Khu kinh tế Dung Quất: Cơ hội và thách thức

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khu kinh tế (KKT) Dung Quất (Quảng Ngãi) được dự báo đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Có nhiều yếu tố để củng cố cho niềm tin này khi hàng loạt nhà đầu tư tên tuổi đã đề xuất các dự án quy mô thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó dẫn đầu là bất động sản công nghiệp, đô thị và dịch vụ. Để nắm bắt được cơ hội, KKT Dung Quất cần những cơ chế, chính sách, sự vào cuộc quyết tâm của cả hệ thống chính quyền.
Khu kinh tế Dung Quất đang được điều chỉnh quy hoạch theo mục tiêu phát triển đa ngành, đa lĩnh vực dựa trên hệ thống hạ tầng đồng bộ và kết nối ngày càng thuận lợi
Khu kinh tế Dung Quất đang được điều chỉnh quy hoạch theo mục tiêu phát triển đa ngành, đa lĩnh vực dựa trên hệ thống hạ tầng đồng bộ và kết nối ngày càng thuận lợi

Tiềm năng lớn

Ông Đàm Minh Lễ, Phó Trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất cho rằng, vị thế, tiềm năng của KKT Dung Quất đã được các chuyên gia nghiên cứu, đánh giá rất kỹ trong Đồ án Quy hoạch hình thành KCN Dung Quất (1996), khi lựa chọn vị trí xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên của đất nước. Vị thế, tiềm năng đó ngày càng rõ nét hơn, nhờ hệ thống giao thông trục chính trong KKT Dung Quất được đầu tư đồng bộ. Bên cạnh đó, việc kết nối giao thông ngày càng thuận lợi với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; sân bay Chu Lai; cảng nước sâu Dung Quất, cảng Hòa Phát Dung Quất, cảng container Hoà Phát cùng với 3 bến cảng tổng hợp và 5 bến cảng chuyên dùng hoạt động, tiếp nhận tàu có công suất 50 - 70 nghìn tấn là những lợi thế so sánh vượt trội không phải KKT nào cũng có được. Về du lịch - nghỉ dưỡng, trong KKT Dung Quất có các bãi biển đẹp, cùng với nhiều danh lam thắng cảnh, gắn kết thuận lợi với huyện Lý Sơn; có khu vực biển nằm trong công viên địa chất toàn cầu... được nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm.

Trong tương lai, hệ thống giao thông kết nối tiếp tục được đầu tư hoàn thiện như đường Trì Bình - cảng Dung Quất, đường kết nối tuyến ven biển Dung Quất - Mỹ Khê, kết nối với các tuyến lên Tây Nguyên sẽ thông thương, đưa hàng hóa nguyên liệu, nhân lực... từ Tây Nguyên về cảng Dung Quất. Đây cũng là tuyến đường hướng biển gần và thuận lợi nhất của các khu vực Nam Lào, Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan... thúc đẩy phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây.

Những lợi thế này của KKT Dung Quất đã biến thành những cơ hội hiện hữu. Hàng loạt các dự án công nghiệp quy mô lớn đang hiện hữu tại KKT Dung Quất, thu hút lượng lao động lớn kèm theo nhiều nhu cầu về chỗ ở, sinh hoạt, đời sống. Trong số những dự án tiên phong có thể kể đến Nhà máy Lọc dầu Dung Quất với hơn 1.200 lao động thường xuyên; Dự án Doosan Vina (Hàn Quốc) với 1.700 lao động thường xuyên và 2.000 lao động thời vụ…

Bước ngoặt đầu tư tại Dung Quất là khi Dự án Khu gang thép Hoà Phát Dung Quất giai đoạn 1 nhận quyết định đầu tư tại đây và dẫn đầu với mô hình công nghiệp, đô thị và dịch vụ. Hòa Phát đang là doanh nghiệp có vốn đầu tư quy mô bậc nhất tại Dung Quất lên tới gần 130 nghìn tỷ đồng. Số lao động đang làm việc trong các phân xưởng của Hoà Phát Dung Quất áp đảo các doanh nghiệp khác tại KKT này với hơn 18 nghìn lao động…

Không ít thách thức

Những cơ hội mà Quảng Ngãi nắm bắt được mang lại nhiều thành quả đi kèm những thách thức. Đơn cử như vấn đề tái định cư cho người dân và mặt bằng cho dự án. 29 khu tái định cư (TĐC) đến nay vẫn chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật nên người dân chưa vào ở. Ông Võ Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết: “Người dân không vào ở các khu TĐC do phương án TĐC chưa bền vững, Nhà nước chưa có kế hoạch chuyển đổi ngành nghề phù hợp, chưa bố trí vị trí ở cho các hộ dân công việc mưu sinh hợp lý khi họ đến nơi ở mới. Không những vậy, các khu TĐC thiếu tiện ích công cộng phục vụ cho đời sống tinh thần và vật chất cho cư dân…”.

Sau khi Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung KKT Dung Quất được phê duyệt, tỉnh Quảng Ngãi sẽ ưu tiên kêu gọi các doanh nghiệp có năng lực tài chính, có kinh nghiệm và uy tín đầu tư phát triển lĩnh vực liên quan.

Theo ông Nguyễn Đăng Triều, đại diện một doanh nghiệp tại Quảng Ngãi, TĐC cho người dân bị giải tỏa trong vùng dự án để thu hút nhà đầu tư ở KKT Dung Quất là vấn đề nóng. Phải làm sao đáp ứng được nhu cầu TĐC, nhu cầu mưu sinh của người dân. Ví dụ ngư dân có nhu cầu TĐC vào nơi bám sông, bám biển; người làm nông nghiệp không còn đất sản xuất cần được hỗ trợ việc làm tại các khu công nghiệp (KCN), hoặc TĐC vào nơi có cơ hội kinh doanh, cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, trong quá trình đi lên công nghiệp hóa, Quảng Ngãi cần giải quyết bài toán về nơi ở cho công nhân. Đây là áp lực trước mắt và lâu dài cho Tỉnh. Đơn cử hiện nay, KCN VSIP, KCN Tịnh Phong đã và đang thu hút khoảng 40 nghìn công nhân, chưa kể các ngành nghề công nghiệp khác đang sử dụng lao động và số lượng công nhân sẽ tăng theo kế hoạch lấp đầy và mở rộng của VSIP và Hòa Phát.

Ông Triều cho rằng, Quảng Ngãi phải sớm giải quyết vấn đề này thông qua phương án điều chỉnh quy hoạch chung KKT Dung Quất, tạo ra dư địa thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội. Ngoài ra, có thể phát triển mô hình đô thị - công nghiệp đang được triển khai thành công và hiệu quả ở các nơi như Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương, Bình Phước và ngay tại Quảng Ngãi là những đơn vị tiên phong như VSIP.

Đứng trước ngưỡng cửa cho một giai đoạn phát triển mới, để có sự phát triển hài hòa, bền vững, Quảng Ngãi kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho điều chỉnh quy hoạch KKT Dung Quất theo hướng tích hợp giải quyết những vấn đề nội tại và định hướng phát triển trong tương lai. Theo Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2050 mà tư vấn đang đề xuất thì KKT Dung Quất sẽ có khoảng 400.000 - 500.000 người, bằng gần một nửa dân số Quảng Ngãi hiện nay.

Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho rằng, Dung Quất là hạt nhân, cực tăng trưởng kinh tế năng động phía Bắc của Quảng Ngãi. Khu vực này sẽ phát triển thêm nhiều loại hình đầu tư mới: công nghiệp, đô thị, dịch vụ, năng lượng để đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư và ổn định cuộc sống cho người dân. Theo bà Vân, sau khi Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung KKT Dung Quất được phê duyệt, tỉnh Quảng Ngãi sẽ ưu tiên kêu gọi các doanh nghiệp có năng lực tài chính, có kinh nghiệm và uy tín đầu tư phát triển lĩnh vực liên quan. Quảng Ngãi cũng ủng hộ các phương án đầu tư tạo quỹ đất cho phát triển công nghiệp, bảo đảm hài hòa giữa phát triển công nghiệp, đô thị, khu dân cư, dịch vụ và tiện ích công cộng.

Cùng quan điểm, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, hiện nay, nhu cầu về mặt bằng cho các nhà đầu tư vào Dung Quất nói riêng, Quảng Ngãi nói chung là rất lớn. Tuy nhiên, Quảng Ngãi mong các doanh nghiệp đừng sốt ruột, chờ quy hoạch được phê duyệt. Trong khi chờ quy hoạch được phê duyệt, đã có một số doanh nghiệp lớn khảo sát và đề xuất phương án đầu tư như: Tập đoàn Hòa Phát, Tổng công ty Đầu tư Hợp Nghĩa, Tập đoàn Sungroup… Những đề xuất đầu tư này, theo ông Minh, là phù hợp với định hướng phát triển của Tỉnh trong thời gian tới, phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XX là tiếp tục kêu gọi nguồn lực phát triển công nghiệp và đô thị - dịch vụ, phấn đấu đưa Quảng Ngãi vào danh sách các tỉnh, thành phát triển khá trong khu vực giai đoạn 2021 - 2026.

Tin cùng chuyên mục