Kiểm soát lạm phát năm 2023: Tạo không gian điều hành phù hợp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, có nhiều yếu tố gây áp lực đối với mặt bằng giá cả hàng hóa và dịch vụ trong năm sau. Việc kiểm soát làm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô là một ưu tiên chính sách, song cần cân nhắc từ nhiều góc độ để có không gian điều hành phù hợp chỉ tiêu lạm phát 2023.
Giá xăng dầu đã tăng 3 đợt liên tiếp sau một số đợt giảm giá và có nhiều khả năng tăng tiếp. Ảnh: Tiên Giang
Giá xăng dầu đã tăng 3 đợt liên tiếp sau một số đợt giảm giá và có nhiều khả năng tăng tiếp. Ảnh: Tiên Giang

Đến thời điểm này, nhiều ý kiến cho rằng việc đạt được mục tiêu lạm phát 4% năm 2022 là khả thi, song điều đáng quan ngại là áp lực lạm phát sẽ tăng đáng kể trong năm sau. Quan điểm của ông về điều này?

Mục tiêu lạm phát 4% trong năm này là hoàn toàn khả thi bởi 10 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân chưa đến 3%. Tuy nhiên, thị trường giá cả năm 2023 chịu áp lực lớn từ nhiều yếu tố.

TS. Nguyễn Bích Lâm

TS. Nguyễn Bích Lâm

Về yếu tố cầu kéo, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được thiết kế cho năm 2022 và 2023 nhưng về cơ bản chưa thực hiện được nhiều trong năm nay. Như vậy, nguồn lực lớn của chương trình này sẽ dồn sang năm sau, từ đó có thể làm tăng tổng cầu đột biến. Đặc biệt là nhu cầu về nguyên vật liệu trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng tăng cao khiến cho giá cả các loại nguyên vật liệu tăng trong khi chuỗi cung ứng đang đứt gãy và đặc thù của kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá lớn từ bên ngoài.

Về chi phí đẩy, số liệu 10 tháng năm 2022 cho thấy, chỉ số giá sản xuất của khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều tăng đáng kể. Dù có độ trễ, song mức tăng này sẽ phản ánh trong giá cả hàng tiêu dùng và dịch vụ cuối cùng, góp phần đẩy lạm phát tăng.

Đáng chú ý, giá xăng dầu đã có 3 đợt tăng liên tiếp sau một số đợt giảm. Giới phân tích đánh giá, giá xăng dầu có nhiều khả năng tăng tiếp. Vừa qua, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác đã quyết định cắt giảm nguồn cung 2 triệu thùng dầu/ngày. Động thái giảm lượng khai thác dầu thô được cho là nhằm đẩy giá dầu trên thị trường lên mức khoảng 100 USD/thùng từ mức 80 - 90 USD/thùng hiện nay. Điều này sẽ tác động đến giá dầu trên thị trường thế giới.

Mặt khác, áp lực lạm phát năm sau còn đến từ khả năng tăng giá các dịch vụ như giáo dục, y tế và giá điện sau thời gian kìm giữ khá lâu. Cũng với đó, đề xuất tăng lương của Chính phủ nếu được Quốc hội thông qua sẽ làm gia tăng lạm phát kỳ vọng.

Chính phủ kiến nghị Quốc hội thông qua mục tiêu lạm phát năm 2023 là khoảng 4,5%. Theo ông, con số này đã tính đủ các áp lực lạm phát nêu trên chưa?

CPI mục tiêu năm 2023 được đặt cao hơn năm 2022 cho thấy Chính phủ đã cân nhắc tác động khó tránh từ biến động của thị trường thế giới với kinh tế Việt Nam. Trong đó, nhiều nước tăng lãi suất, đồng USD tăng giá đẩy giá nguyên vật liệu tăng và chắc chắn ảnh hưởng đến mặt bằng giá đầu vào của hoạt động sản xuất trong nước bởi 37% nguyên liệu sử dụng cho sản xuất trong nước được nhập khẩu.

Lạm phát cao sẽ tác động đến kinh tế, xã hội, đời sống người dân nên việc đặt mục tiêu ở mức thấp vừa phải là đúng đắn. Tuy nhiên, nếu kiểm soát lạm phát quá chặt mà gây trở ngại cho hoạt động sản xuất thì cũng gây khó cho doanh nghiệp, từ đó tác động tiêu cực cho đời sống người lao động. Vì vậy, cần cân nhắc nhiều góc độ để có “không gian” điều hành chính sách phù hợp.

Theo tôi, trước áp lực lạm phát năm sau khá lớn như phân tích ở trên, có thể xem xét đặt mục tiêu lạm phát trong khoảng 4,5 đến 5% để tránh gò bó các chính sách điều hành khác, đặc biệt là chính sách tiền tệ trước các biến động trên thị trường tài chính - tiền tệ thế giới.

Để kiểm soát lạm phát năm sau, ông đề xuất những giải pháp gì?

Trước hết, cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng nhằm thúc đẩy tổng cung, giảm áp lực lạm phát.

Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa nguồn cung. Đảm bảo nguồn cung của từng nhóm nguyên vật liệu của mỗi ngành không phụ thuộc vào một thị trường, một khu vực. Bộ Công Thương chủ trì, cùng với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm nguồn cung và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đáng chú ý, cần có dự báo, dự trữ xăng dầu, trong đó phải dự trữ bằng hàng, chứ không phải bằng tiền, nhằm bảo đảm an ninh năng lượng.

Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ, thực hiện hài hoà chính sách tài khóa và tiền tệ.

Mặt khác, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa.

Ở khía cạnh khác, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ gây nên lạm phát trong nước; chỉ đạo các bộ liên quan thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng Nhà nước quản lý như điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục.