Cần đánh giá chính xác, cụ thể những mặt thuận lợi và khó khăn của từng ngành sản xuất kinh doanh để có giải pháp phù hợp. Ảnh: Nhã Chi |
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước còn nhiều khó khăn, ông nhận xét như thế nào về kết quả đạt được của nền kinh tế 2 tháng đầu năm?
Có thể thấy, điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế 2 tháng là giải ngân vốn đầu tư công tăng cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái nhờ sự chỉ đạo kịp thời, khẩn trương, sát sao của Chính phủ và đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bên cạnh đó, sản xuất nông, lâm, thủy sản - bệ đỡ của nền kinh tế vẫn tăng trưởng tốt, thu ngân sách nhà nước 2 tháng tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022.
TS. Nguyễn Bích Lâm |
Tuy nhiên, đang lan rộng những gam màu tối phản ánh tác động của kinh tế thế giới đối với Việt Nam. Đó là chỉ số sản xuất công nghiệp giảm đáng kể. Đáng chú ý, số doanh nghiệp tạm dừng sản xuất kinh doanh, chờ giải thể và giải thể (51,4 nghìn DN) cao hơn số DN thành lập mới (37,9 nghìn DN). Đây là điểm khác biệt trong nhiều năm qua. Kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh 16% trong khi nguyên vật liệu, tư liệu sản xuất chiếm hơn 90% kim ngạch nhập khẩu. Điều này cho thấy, DN có xu hướng thu hẹp sản xuất kinh doanh do nhu cầu với hàng hóa Việt Nam sụt giảm.
Với thực trạng DN gặp khó khăn như vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả để giúp DN hồi phục tốt hơn và đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Rõ ràng là các DN đang rất chật vật trong bối cảnh khó khăn này. Bên cạnh các giải pháp chung cho cả nền kinh tế, cần có các giải pháp mạnh mẽ, thiết thực và cụ thể cho từng ngành. Theo đó, cần đánh giá chính xác và cụ thể những mặt thuận lợi và khó khăn của từng ngành để có giải pháp phù hợp.
Gần đây, thị trường bất động sản đang được “mổ xẻ” theo nhiều góc cạnh và hy vọng các giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới sẽ phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần đánh giá và dự báo về thị trường với sản phẩm của từng ngành kinh tế để cộng đồng DN và các cơ quan xây dựng chính sách nhìn nhận đúng thực trạng từng ngành.
Về kinh tế thế giới, nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất thì nền kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động bất lợi từ tổng cầu dự kiến sẽ suy giảm. Do đó, bên cạnh việc mở rộng và đa dạng thị trường xuất khẩu, rất cần chú trọng phát triển thị trường 100 triệu dân và phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Mặt khác, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, cần có chính sách kích cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước. Năm ngoái, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đã được áp dụng và nhận được phản hồi tích cực, cần đánh giá hiệu quả thực tế của chính sách này để xem xét tiếp tục áp dụng trong năm nay.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần phối hợp với Bộ Tài chính đánh giá thực chất mức sống và sức cầu của người lao động, người dân để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ kịp thời.
Trước các biến động của nền kinh tế trong và ngoài nước, có ý kiến cho rằng cần giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, song cũng có ý kiến lo ngại việc giảm lãi suất có nguy cơ làm tăng lạm phát và rủi ro cho mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Xin ông chia sẻ quan điểm về vấn đề này?
Mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô luôn cần duy trì trong giai đoạn phát triển của kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, cần nhìn nhận theo diễn biến từng giai đoạn, phải chăng ổn định kinh tế vĩ mô là phải giữ lãi suất cao?
Thực tế, cái gốc của ổn định vĩ mô là bảo đảm sức khỏe của nền kinh tế, trong đó có sức khỏe của DN. Do đó, cần cân đối các bài toán về lạm phát, tỷ giá, lãi suất để bảo đảm dòng vốn lưu thông tích cực trong nền kinh tế, song cần chú trọng giảm lãi suất thì DN mới có thể tiếp cận, phát triển sản xuất kinh doanh.