Khu kinh tế Dung Quất: Hạ tầng xuống cấp cản trở thu hút đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 5/9 phân khu quy hoạch 1/2.000 trong quy hoạch điều chỉnh Khu kinh tế (KKT) Dung Quất đến năm 2045 đã được phê duyệt phục vụ công tác xúc tiến và kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, do hạ tầng KKT Dung Quất đang xuống cấp, Quảng Ngãi chưa yên tâm về năng lực hạ tầng khi đón tiếp các doanh nghiệp.
Hạ tầng giao thông tại Khu kinh tế Dung Quất đã xuống cấp. Ảnh: Minh Nguyệt
Hạ tầng giao thông tại Khu kinh tế Dung Quất đã xuống cấp. Ảnh: Minh Nguyệt

Sau gần một năm triển khai quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 theo Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045, đã có 5 phân khu được cấp thẩm quyền tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt, gồm: Khu công nghiệp (KCN) - đô thị - dịch vụ Bình Thanh (3.400 ha); Khu đô thị - công nghiệp - dịch vụ Tịnh Phong (2.481 ha); Khu đô thị - dịch vụ Đông Nam Dung Quất (7.345 ha); đô thị Lý Sơn (1.492 ha) và KCN Bình Hòa - Bình Phước (2.335 ha).

Đồng thời với việc lập quy hoạch, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi đã rà soát các dự án, công trình đăng ký đầu tư trên địa bàn KKT Dung Quất để cập nhật, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030. Trong đó có các dự án đăng ký nghiên cứu đầu tư mới như: Khu đô thị - dịch vụ hậu cần Nam sân bay Chu Lai do Công ty CP Bamboo Capital đề xuất đầu tư (795 ha); Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái - sân golf do Công ty CP Đầu tư quốc tế C.S.Q đề xuất (285 ha); Dự án KCN - đô thị - dịch vụ Tịnh Phong II do Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Dana Homeland đề xuất đầu tư (75 ha); KCN - đô thị - dịch vụ Bình Thanh (2.905 ha) được quy hoạch thành nhiều dự án kêu gọi đầu tư như: Dự án Đầu tư xây dựng KCN - đô thị - dịch vụ Gilimex, KCN - đô thị - dịch vụ Phát Đạt - Dung Quất, Khu đô thị - dịch vụ Vạn Tường 1 và 2 do Công ty CP Xây dựng và Thương mại Trung Tây Nguyên và Liên danh Công ty CP Xây dựng và Thương mại Trung Tây Nguyên - Công ty CP Đầu tư Lũng Lô 2.5 làm chủ đầu tư (142 ha).

“Sẽ có một làn sóng đầu tư mới trong thời gian tới. Đây là cơ hội cho Quảng Ngãi. Tuy nhiên, đi kèm với đó là áp lực về hạ tầng. Hiện nay, hạ tầng KKT Dung Quất đã xuống cấp và hư hỏng nặng nề. Để đảm bảo lưu thông, hàng năm, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN chỉ có thể duy tu, sửa chữa nhỏ nên không thể khắc phục triệt để”, Trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất các KCN Quảng Ngãi Hà Hoàng Việt Phương cho biết.

Ông Phương đề xuất, Trung ương và địa phương cần quan tâm hỗ trợ đầu tư hạ tầng KKT Dung Quất phục vụ yêu cầu thu hút đầu tư và hoạt động của các doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh, sau hơn 20 năm thành lập, KKT Dung Quất đã đóng góp vào ngân sách trung ương khoảng 175 nghìn tỷ đồng. Thu thuế xuất nhập khẩu (XNK) tại Quảng Ngãi chủ yếu trên địa bàn KKT Dung Quất: năm 2021 thu thuế XNK đạt trên 8 nghìn tỷ đồng, năm 2022 thu 11 nghìn tỷ đồng, năm 2023 thu 9.680 tỷ đồng. Dù tận dụng triệt để hạ tầng KKT Dung Quất để có được nguồn thu trên nhưng tái đầu tư còn nhỏ giọt do cơ chế tài chính áp dụng cho tỉnh Quảng Ngãi chưa phù hợp, cần sớm được điều chỉnh.

Dù được ví như “gà đẻ trứng vàng” nhưng KKT Dung Quất chưa được đầu tư đúng mức. Số kinh phí đầu tư lại cho hạ tầng KKT Dung Quất chiếm rất nhỏ trong tổng số tiền KKT này đóng góp vào ngân sách trung ương. Năm 2021, vốn trung ương bố trí cho Quảng Ngãi đầu tư vào hạ tầng KKT Dung Quất là 1.446 tỷ đồng; năm 2022 là 1.500 tỷ đồng; năm 2023 là 1.560 tỷ đồng, tổng 3 năm khoảng 4.500 tỷ đồng.

Theo ông Đặng Văn Minh, với số kinh phí đó, không thể đầu tư cho hạ tầng KKT Dung Quất tốt hơn. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, Quảng Ngãi đã nhiều lần kiến nghị xây dựng cơ chế đặc thù, trong đó, Trung ương hỗ trợ Quảng Ngãi tái đầu tư hạ tầng khoảng 10% từ nguồn thu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất nhưng Chính phủ chưa chấp thuận. Áp lực càng lớn đối với KKT Dung Quất khi chính sách đầu tư hạ tầng 8 KKT ven biển được Chính phủ triển khai từ năm 2015 đã hết hiệu lực.

Hiện nay, Ban Quản lý KKT Dung Quất các KCN Quảng Ngãi đã xây dựng và trình UBND Tỉnh phê duyệt 2 đề án, gồm: Đề án Huy động nguồn lực xây dựng các khu tái định cư, khu nghĩa trang phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn KKT Dung Quất giai đoạn 2023 - 2030 và Đề án Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng khung trong KKT Dung Quất trong giai đoạn 2023 - 2030.

“Nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng KKT Dung Quất theo các đề án được Quảng Ngãi lập từ nay đến năm 2030 khoảng 16.652 tỷ đồng (trong đó, giai đoạn 2023 - 2025 là 3.822 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 là 12.830 tỷ đồng). Đây là số kinh phí quá lớn, Quảng Ngãi không đủ nguồn lực. Vì vậy, một mặt, Tỉnh sẽ nỗ lực xây dựng và bảo vệ đề xuất cho hưởng cơ chế đặc thù, mặt khác kiến nghị Trung ương hỗ trợ để đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư trong giai đoạn tới”, ông Đặng Văn Minh nói.

Tin cùng chuyên mục