Để thúc đẩy phát triển điện sinh khối, có thể cân nhắc đưa ra mức giá FIT phù hợp với loại hình nguồn điện này. Ảnh minh họa: Tiên Giang |
Tiềm năng lớn nhưng còn “điểm nghẽn”
Điện sinh khối thực chất là nhiệt điện, là loại điện nền quan trọng đóng vai trò điều hòa lưới điện. So với nhiệt điện than, điện sinh khối chỉ khác duy nhất yếu tố nguyên liệu đốt là sinh khối thay vì than đá... Phát triển thành công điện sinh khối không chỉ giúp bổ sung nguồn điện, trung hòa CO2 mà còn thay thế điện than đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa lưới điện quốc gia.
Theo ông Đỗ Thanh Tùng, chỉ xét riêng về nguồn sinh khối thực vật, Việt Nam là một trong số rất ít các nước trên thế giới có vị trí địa lý, khí hậu thuận lợi, có tiềm năng tạo ra nguồn sinh khối nông lâm nghiệp khổng lồ, gồm cả phụ/phế phẩm.
Hàng năm, sản lượng xuất khẩu viên nén đốt của Việt Nam đạt 3 - 4 triệu tấn, đứng hàng thứ 2 thế giới là minh chứng rõ nhất về sự tụt hậu của ngành năng lượng sinh khối trong nước.
Ngoài ra, theo đánh giá của các chuyên gia, sản lượng sinh khối các nguồn của Việt Nam nếu được khai thác tốt có thể đạt đến vài chục triệu tấn/năm. Đó là chưa kể đến nguồn sinh khối từ chăn nuôi và rác thải.
“Sinh khối là nguồn nguyên liệu chủ động khả thi nhất để có thể thay thế than đá trong tương lai gần”, ông Tùng nhìn nhận.
Tuy nhiên, trên thực tế, trong khi nhiều địa phương thường xuyên thiếu điện trong mùa hè, điện sinh khối ở nước ta chưa phát triển mạnh. Ông Tùng cho rằng, có nhiều nguyên nhân khác nhau, từ vấn đề tư duy tiếp cận, kỹ thuật, nguồn vốn…
Theo đó, nguồn cung cấp và giá thành không ổn định do thiếu vùng nguyên liệu tập trung và không xác định được nguyên liệu cốt lõi là một trong những nguyên nhân cản trở điện sinh khối phát triển. Đồng thời, thiếu công nghệ đốt chuyên dụng để khai thác tối đa tiềm năng nhiệt sinh khối cũng như tận dụng được sản phẩm phụ sau quá trình đốt.
“Về giá, điện sinh khối khó có thể có giá bán thấp. Đầu tư điện sinh khối là đầu tư dài hạn, lợi nhuận thấp cũng có thể là yếu tố cản trở lớn để các ngân hàng tham gia cấp vốn…”, ông Tùng nêu.
Bà Vũ Chi Mai, chuyên gia năng lượng cho biết, việc xin cấp phép hình thành một nhà máy điện sinh khối mới gặp nhiều khó khăn vì liên quan đến nhiều bộ, ngành.
Thúc đẩy thế nào?
Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây nêu rõ, định hướng ưu tiên, khuyến khích phát triển các loại hình điện sinh khối trong cơ cấu nguồn điện Việt Nam, trong đó điện sản xuất từ rác, chất thải rắn nhằm tận dụng phụ phẩm nông, lâm nghiệp, chế biến gỗ, thúc đẩy trồng rừng, xử lý môi trường ở Việt Nam. Đến năm 2030, công suất các nguồn điện này đạt 2.270 MW, định hướng năm 2050 đạt 6.015 MW và có thể phát triển quy mô lớn hơn nếu đủ nguồn nguyên liệu, hiệu quả sử dụng đất cao, yêu cầu xử lý môi trường, điều kiện lưới điện, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý.
Đề xuất giải pháp thúc đẩy điện sinh khối, đại diện Vietseed cho biết, một số quốc gia áp dụng chính sách giá FIT để thúc đẩy như: Thái Lan 13,5 - 17 UScent/kWh; Philipines 12,75 UScent/kWh; Indonesia 15 UScent/kWh… Theo đó, Việt Nam cũng có thể xem xét, cân nhắc đưa ra mức giá FIT phù hợp với loại hình nguồn điện này trong bối cảnh hiện nay.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ chuyển đổi và phát triển vùng nguyên liệu, trong đó, có thể hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu như đã áp dụng với các loại cây công nghiệp khác như mía, chè…
TS. Nguyễn Mạnh Hiến, Chủ tịch Hội đồng khoa học Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam nhấn mạnh, phát triển nguồn điện sinh khối là một trong những giải pháp giúp Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Một số ý kiến khác khuyến nghị cần có cơ chế chính sách thúc đẩy thị trường tài chính cho điện sinh khối, bởi cũng vì giá FIT quá thấp (7,03 UScent/kWh với dự án đồng phát nhiệt - điện và 8,47 UScent/kWh với các dự án không phải là dự án đồng phát nhiệt - điện) trong khi đầu tư nhiều rủi ro, khiến các ngân hàng không dám cho doanh nghiệp vay vốn để đầu tư nhà máy điện sinh khối.
Được biết, hiện nay, Vietseed hoàn tất các nghiên cứu cơ bản về trồng cây cỏ Voi nguyên liệu đốt và lập dự án tiền khả thi xây dựng các “cụm nguyên liệu và chế biến” sản xuất điện sinh khối. Tập đoàn SCG Việt Nam hiện cũng đã bắt đầu tiến hành khảo sát để thử nghiệm thực địa diện rộng nhằm sản xuất nguyên liệu sinh khối cho hệ thống nhà máy của Tập đoàn tại Quảng Bình. Ngoài ra, Tập đoàn FCC Việt Nam cũng đang thúc đẩy các cuộc gặp gỡ chính thức trao đổi về khả năng khởi động một dự án tương tự ở khu vực Tây Nguyên.