Việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do chính là cách hiệu quả giúp DN giảm đáng kể các chi phí liên quan đến thuế nhập khẩu và thuế xuất khẩu |
Doanh nghiệp ngoại chiếm lĩnh thị trường
Ngay từ cuối năm 2011, hơn 10 DN Hàn Quốc đã tổ chức đoàn công tác tìm kiếm cơ hội hợp tác tại thị trường Việt Nam. Đây chủ yếu là các DN nhỏ và vừa của Hàn Quốc, chuyên hoạt động trong các lĩnh vực hóa mỹ phẩm, thực phẩm, sản phẩm công nghiệp… Trong chuyến khảo sát đó, họ đã liên tục bày tỏ mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác với những doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu của Việt Nam hiện nay như: Hapro, Vinmart… “Phải nói rằng họ có một chiến lược rất bài bản, khoa học”, một chuyên gia của Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa phía Bắc thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận xét.
Thống kê sơ bộ của Hiệp hội Siêu thị Hà Nội công bố gần đây cho biết, năm 2016, hơn 50% thị trường kênh bán lẻ hiện đại của Việt Nam đang thuộc về các DN Thái Lan. Hiệp hội này cũng cho hay, không chỉ Thái Lan, năm qua, thị trường bán lẻ Việt Nam cũng chứng kiến sự chiếm lĩnh của các DN Nhật Bản, khi mà họ đã hoàn thành công đoạn cuối cùng của thế trận "kiềng ba chân" là trung tâm thương mại, siêu thị và cửa hàng tiện lợi.
Trình bày trước Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến cuối năm 2016, người đứng đầu Bộ Công Thương cho biết, năm 2016 thị trường bán lẻ Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Công Thương nhấn mạnh, trong quá trình phân cấp đầu tư cho các địa phương trong thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ, nhiều địa phương chưa có sự quan tâm đúng mức. Nhiều địa phương dành nhiều ưu đãi để thu hút DN FDI trong khi chưa chú trọng tạo điều kiện cho DN bán lẻ trong nước phát triển. “Dó đó, trên thực tế, có không ít trung tâm thương mại hay siêu thị lớn ở các địa phương gần như là của DN nước ngoài”, ông Trần Tuấn Anh nói.
Chú trọng phát triển thị trường nội địa
Nhấn mạnh các giải pháp sẽ thực hiện tới đây, ông Trần Tuấn Anh cho biết, bên cạnh thu hút đầu tư của các DN nước ngoài để phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam, nhiều chính sách thúc đẩy tăng trưởng của lĩnh vực bán lẻ nội địa sẽ được ban hành, tạo sự phát triển bền vững. Đơn cử như để tăng cường thu hút các DN trong nước vào lĩnh vực bán lẻ, dự kiến Đề án Chiến lược phát triển ngành bán lẻ sẽ đưa ra những cơ chế khuyến khích đầu tư như về mặt bằng, đất đai… Bộ Công Thương cũng sẽ chú trọng phát triển hệ thống thương mại nội địa truyền thống như hệ thống chợ đầu mối, chợ nông thôn, nhất là các chợ ở vùng sâu, vùng xa.