao tốc là tín hiệu khả quan cho thấy triển vọng kinh tế, đầu tư tươi sáng của An Giang trong những năm tới đây. Chúng tôi kỳ vọng, gỡ được thế chia cắt vì nằm sâu trong nội vùng, An Giang sẽ khai phóng tốt các dư địa để phát triển đột phá, quy mô kinh tế Tỉnh tăng nhanh khi hệ thống cao tốc trong vùng Tây Nam Bộ kết nối đồng bộ.

Một số ý kiến đánh giá, tuyến cao tốc sẽ tái cấu trúc không gian phát triển kinh tế, kết nối nhanh các đô thị, các cực tăng trưởng dọc hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam. Với An Giang, có thể hình dung như thế nào về sự thay đổi, thưa ông?

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là dự án có tính chất liên vùng, sau khi đưa vào khai thác sẽ tác động lớn đến sự phát triển chung của Đồng bằng sông Cửu Long. Dự án góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại cho toàn Vùng. Theo đó, đáp ứng nhu cầu vận tải đường bộ chất lượng cao cho hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam, khu vực có ý nghĩa quan trọng đối với vùng Cửu Long. Đây cũng là bước đi hình thành trục kết nối, giao thương giữa Việt Nam với các nước tiểu vùng sông Mê Kông.

Đặc biệt, Dự án cao tốc này sẽ tái cấu trúc không gian phát triển kinh tế, kết nối các thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế Vùng. Nhờ đó, năng lực cạnh tranh và lực hút đầu tư vào phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ của Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được cải thiện đáng kể.

Đối với An Giang, Tỉnh sẽ thụ hưởng nhiều lợi ích khi Dự án đi vào khai thác. Đơn cử, hạ tầng giao thông sẽ có bước đột phá, chia sẻ lưu lượng xe với tuyến Quốc lộ 91 hiện đang quá tải. Đặc biệt, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ thúc đẩy phát triển hạ tầng các khu đô thị dọc tuyến, rút ngắn thời gian vận tải hàng hóa từ cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang) đến cảng nước sâu Trần Đề (Sóc Trăng); tạo lợi thế thu hút đầu tư và phát triển chuỗi đô thị gồm An Phú, Tân Châu, Tịnh Biên, Núi Sam - Châu Đốc…

Dự án cũng là cơ sở để Tỉnh rà soát, điều chỉnh quy hoạch hệ thống giao thông nhằm kết nối đồng bộ, phục vụ cho nhu cầu phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch, kinh tế biên mậu. Đây cũng là Dự án góp phần quan trọng thu hút du khách đến các khu du lịch trọng điểm, đặc biệt là Khu du lịch Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (Châu Đốc).

Lần đầu tiên tỉnh An Giang được giao nhiệm vụ thực hiện dự án cao tốc (Dự án thành phần 1 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) với yêu cầu tiến độ gấp rút. An Giang đã triển khai nhiệm vụ này như thế nào, thưa ông?

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là công trình thuộc nhóm “dự án quan trọng quốc gia”, mang tính chất liên vùng, phạm vi thực hiện trải dài qua 4 địa phương An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng với quy mô đầu tư lớn, yêu cầu kỹ thuật cao, phức tạp. Đặc biệt, Dự án được áp dụng thực hiện theo cơ chế đặc thù (Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022) của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Lần đầu tiên Tỉnh được giao nhiệm vụ thực hiện dự án cao tốc (Dự án thành phần 1 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng), An Giang đã chủ động rà soát và nhận diện những khó khăn, thách thức, đặc biệt là trong công tác chuẩn bị đầu tư. Do vậy, chúng tôi đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phối hợp cùng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) xây dựng quy chế phối hợp với các địa phương có Dự án đi qua. An Giang thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án, xây dựng kế hoạch hoạt động với phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng thành viên.

An Giang “vào cuộc” với nỗ lực và quyết tâm cao nhất

Để bảo đảm tiến độ chuẩn bị đầu tư, An Giang đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc với nỗ lực và quyết tâm cao nhất. Trong thời gian ngắn, An Giang kiện toàn năng lực quản lý, điều hành, các đơn vị chuyên môn tổ chức thực hiện Dự án; xây dựng kế hoạch tổng thể, trong đó chi tiết, cụ thể từng đầu việc gắn với mốc thời gian hoàn thành để làm cơ sở tổ chức thực hiện. Cùng với đó là việc tính toán, lên kế hoạch khai thác, cung cấp vật liệu xây dựng đáp ứng yêu cầu về khối lượng, chất lượng và tiến độ Dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình khẳng định, An Giang rất nỗ lực đẩy nhanh tiến độ phê duyệt Dự án, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tạo điều kiện để Chủ đầu tư lựa chọn được nhà thầu có năng lực tốt thi công tuyến cao tốc.

Xác định giải phóng mặt bằng (GPMB) là khâu mấu chốt, chúng tôi thực hiện ngay công tác cắm mốc theo phương án tuyến của thiết kế sơ bộ bước tiền khả thi, đồng thời với khâu khảo sát lập, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi. Các huyện đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Phát triển quỹ đất Tỉnh và Chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang) tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của Dự án để người dân hiểu, đồng thuận. Tỉnh rà soát nhu cầu tái định cư của người dân có đất ở bị thu hồi, bảo đảm các điều kiện sống, sinh kế người dân. Khâu lập khung chính sách, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… được khẩn trương thực hiện để bàn giao 70% mặt bằng theo kế hoạch. Do đó, công tác GPMB bảo đảm tốt tiến độ cho Dự án khởi công. Khâu chuẩn bị nguồn vật liệu xây dựng cũng được An Giang hết sức quan tâm. Theo đó, Tỉnh khẩn trương rà soát các khu mỏ vật liệu xây dựng bảo đảm cung cấp kịp thời theo nhu cầu Dự án. Ngoài ra, Chủ đầu tư đã khẩn trương tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn, triển khai công tác khảo sát, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lựa chọn nhà thầu xây lắp đúng quy định và bảo đảm tiến độ.

Sau dấu mốc khởi công, những giải pháp nào An Giang sẽ thực hiện để góp sức đưa Dự án về đích thành công, thưa ông?

Với tinh thần khẩn trương, An Giang đã bảo đảm cho Dự án khởi công theo kế hoạch. Để công trình đạt chất lượng, bảo đảm tiến độ hoàn thành đưa vào khai thác, chúng tôi sẽ thực hiện một số giải pháp. Đó là tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị chuyên ngành thuộc Bộ GTVT để hỗ trợ trong suốt quá trình thực hiện Dự án. Khẩn trương hoàn thành 100% công tác bồi thường GPMB, hỗ trợ và tái định cư. Kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc cung cấp vật liệu xây dựng cho công trình nhằm đáp ứng tiến độ theo hợp đồng ký kết với nhà thầu. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thi công, kịp thời xử lý những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện Dự án. Các giải pháp trên sẽ được An Giang cụ thể hóa bằng kế hoạch, văn bản chỉ đạo cụ thể, làm cơ sở để các đơn vị liên quan tổ chức và phối hợp thực hiện.

Tin cùng chuyên mục