Nhiều hạng mục xây dựng sai phép trong khu đất của ông Hương. |
Phó chủ tịch UBND TP Thanh Hóa Vũ Đức Kính vừa có báo cáo gửi Thường trực Thành ủy về kết quả kiểm tra việc sử dụng đất trang trại tổng hợp cá lúa của gia đình ông Nguyễn Xuân Hương ở xã Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa.
Cơ quan chức năng xác định, khu đất trang trại tổng hợp cá lúa của gia đình ông Nguyễn Xuân Hương trước đây do Ban Kinh tế Huyện ủy Quảng Xương cho Công ty CP đầu tư xây dựng Tây Hồ thuê vào tháng 4/1998.
Do hiệu quả không cao, sau bốn năm giao khoán sản lượng cho các hộ (năm 2002-2006), công ty đã chấm dứt hợp đồng với các hộ, bàn giao đất lại cho Huyện ủy Quảng Xương quản lý.
Đến năm 2007, UBND xã Quảng Thịnh cho hộ ông Bùi Sỹ Định - người địa phương thuê. Tuy nhiên, do không thực hiện được việc thanh lý tài sản trên đất giữa công ty trên và Huyện ủy Quảng Xương nên xảy ra khiếu kiện, tranh chấp kéo dài.
Tháng 10/2014, sau khi xã Quảng Thịnh được sáp nhập về thành phố, ông Nguyễn Xuân Hương được thuê lại khu đất trên, chấm dứt tình trạng tranh chấp, khiếu nại kéo dài.
Khu đất ông Hương thuê có diện tích hơn 70.300 m2, có các hạng mục công trình chính nhận nguyên trạng từ Công ty Tây Hồ, chưa bao gồm thửa đất ở 250 m2 phía tây nam khu trang trại, chuyển nhượng từ hộ gia đình liền kề năm 2014.
Theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của TP Thanh Hóa được tỉnh phê duyệt thì khu đất nêu trên không nằm trong quy hoạch, bản đồ hiện trạng thể hiện là đất trồng lúa, đất dịch vụ hỗn hợp, đất trang trại. Khu đất này có đầy đủ quyết định, hợp đồng cho thuê đất của UBND TP Thanh Hóa để đầu tư thực hiện dự án trang trại tổng hợp cá lúa.
Kinh doanh ẩm thực không phép
Sau khi được thuê đất, ông Nguyễn Xuân Hương đã đầu tư, cải tạo hệ thống ao hồ, chuồng trại chăn nuôi. Các nhà sàn, công trình trên đất vẫn giữ nguyên.
Cổng vào khu ẩm thực được xây dựng rất bề thế.
Ông Hương còn xây dựng thêm năm chòi bằng tre luồng, lợp kè, hệ thống cầu đi trên hồ kết nối các chòi câu cá thư giãn bằng cột bêtông trên mặt hồ cá, diện tích hơn 110 m2 phục vụ cho mục đích thương mại; cải tạo tầng hai nhà kho với diện tích gần 215 m2 làm dịch vụ thương mại.
Kết luận của UBND TP Thanh Hóa nêu, trong quá trình sử dụng đất, gia đình ông Nguyễn Xuân Hương đã sử dụng sai mục đích một phần diện tích (gần 330 m2) vào mục đích kinh doanh ẩm thực, không đúng mục đích được thuê. Hoạt động kinh doanh ăn uống cũng chưa được cấp phép.
Đề nghị dừng kinh doanh
UBND TP Thanh Hóa đang giao các phòng, ban liên quan chỉ đạo đơn vị tư vấn sớm hoàn thiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, trong đó có đề nghị bổ sung một phần diện tích đất trong dự án trang trại của gia đình ông Hương là đất kinh doanh thương mại, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
UBND thành phố yêu cầu gia đình ông Nguyễn Xuân Hương sử dụng đất đúng vị trí, ranh giới, mục đích được thuê; tháo dỡ bảng, biển, dừng các hoạt động liên quan đến kinh doanh ẩm thực; lập hồ sơ xin chuyển mục đích phần diện tích đất phục vụ thương mại, phần diện tích đất làm bảo tàng theo đúng quy định pháp luật.
Nhiều khu nhà chòi được xây dựng mới nhằm mục đích kinh doanh ẩm thực song chưa được cấp phép.
Việc kiểm tra nêu trên được UBND TP Thanh Hoá thực hiện khi có nhiều phản ánh về việc ông Hương sử dụng đất sai mục đích thuế đất, một số hạng mục chưa được cấp phép.
Ông Nguyễn Xuân Hương thừa nhận, sau khi thuê đất, gia đình có đầu tư xây dựng thêm một số công trình. "Mục đích cũng chỉ nuôi cá, làm rau sạch và có tý nhà hàng phục vụ những sản phẩm trong trang trại”, ông Hương lý giải.
Ông Nguyễn Xuân Hương là em một lãnh đạo thành phố Thanh Hoá.