Trong 8 tháng năm 2019, bất động sản là lĩnh vực có số doanh nghiệp tham gia chào bán trái phiếu doanh nghiệp đông đảo nhất. Ảnh: Lê Tiên |
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến hết tháng 8/2019, tín dụng bất động sản chiếm 19,14% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 14,58% so với cuối năm 2018. Trong đó, tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm 32,7% dư nợ bất động sản, tăng 5,5%; tín dụng cho mục đích tự sử dụng chiếm 68,3% dư nợ bất động sản, tăng 19,6%.
Nêu quan điểm về diễn biến dòng vốn trên thị trường, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính thuộc Trường Đại học Kinh tế TP.HCM nói: “Tại Việt Nam, dòng tiền vào bất động sản luôn chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động kinh doanh, đầu tư và cho vay của ngân hàng. Điều này đặt ra vấn đề là cần có giải pháp để thị trường tài chính Việt Nam phát triển một cách hài hòa, cân đối, đa dạng các kênh huy động và đầu tư vốn”.
Theo ông Bảo, do ít kênh đầu tư nên nhiều người đổ tiền vào bất động sản. Dù Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều cách để kiểm soát tín dụng bất động sản, nhưng nhu cầu thị trường quá lớn nên bằng cách này hay cách khác, bên cho vay và bên đi vay cũng tìm cách lách để đưa vốn từ ngân hàng vào thị trường bất động sản.
“Khi dòng tiền đổ vào thị trường bất động sản nhiều thì nguy cơ làm nóng thị trường tăng và đó là rủi ro. Giải quyết điều này cần bài toán căn cơ, tức là đa dạng hóa các kênh đầu tư cho nguồn tiền nhàn rỗi”, ông Bảo nói.
Liên quan đến công tác kiểm soát tín dụng bất động sản, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: “Bất động sản vẫn còn là lĩnh vực có nhiều rủi ro, nên Chính phủ không chủ quan khi kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực này”.
Theo Phó Thủ tướng, doanh nghiệp bất động sản có số dư nợ tín dụng từ 5.000 tỷ đồng trở lên thì Thống đốc Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 3 tháng/lần và chịu trách nhiệm về báo cáo đó. Ở cấp của Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục yêu cầu kiểm soát chặt chẽ doanh nghiệp bất động sản có dư nợ từ trên 1.500 tỷ đồng.
“Chính phủ chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tín dụng bất động sản, các dự án quy mô lớn, chỉ xem xét các dự án vay vốn khả thi, thận trọng cho vay nhà đầu tư thứ cấp”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Không chỉ hút vốn mạnh từ ngân hàng, thông qua phát hành trái phiếu, các doanh nghiệp bất động sản cũng đang thu hút được lượng vốn đáng kể từ thị trường.
Số liệu từ Công ty CP Chứng khoán SSI cho biết, trong 8 tháng năm 2019, bất động sản là lĩnh vực có số doanh nghiệp tham gia chào bán trái phiếu doanh nghiệp đông đảo nhất với 44 doanh nghiệp. Tổng lượng chào bán là 47.804 tỷ đồng, nhưng chỉ có 36.946 tỷ đồng được phát hành thành công, dư bán 10.858 tỷ đồng. Mặc dù kênh trái phiếu được thúc đẩy với mong muốn giảm phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng, tuy nhiên, trong không ít đợt phát hành trái phiếu DN bất động sản, các ngân hàng thương mại lại là khách hàng mua lượng trái phiếu đáng kể.
Bình luận về hiện tượng này, ông Bảo nói: “Có quan điểm cho rằng cần nghi vấn về hiện tượng ngân hàng và doanh nghiệp bắt tay đảo nợ để lách hàng rào giới hạn tín dụng bất động sản của Ngân hàng Nhà nước. Song, điều này cần được khảo sát và kết luận chính thức từ cơ quan chức năng”.
Từ góc độ khác, theo ông Bảo, có thể thấy là suốt nhiều năm qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn giậm chân tại chỗ do kênh đầu tư này không hấp dẫn đối với người phát hành và giới đầu tư. Đến nay, nhiều nhà đầu tư lại đổ vốn vào mua trái phiếu doanh nghiệp. Đó là cơ hội tốt để sản phẩm tài chính này đến với đông đảo nhà đầu tư. Từ đó, kênh đầu tư này sẽ trở nên quen thuộc và mới có cơ hội phát triển.
“Tuy nhiên, để kênh đầu tư này phát triển lành mạnh và tạo được niềm tin cho thị trường, các cơ quan chức năng nên thực hiện tốt vai trò là trọng tài quan sát từ xa xem ai vi phạm để phạt “thẻ vàng, thẻ đỏ” khi cần. Làm sao để vừa kiểm soát tốt lại vừa nuôi dưỡng thị trường phát triển, đồng thời, đừng để trái phiếu trở nên xấu xí trong mắt mọi người”, ông Bảo nhấn mạnh.