Ảnh Internet |
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), Luật Doanh nghiệp hiện nay thông thoáng, nhưng vẫn còn sơ hở, nên dễ bị kẻ xấu lợi dụng, thậm chí có thể nhằm mục đích lừa đảo.
Chỉ tính riêng vốn điều lệ đã bộc lộ nhiều bất cập. Theo quy định, vốn điều lệ của công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong điều lệ công ty. Công ty có thể thay đổi vốn điều lệ theo quyết định của đại hội đồng cổ đông.
Mặt khác, các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Thế nhưng, quy định về đăng ký thay đổi nội dung và cấp lại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới, lại không quy định việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cũ.
Như vậy, doanh nghiệp có thể dễ dàng đăng ký vốn cổ phần rất lớn, như Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba đăng ký vốn điều lệ lên đến 1.600 tỷ đồng và Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TP.HCM đăng ký vốn điều lệ lên đến 12.000 tỷ đồng, là một minh chứng.
Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, đây là vấn đề cần được giám sát, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền để tránh trường hợp doanh nghiệp lợi dụng giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ghi số vốn điều lệ rất lớn để lừa dối khách hàng và đối tác.
Không chỉ Luật Doanh nghiệp, nhiều chuyên gia bất động sản cho biết, giữa Luật Kinh doanh Bất động sản và Bộ Luật Dân sự cũng có độ "vênh" nhất định. Trong quá trình áp dụng để quản lý hoạt động bán nhà ở hình thành trong tương lai (bao gồm nền nhà, căn hộ, nhà phố, biệt thự), đã bị kẻ xấu và một số doanh nghiệp lợi dụng để huy động vốn trái phép, có thể gây thiệt hại hoặc rủi ro cho khách hàng và nhà đầu tư thứ cấp.
“Vấn đề đặt ra ở đây là kẻ xấu và một số doanh nghiệp đã lợi dụng một số quy định của Bộ Luật dân sự để trục lợi. Bởi, nếu mọi hoạt động mua bán nền nhà, căn hộ, nhà phố, biệt thự hình thành trong tương lai đều được thực hiện theo Luật Kinh doanh Bất động sản thì có thể sẽ khó có hệ quả xấu xảy ra”, một chủ đầu tư bất động sản chia sẻ.
Cụ thể, các quy định về "giao dịch dân sự theo nguyên tắc thỏa thuận, tự nguyện", về "đặt cọc", về "hợp đồng hợp tác" của Bộ Luật Dân sự để ký "thỏa thuận đặt cọc giữ chỗ" (hoặc phiếu đặt chỗ); "hợp đồng góp vốn"; "hợp đồng hợp tác đầu tư" thường bị kẻ xấu và một số doanh nghiệp lợi dụng nhiều nhất.
Mục đích là để tránh thực hiện các quy định của Luật Kinh doanh Bất động sản, nhất là trong giai đoạn hai bên chưa ký hợp đồng mua bán bất động sản hình thành trong tương lai, nhằm huy động vốn trái phép trong việc mua bán nền nhà, căn hộ, nhà phố, biệt thự hình thành trong tương lai. Trong nhiều trường hợp, đã gây thiệt hại cho người tiêu dùng và nhà đầu tư thứ cấp.
Đứng trước thực tế trên, mới đây HoREA đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát lại các quy phạm pháp luật của Luật Doanh nghiệp và Bộ luật Dân sự để tương thích với Luật Kinh doanh Bất động sản. Những sơ hở, lỏng lẻo, thiếu phối hợp, tạo cơ hội cho kẻ xấu và một số doanh nghiệp lợi dụng để huy động vốn trái phép khi bán bất động sản hình thành trong tương lai như đã xảy ra trong thời gian qua hy vọng sẽ sớm được ngăn chặn.
Văn phòng UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các ban, ngành liên quan đối với việc HoREA cảnh báo thông tin sai sự thật của Công ty Alibaba Tây Bắc TP.HCM về dự án Alibaba Tây Bắc huyện Củ Chi.
Theo đó, UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng chủ trì, cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu đô thị Tây Bắc kiểm tra hoạt động của Công ty Alibaba Tây Bắc TP.HCM về dự án Alibaba Tây Bắc Củ Chi, báo cáo đề xuất hướng xử lý trình UBND Thành phố.
Giao Ban Quản lý Khu đô thị Tây Bắc, UBND huyện Củ Chi kiểm tra, nắm kỹ tình hình, kịp thời, có phương án chủ động xử lý, đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn. Văn phòng UBND Thành phố truyền đạt ý kiến chỉ đạo của UBND Thành phố để các đơn vị thực hiện.