Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Ảnh: Huấn Anh |
Đó là tinh thần chung trong điều hành được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2020 diễn ra ngày 5/5/2020.
Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cần thiết
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, dù nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực cao, kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm 2020 được duy trì ổn định, các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được giữ vững.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu và rộng đến mọi mặt của kinh tế - xã hội, khả năng chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tới hạn. Hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều giảm, trong đó, một số ngành, lĩnh vực đình trệ hoặc đóng băng, gần như không có hoạt động sản xuất, kinh doanh như các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải...
Số liệu của Bộ KH&ĐT cho thấy, việc thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến kinh tế Việt Nam trong tháng 4/2020. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 4 tháng chỉ tăng 1,8%, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới, số vốn đăng ký, quy mô doanh nghiệp sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ các năm trước, trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng mạnh…
Theo kết quả khảo sát 126.565 doanh nghiệp được Bộ KH&ĐT thực hiện, 85,7% số doanh nghiệp bị tác động của dịch, trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chịu tác động mạnh nhất.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh phải đạt được mục tiêu kép trong phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội, “làm sao tăng trưởng đạt được mục tiêu cần thiết”. Dẫn lại dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay (tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á, đạt khoảng 2,7%), Thủ tướng nêu rõ, phải đạt cao hơn mức này. Đồng thời, kiểm soát được lạm phát dưới ngưỡng 4%.
Tận dụng từng cơ hội bứt phá
Trong bản tin cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam vừa phát đi ngày 5/5/2020, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục quan tâm tới thị trường Việt Nam. Kinh tế Việt Nam có thể sẽ khởi sắc trở lại sau khi nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội. Theo WB, viễn cảnh tăng trưởng mạnh mẽ trong trung hạn của Việt Nam được khẳng định dựa trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, mức nợ chính phủ thấp và khu vực kinh tế đối ngoại có khả năng chống chịu, bao gồm cả dự trữ ngoại hối ở mức khá lớn.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, uy tín quốc gia của Việt Nam được nâng lên rất nhiều qua phòng, chống dịch bệnh. Có những ngành bị tác động rất mạnh nhưng cũng có ngành sẽ có cơ hội bứt phá trong thời gian tới và Việt Nam phải chủ động xây dựng các kịch bản thích nghi, thích ứng trong mọi tình huống có thể xảy ra một cách chủ động, linh hoạt.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, khuyến nghị khi xây dựng kịch bản cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong các quý còn lại phải đặt trong bối cảnh nền kinh tế đang gắn kết rất chặt chẽ với kinh tế thế giới, cả về cung và cầu. Ví dụ, ngành dệt may hay gỗ, da giày về đầu vào phụ thuộc nguyên vật liệu lớn vào Trung Quốc, nhưng đầu ra lại phụ thuộc vào 2 thị trường đang bị ảnh hưởng mạnh mẽ nhất bởi dịch Covid-19 là Mỹ và EU. Nếu Trung Quốc hồi phục, đầu vào có thể được giải quyết nhưng đầu ra vẫn bị ảnh hưởng. Cùng một lúc chúng ta phải giải quyết 3 việc: đầu vào, đầu ra và khôi phục sản xuất.
Còn theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, nếu Việt Nam chống dịch thành công, kinh tế sẽ phục hồi rất nhanh. Khi dịch qua đi, ngành hàng không, du lịch, khách sạn, nhà hàng sẽ rất phát triển vì dư âm dịch bệnh ám ảnh, khách du lịch thế giới sẽ có tâm lý lựa chọn các môi trường an toàn.
Trong khi đó, Nhóm nghiên cứu thuộc Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt nhận định, với việc cách ly xã hội kết thúc, đầu tư công sẽ bật tăng mạnh trong các tháng tới. Trong bối cảnh dịch bệnh đã và đang có tác động tiêu cực đến khu vực tư nhân, việc kích thích tài khóa thông qua đẩy mạnh đầu tư công nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế càng trở nên cấp thiết.