CIEM dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay có thể đạt mức 6,71%. Ảnh: Nam Nguyễn
Gia tăng khả năng chống chịu
Đánh giá về bức tranh kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2018 tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam, cải cách và triển vọng trong một thế giới nhiều biến động tổ chức sáng 20/7, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh, sức chống chịu của nền kinh tế nước ta đang tốt lên. Nửa đầu năm 2018, đà tăng trưởng kinh tế được duy trì, gắn với chuyển biến về môi trường kinh doanh, niềm tin của doanh nghiệp (DN) trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài được củng cố.
Phân tích rõ hơn, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô thuộc CIEM chỉ ra, tăng trưởng kinh tế đạt 7,08% trong 6 tháng đầu năm, mức cao nhất trong 6 tháng đầu năm kể từ năm 2011. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm không dựa vào mở rộng tiền tệ cũng như ít dựa vào một số động lực truyền thống. Đóng góp của khai khoáng giảm, thay vào đó là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản phục hồi rõ rệt; xuất khẩu ở mức cao, khu vực trong nước tăng trưởng xuất khẩu nhanh hơn nhập khẩu…
Thêm nữa, xu hướng ổn định của môi trường kinh doanh thể hiện qua việc số lượng DN mới gia nhập thị trường trong 6 tháng đầu năm tiếp tục gia tăng. Cả nước có 64.531 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 648.967 tỷ đồng, tăng 5,3% về số DN và tăng 8,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.
Đặc biệt, theo ông Dương, dư địa để nền kinh tế ứng phó với các cú sốc bất lợi đã được cải thiện đáng kể. Dư địa điều hành tiền tệ, tín dụng đã tăng (so với giai đoạn trước 2012) sau vài năm kiên định chính sách tiền tệ thận trọng và mặt bằng lãi suất ổn định. Áp lực nợ công đã giảm so với 2 năm trước. Phương thức điều hành và ra quyết định đã có cơ sở thông tin cũng như phối hợp nhanh hơn.
Nhìn tổng thể, theo ông Cung, dù khả năng chống chịu của nền kinh tế đang tốt hơn rất nhiều so với trước đây, chúng ta cần tiếp tục cải thiện hơn nữa, nhất là trong bối cảnh Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, đồng thời thực hiện các giải pháp nâng độ hấp thụ mức độ tác động từ bên ngoài.
Trên cơ sở đó, CIEM dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay có thể đạt mức 6,71%. Tăng trưởng xuất khẩu 12,11%, cán cân thương mại thặng dư 1,2 tỷ USD.
Tuy nhiên, các nghiên cứu của CIEM cũng lưu ý, tăng trưởng cao đang có xu hướng giảm. Giải pháp đưa ra là làm sao để không mất đà và lực tăng trưởng hiện nay.
Lạm phát dự báo khó vượt mức 4%
Về mục tiêu lạm phát trong năm nay, ông Cung cho rằng, sẽ không có quá nhiều áp lực, khả năng kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4% là có thể đạt được, dư địa kiểm soát vẫn còn. Ông Cung phân tích: “Lạm phát tăng vừa rồi do chi phí đẩy, không phải do tiền tệ hay tổng cầu. Những thay đổi đó là bình thường, không có gì bất thường”. Trên cơ sở đó, lãnh đạo CIEM dự báo lạm phát năm nay chỉ ở mức 3,93%.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, mục tiêu lạm phát dưới 4% đặt ra trong năm nay có thể đạt được. Chúng ta đang có những cơ sở để kiểm soát được lạm phát ở mức dưới 4%. Ở trong nước, động thái của Chính phủ kiểm soát lạm phát là rất rõ. Điển hình là Chính phủ yêu cầu từ nay tới cuối năm không tăng giá điện; trong khi đó giá dịch vụ y tế giảm… Từ bên ngoài cũng sẽ khó có những cú sốc lớn, song cần lưu ý tình hình giá cả thế giới trong điều kiện cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra, lãi suất của Mỹ dự báo sẽ tăng lên có thể ảnh hưởng đến tỷ giá…
Trong nửa cuối năm 2018, CIEM lưu ý, kinh tế vĩ mô có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như: Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung còn diễn biến khó lường; lộ trình tăng lãi suất bất định ở Mỹ… Những yếu tố này có thể kéo theo một số tác động tích cực đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Trong chừng mực ấy, diễn biến kinh tế vĩ mô phụ thuộc đáng kể vào cách thức thúc đẩy tăng trưởng, điều hành giá cả, cải thiện thực chất môi trường kinh doanh và xử lý các điểm nghẽn của mô hình tăng trưởng.
Để tiếp đà tăng trưởng cho nền kinh tế, CIEM lưu ý một số vấn đề trong điều hành. Đầu tiên là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiên định mục tiêu tăng trưởng, không để tiếp tục đà tăng trưởng giảm sút mà phải duy trì để năm 2019 tăng trưởng cao hơn. Điều hành tăng trưởng không nhờ mở rộng tổng cầu mà vẫn giữ ổn định vĩ mô. Thực hiện hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Tỷ giá điều hành ổn định trong linh hoạt, điều hành theo thị trường. Cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh…