Cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng vào những chủ trương, nỗ lực của Chính phủ trong thời kỳ mới |
Câu chuyện được nói đến nhiều là làm thế nào để có thể phát huy nội lực, khơi dậy sức mạnh của doanh nghiệp Việt trong bối cảnh mới?
Bà Đào Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV TP. Hải Phòng
Thực tế hiện nay, tâm lý e ngại đầu tư vẫn còn hiện hữu, sự lo lắng về rủi ro trong tương lai sau khi đầu tư vẫn là nỗi lo lắng lớn nhất của các doanh nghiệp. Một trong những khó khăn, vướng mắc đối với các doanh nghiệp là vấn đề lãi suất.
Mặc dù Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã cố gắng kiềm chế lãi suất ngân hàng ở mức khoảng 9% như hiện nay, nhưng so với các nước khác thì vẫn còn ở mức cao và đang có xu hướng tăng. Lãi suất cao đã làm giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa của doanh nghiệp trong nước.
Do đó, tôi kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, bên cạnh việc giữ vững chính sách điều hành để giảm dần lãi suất cho vay, cần tập trung xem xét và chỉ đạo để giảm khối nợ xấu rất lớn của các ngân hàng, đặc biệt các khoản nợ đang nằm tại cơ quan thi hành án. Nếu xét về lĩnh vực ngân hàng thì đó là chuyện tốt, xấu của từng ngân hàng. Nhưng nếu xét về nền kinh tế thì các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất cho vay để bù đắp chi phí huy động vốn cho những khoản tiền nằm ứ đọng do nợ xấu, các khoản nợ đang nằm trong tay cơ quan thi hành án các cấp. Như vậy việc giảm lãi suất mới khả thi.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cần có cơ chế thông thoáng, thuận lợi để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn, vay vốn cho đầu tư phát triển. Chính phủ cần tập trung hỗ trợ, giúp đỡ, chỉ đạo để các quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp sớm đi vào hoạt động, cùng với các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, nhiều gói tín dụng hỗ trợ DNNVV với lãi suất ưu đãi như: gói tín dụng tài trợ chương trình bình ổn giá thị trường và các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất gia công hàng dệt may, tài trợ xuất khẩu, chăn nuôi thuỷ sản… Nhưng vấn đề cần được giải quyết sớm là làm thế nào để các gói tín dụng ưu đãi đến được tay doanh nghiệp.
Ông Lê Văn An, Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty Cơ điện Xây dựng (Agrimeco)
Cảm nhận của một người làm doanh nghiệp khoảng 35 năm, tôi thấy hội nhập kinh tế quốc tế đang đặt ra thách thức vô cùng lớn cho doanh nghiệp. Dường như doanh nghiệp chúng ta vẫn chưa chuẩn bị được gì nhiều khi tham gia hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế, đặc biệt là các doanh nghiệp ngành cơ khí.
Hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí của Việt Nam đã có, song nội dung mênh mông quá, ngành nào cũng muốn làm, cũng muốn phát triển nhưng không xây dựng được một chiến lược bài bản. Tôi cho rằng, sức mạnh cốt lõi của người dân Việt Nam là trí tuệ, bàn tay khéo léo và đức tính cần cù, do đó phải đặc biệt chú trọng đến vấn đề này bên cạnh việc xây dựng chiến lược phát triển một cách bài bản. Trong hoạt động đầu tư, mục tiêu đầu tư của doanh nghiệp phải gắn kết với sản phẩm cụ thể, doanh nghiệp đừng bỏ tiền tỷ nhập khẩu máy móc mà không có sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Với yêu cầu này, Chính phủ cần thiết đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Khi cổ phần hóa sẽ thay đổi sở hữu, các cổ đông sẽ quyết định đầu tư hay không đầu tư một cách nhanh nhạy, hiệu quả hơn.
Hiện nhiều doanh nghiệp ngành cơ khí của Việt Nam vẫn còn gặp khó khăn về tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp… để có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong khi đó, các doanh nghiệp cơ khí FDI có điểm xuất phát hơn hẳn doanh nghiệp Việt Nam về công nghệ, tài chính, quản trị với kinh nghiệm phát triển hàng chục năm. Cạnh tranh “trên cùng một chợ” như vậy buộc doanh nghiệp cơ khí Việt Nam phải hạ giá thành, hạ tới mức không còn tích lũy, thậm chí thua lỗ thì làm sao có thể “lớn lên” được. Đây là một trong những nội dung mà Chính phủ nên quan tâm hơn để phát triển doanh nghiệp trong nước nói chung, doanh nghiệp cơ khí nói riêng.
Doanh nghiệp Việt cần được hỗ trợ để trưởng thành và phát triển
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn đầu tư và xây dựng Sài Gòn
Doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp xây dựng nói riêng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Hiện có quá nhiều quy định của các cơ quan nhà nước ràng buộc đối với doanh nghiệp, trong đó có những quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn nhau. Việc chấp hành đúng, đủ các quy định của các cơ quan nhà nước là cả một cửa ải đầy thách thức và khó khăn trong quá trình vận hành, hoạt động của doanh nghiệp. Đây là một gánh nặng không nhỏ cho doanh nghiệp trong bối cảnh các loại thuế, phí, chi phí nhân công, bảo hiểm, các khoản phúc lợi xã hội… mà doanh nghiệp phải đóng góp, phải trả cho người lao động, phải nộp cho các cơ quan nhà nước đang tăng lên.
Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp tư vấn xây dựng, các cơ hội công việc đang có xu hướng giảm dần nên mức độ cạnh tranh trong cuộc chiến giành hợp đồng cũng trở nên khốc liệt hơn. Để có được các hợp đồng tư vấn xây dựng, giá dự thầu phải rất cạnh tranh, thậm chí là phải giảm xuống thấp hơn so với mặt bằng nên lương trả cho các cán bộ tư vấn cũng không cao hơn được. Sống trong thời đại công nghệ thông tin, những người tài giỏi, có trình độ chuyên môn cao, có nhiều năm kinh nghiệm thì có nhiều cơ hội công việc ở bên ngoài hứa hẹn thu nhập khá, khi tiền lương trả cho họ không đủ “hậu hĩnh”, không xứng đáng thì sẽ khó “giữ chân” họ. Với đặc thù của doanh nghiệp tư vấn xây dựng, tài sản chính không phải là máy móc, các loại tài sản cố định, mà lại là nguồn nhân lực chất lượng cao. Không “giữ chân” được người tài giỏi, doanh nghiệp sẽ mất thương hiệu. Vì thế, một thách thức lớn đối với doanh nghiệp tư vấn hiện nay là làm sao sở hữu được một lực lượng đông đảo cán bộ có tay nghề, có chuyên môn và nhiều kinh nghiệm.
Ông Nguyễn Phương Bắc , Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Bắc Ninh
Thời gian vừa qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ liên tục có những hành động cụ thể để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xóa bỏ những rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp như ban hành Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP ngày 28/4/2016; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016… Đặc biệt, gần đây, Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo Luật sửa đổi các luật về đầu tư, kinh doanh trình Quốc hội ban hành trong thời gian tới. Đây là một sáng kiến cải thiện môi trường kinh doanh rất đáng hoan nghênh với nhiều điểm tích cực từ cách làm, phạm vi, tiến độ cũng như sự quyết tâm. Đây cũng là một luật mà doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng như: tiếp cận nguồn lực của Nhà nước thuận lợi và bình đẳng hơn, theo cơ chế thị trường, tránh bất bình đẳng do “thân hữu” hay “xin - cho”; thủ tục hành chính thuận lợi hơn; minh bạch và kiểm soát điều kiện kinh doanh… Để quyết tâm này trở thành hiện thực, tôi cho rằng, trong thời gian tới, bên cạnh những chính sách khuyến khích cho phát triển doanh nghiệp về vốn, Chính phủ nên tập trung vào những nội dung hỗ trợ liên quan khác như quản trị, đổi mới công nghệ… Phương pháp hỗ trợ này sẽ có lợi hơn cho doanh nhiệp, tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập mạnh mẽ như giai đoạn hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành
Hai khó khăn lớn nhất đang cản trở hoạt động và sự phát triển của doanh nghiệp là lãi suất và thủ tục hành chính. Lãi suất đang rất cao, thực tế doanh nghiệp vay được khoảng 10 - 12%/năm. Có thời điểm căng thẳng về vốn, doanh nghiệp phải vay nóng với lãi suất hai, ba chục phần trăm. Lãi suất như vậy quá cao so với các nước khác, làm cho tất cả doanh nghiệp kinh doanh rất khó có lãi, khó phát triển.
Về thủ tục hành chính, dù Chính phủ đang rất quyết liệt cắt giảm, nhưng thực tế nhiều bộ vẫn đang giữ thủ tục vì lợi ích của mình. Cơ quan xây dựng luật đang đưa ra quá nhiều thủ tục để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nhà quản lý. Tôi lấy ví dụ, thủ tục xây dựng công trình cấp 1 của Bộ Xây dựng: Bộ Xây dựng quản lý công trình cấp 1 (cao trên 23 tầng), không giao cho địa phương, từ thiết kế, thẩm định… gây phiền phức cho doanh nghiệp, lãng phí nguồn lực. Với doanh nghiệp tại TP.HCM, để thẩm định thiết kế công trình, doanh nghiệp phải ôm hồ sơ ra Bộ. Khi thi công, thì có 2 lần kiểm tra và thi công xong có ít nhất thêm 1 lần kiểm tra để nghiệm thu đưa vào sử dụng. Mỗi lần như thế phải mời đoàn của Bộ Xây dựng vào, chi phí đi lại ăn ở rất tốn kém, rồi mất thời gian nữa. Những quy định như trên làm tăng chi phí của doanh nghiệp. Chi phí đầu tiên là đi lại. Có ai thống kê hàng ngày có bao nhiêu vé máy bay Hà Nội - TP.HCM là để giải bài toán thủ tục hành chính?
Tôi nghĩ Bộ Xây dựng nên xem xét để giảm các loại thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, ủy quyền và hỗ trợ cho Hà Nội và TP.HCM quản lý xây dựng, như Nghị quyết 43 của Chính phủ năm 2014 đã yêu cầu là giảm ít nhất 40% thời gian làm thủ tục xây dựng.
Lãi suất và thủ tục hành chính là hai dây thòng lọng, hỗ trợ lẫn nhau, bóp chết doanh nghiệp. Để tháo gỡ, muốn giảm lãi suất, phải giảm chi tiêu công để góp phần giảm lạm phát. Những công trình tượng đài, nhà văn hóa hàng trăm tỷ để từ từ làm cũng không sao. Rồi chi phí cắt cỏ hàng chục tỷ, có thể giảm được; công trình cầu đường thất thoát, đội vốn, cũng có thể giảm được…