Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Theo Bản kiến nghị, cộng đồng doanh nghiệp đang rất quan ngại, nóng lòng mong muốn bãi bỏ quy định tại Điều 292 Bộ luật Hình sự năm 2015, khi mà ngày 1/7 - thời điểm Bộ luật này bắt đầu có hiệu lực thi hành đang đến rất gần.
Bản kiến nghị đưa ra 7 luận điểm cần phải xem xét, bãi bỏ Điều 292 Bộ luật Hình sự năm 2015, trong đó có nhiều luận điểm cho rằng quy định này có thể làm vô hiệu hóa những chủ trương, chính sách của Chính phủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tư nhân phát triển, khuyến khích khởi nghiệp trên nguyên tắc không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. Điều 292 đang đi ngược lại chính sách thúc đẩy công nghệ thông tin của Nhà nước và xu hướng chung của thế giới cũng như của đa số doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam khi sử dụng mạng máy tính, viễn thông như là một phương tiện, công cụ kinh doanh trong hầu hết các lĩnh vực.
Theo nhận định tại Bản kiến nghị, mức xử phạt đối với người phạm tội (phạt tù từ 5 năm hoặc phạt tiền đến 5 tỷ đồng, thậm chí còn có khả năng bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản) là mức phạt quá nặng, thậm chí còn nghiêm khắc hơn nhiều so với Điều 159 Bộ luật Hình sự năm 1999 (tội danh kinh doanh trái phép, mức phạt cao nhất là phạt tù đến 2 năm) đã được hủy bỏ trước đó. Trong khi đó, theo cộng đồng doanh nghiệp, đây chỉ là những hình thức vi phạm mang tính thủ tục, những sai phạm mang tính chất sơ suất, không gây hậu quả nghiêm trọng, có thể áp dụng biện pháp xử lý hành chính thay vì truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bản kiến nghị cũng đưa ra cảnh báo quy định này có thể dẫn tới nguy cơ doanh nghiệp khởi nghiệp bị chết yểu hoặc chuyển sang kinh doanh không hợp pháp như: chuyển sang các nước khác đặt server nhưng vẫn cung cấp dịch vụ ngầm…, trong khi Nhà nước khó có thể quản lý, đánh thuế họ. Việc gộp toàn bộ các vi phạm cung cấp dịch vụ trên mạng trái phép để xử lý hình sự là quá rộng lớn, trong khi pháp luật chỉ nên hình sự hóa những sai phạm mang tính chất gian dối, khuynh đảo để trục lợi, còn những sai phạm mang tính chất sơ suất mà không gây hậu quả nghiêm trọng thì không nên hình sự hóa, mà chỉ áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Tại Phiên họp thứ 49 được tổ chức mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có một cuộc họp kín để bàn về nội dung này. Trong đó có ý kiến cho rằng chưa nên đưa nội dung này vào thảo luận tại Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV, vì có rất nhiều nội dung khá phức tạp, cần cân nhắc nghiên cứu, bàn bạc kỹ lưỡng.
Dự kiến, Chính phủ sẽ dành cả ngày hôm nay (22/6) để bàn về tiến độ và kết quả xây dựng các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2016.