Kiểm soát tham nhũng từ khu vực tư

(BĐT) - Việc đưa doanh nghiệp (DN), tổ chức khu vực ngoài nhà nước vào đối tượng điều chỉnh là một trong những bước tiến của Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN). Điều này cho thấy đã đến lúc khu vực tư không thể đứng ngoài cuộc. Nhưng làm thế nào để chính sách pháp luật này đi vào cuộc sống và triển khai hiệu quả vẫn đang là một thách thức rất lớn.
Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước không thể đứng ngoài cuộc trong công cuộc phòng chống tham nhũng. Ảnh: Doãn Tấn
Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước không thể đứng ngoài cuộc trong công cuộc phòng chống tham nhũng. Ảnh: Doãn Tấn

Đây là vấn đề nhận được nhiều ý kiến quan tâm, chia sẻ tại Diễn đàn “Thi hành quy định pháp luật về PCTN trong DN, tổ chức khu vực ngoài nhà nước”, tổ chức ngày 12/12, tại Hà Nội.

Thách thức thực thi

Tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang tiếp tục xảy ra như tình trạng đưa, nhận hối lộ để giành lợi thế trong sản xuất, kinh doanh; thiếu minh bạch trong tổ chức và hoạt động; chưa rõ ràng về trách nhiệm của người đứng đầu DN, tổ chức xã hội… Trong đó, DN vừa là nạn nhân vừa là tác nhân.

Tham nhũng trong khu vực tư không những ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh giữa các DN, mà còn ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ quan nhà nước, cũng như hiệu quả PCTN của khu vực công. Mặc dù Luật PCTN đã định vị vai trò của khu vực tư, xác định cụ thể những hành vi tham nhũng và đề ra những biện pháp để phòng ngừa, nhưng theo ông Trần Đức Lượng - nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, việc thực thi gặp rất nhiều khó khăn.

Theo ông Lượng, hiện không ít DN, tổ chức ngoài nhà nước còn có những nhận thức chưa đúng đắn về vấn đề bị đưa vào Luật. Họ cho rằng Nhà nước can thiệp quá sâu vào khu vực tư và coi PCTN là việc của khu vực công. Thực tế, ngoại trừ các DN có vốn đầu tư nước ngoài, các công ty đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam, đa số các DN trong nước vẫn chưa thực sự quan tâm và xây dựng bộ quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ.

Mặt khác, do đây là lĩnh vực mới, phía cơ quan quản lý nhà nước chưa có nhiều thực tiễn, kinh nghiệm nên có nguy cơ đối mặt với sự không hợp tác từ đối tượng thanh tra, nhất là những DN, tổ chức ngoài nhà nước chưa có nhận thức đúng đắn về vấn đề này.

Kết quả cuộc điều tra trong khuôn khổ sáng kiến “Xây dựng năng lực cho các DN nhỏ và vừa phòng ngừa tham nhũng” cũng cho thấy, DN Việt Nam có rất ít kinh nghiệm xây dựng các biện pháp tự phòng vệ, khi có tới 33% số DN chưa bao giờ ban hành bộ quy tắc ứng xử. Biện pháp được sử dụng thường xuyên nhất là xử lý vi phạm, chiếm 41%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ DN sử dụng hình thức khen thưởng đối với các hành vi chuẩn mực và sử dụng kiểm toán bên ngoài. Đặc biệt, khi được hỏi về hình thức đối phó với các hành vi đòi hối lộ, có đến 32% DN sẵn sàng đưa hối lộ, 47% DN đưa hối lộ nhưng sẽ thỏa thuận để có một dàn xếp có lợi hơn.

Đa số DN vẫn tự tìm cách giải quyết mà không có sự tham vấn bất cứ ai về PCTN. Điều này cho thấy khối DN này chưa thực sự tin tưởng vào khả năng bảo vệ hoặc trợ giúp của hệ thống pháp luật, các cơ quan thi hành pháp luật và các hiệp hội kinh doanh, cũng như chưa ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa kinh doanh. 

Xây dựng quy tắc kiểm soát nội bộ

Muốn PCTN, theo ông Hoàng Hải Vương - Giám đốc vùng Đông Bắc của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), trước tiên DN phải nhận thức được đây là nhu cầu tự thân.

Muốn xây dựng văn hóa kinh doanh thì phải bắt đầu bằng việc hình thành thói quen tuân thủ các bộ quy tắc ứng xử nội bộ, trong đó cam kết thực hiện liêm chính là cốt lõi. Theo kinh nghiệm của một số DN trong nước và kinh nghiệm của nước ngoài, quy tắc ứng xử nội bộ phải được kiểm soát qua nhiều phân lớp, từ lãnh đạo cho tới từng nhân viên. Hệ thống chấm điểm việc tuân thủ phải dễ dàng thực hiện, không mất nhiều thời gian, chi phí. Việc xử lý vi phạm phải có cấp độ khác nhau. Cùng với đó, cơ chế lương thưởng cũng phải tương xứng để động viên, khuyến khích mọi người tuân thủ tốt.

“Luật thúc đẩy PCTN nhưng DN không có cam kết liêm chính thì không thể thực thi hiệu quả. Sự liêm chính của DN dựa trên hành vi, bộ quy tắc ứng xử đạo đức, minh bạch cùng cơ chế nhận diện hành vi sai trái, quản lý rủi ro tham nhũng”, ông Florian Beranek - chuyên gia Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) về trách nhiệm xã hội và hành vi kinh doanh có trách nhiệm - nhấn mạnh.

Tuy vậy, ông Trần Đức Lượng cho rằng, chỉ dựa vào cơ chế kiểm soát nội bộ DN là chưa đủ, mà còn cần nhiều giải pháp đồng bộ từ các bên liên quan. Về phía Nhà nước, quản lý nhà nước phải dựa trên tinh thần hướng dẫn DN sửa chữa, coi DN là người đồng hành, thúc đẩy, hỗ trợ, kiến tạo, tạo sân chơi bình đẳng. Từ cơ chế xây dựng chính sách pháp luật cho đến cơ chế vận hành đều phải công khai, minh bạch. Chính sách pháp luật có tốt đến mấy thì cũng phải liên tục hoàn thiện, tháo bỏ các rào cản, tránh chồng chéo. Những khiếm khuyết của hệ thống pháp luật sẽ tạo nên những kẽ hở, trở thành môi trường cho tham nhũng, đưa hối lộ.

Tin cùng chuyên mục