Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, vẫn phải nỗ lực phấn đấu rất nhiều, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế cần đạt tăng trưởng 7,31% trong quý IV. Ảnh: Phạm Hương |
Khi kịch bản thành hiện thực
GDP quý III/2017 đạt mức tăng trưởng 7,46%, kéo tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2017 lên 6,41% đã khiến các nhà hoạch định chính sách và cả các chuyên gia kinh tế khá hứng khởi. Rất nhiều viện dẫn đã được đưa ra để lý giải cho sự bứt tốc ngoạn mục này, song tất cả đều có chung một nhận định, những điểm sáng đáng chú ý nhất góp phần tạo nên mức tăng trưởng được ghi nhận cao kỷ lục kể từ khoảng gần 10 năm trở lại đây chính là nhờ chỉ số công nghiệp, dịch vụ và sản xuất nông nghiệp phục hồi mạnh mẽ. Trong đó, ấn tượng nhất là sự phục hồi của sản xuất công nghiệp với mức tăng tới 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù vậy, nếu phân tích kỹ có thể thấy cú bứt tốc của GDP quý III không phải là quá bất ngờ, bởi chỉ cách đó 3 tháng, khi kết quả GDP quý II/2017 được công bố, một số điểm sáng đã bắt đầu được nhận diện. Mức tăng trưởng 6,17% trong quý II gây bất ngờ cho không ít các chuyên gia kinh tế tại thời điểm đó, khi phải sau 30 quý kể từ quý III/2009, đến quý II/2017, nền kinh tế mới có mức tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước tới 1,02 điểm phần trăm. Sự phục hồi của khu vực công nghiệp chế biến - chế tạo, dịch vụ, sản xuất nông nghiệp và thủy sản là những yếu tố lý giải cho tăng trưởng của quý.
Đó cũng là những nền tảng cơ bản để Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) xây dựng một kịch bản tăng trưởng kinh tế khá khả quan khi báo cáo Chính phủ vào thời điểm kinh tế Việt Nam đã đi được một nửa chặng đường năm 2017. Đó là tăng trưởng GDP quý III sẽ đạt 7,23%, quý IV là 7,57%. Theo đó, GDP 9 tháng sẽ tăng trưởng 6,29%, còn cả năm đạt mức tăng trưởng 6,7%.
Còn nhớ, hồi quý I, khi mức tăng trưởng của nền kinh tế chỉ đạt 5,1% là thấp nhất trong nhiều năm, các chuyên gia đã lo ngại rằng mục tiêu tăng trưởng 6,7% sẽ rất khó đạt được. Kịch bản được Chính phủ đưa ra ở thời điểm đó là quý II tăng 6,26%; quý III tăng 7,29% và quý IV tăng 7,49% thì mới có thể giúp nền kinh tế tăng trưởng 6,7% trong năm 2017.
Nhiều chuyên gia hoài nghi về kịch bản này và cho rằng đó là mục tiêu áp lực. Thế nhưng, có vẻ như kịch bản đó đang dần trở thành sự thật. Quý II, nền kinh tế khởi sắc với mức tăng trưởng 6,28% và đến quý III này thì đạt mức tăng 7,46% - mức cao kỷ lục sau rất nhiều năm. Mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,7% vẫn luôn là nỗi lo lớn của nền kinh tế kể từ đầu năm tới nay, đến thời điểm này bắt đầu được nhìn nhận lại.
Theo phân tích của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cơ quan thường xây dựng các kịch bản kinh tế ở mức thấp hơn so với kịch bản của Bộ KH&ĐT, thì chính việc tổng cung liên tục được cải thiện trong thời gian dài vừa qua và xu thế này sẽ tiếp tục khi giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến - chế tạo gia tăng trong những tháng cuối năm nhờ tăng sản lượng sản xuất, sẽ tạo cơ sở cho tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành này có khả năng đạt 12 - 13% trong năm 2017, mở ra tín hiệu tích cực trong việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 6,7%.
Quan tâm đến chất lượng tăng trưởng
Trước đó, khi báo cáo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh rằng, để đạt được mục tiêu này, phải cố gắng thường xuyên trong các tháng cuối năm. Không nên hài lòng, chủ quan, mà phải thực sự nỗ lực. Mục tiêu tăng trưởng 6,7% dù được cho là cao, nhưng hoàn toàn có cơ sở để phấn đấu, với điều kiện tất cả phải cùng triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp và phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp.
Lúc này, khi tốc độ tăng trưởng đã có sự bứt phá ấn tượng, thì vấn đề được các chuyên gia đặc biệt quan tâm chính là chất lượng của tăng trưởng. Tín hiệu vui cho nền kinh tế là con số tăng trưởng cao đang đi liền với chất lượng tăng trưởng, và phân tích của cơ quan thống kê liên quan đến các chỉ số về vốn, năng suất lao động, chỉ số TFP (năng suất các nhân tố tổng hợp), cũng như tỷ suất vốn đầu tư/GDP phần nào cho thấy điều này. Theo đó, chỉ số TFP tăng cao hơn so với năm 2016; các chỉ số còn lại thì đang có thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Một chỉ số khác cũng phản ánh chất lượng tăng trưởng là hệ số đầu tư tăng trưởng (ICOR) đang có chiều hướng giảm. Đầu tư đúng và hiệu quả vào các dự án mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao sẽ góp phần đáng kể làm giảm ICOR, nâng cao chất lượng tăng trưởng.