Ảnh Internet |
Cụ thể, phương án 1, kiến nghị NHNN vẫn giữ quy định hiện nay cho phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa 50% trong năm 2018, tương tự như năm 2017.
HoREA cho rằng, việc tiếp tục cho phép sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa 50% như hiện nay cho đến hết năm 2018, sẽ là nguồn lực hỗ trợ hiệu quả cho sự tăng trưởng của nền kinh tế, cũng như của thị trường bất động sản.
Riêng phương án 2, thì HoREA nhất trí với nội dung dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 36/2014/TT-NHNN của NHNN, tại Khoản 5 Điều 17, quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa 45% từ ngày 01/01/2018 đến hết ngày 31/12/2018.
Ngoài hai phương án nói trên, trong văn bản hỏa tốc HoREA còn có những kiến nghị liên quan đến việc thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ tiêu dùng đối với nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.
Cụ thể, để thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ tiêu dùng, nhà ở theo Nghị quyết 46/NQ-CP của Chính phủ, HoREA kiến nghị NHNN thực hiện gói chính sách tín dụng nhà ở với quy mô phù hợp (tương tự như cách làm của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng trước đây) để kích cầu tiêu dùng nhà ở, hỗ trợ trực tiếp cho người mua nhà, người thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có giá bán khoảng 1 tỷ đồng/căn.
Tương tự, về chính sách ưu đãi tín dụng đối với nhà ở xã hội, HoREA kiến nghị NHNN chỉ đạo phân bổ khoảng 1.000 tỷ đồng (trong nguồn vốn 2.000 tỷ đồng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ cho Ngân hàng Chính sách xã hội) cho 4 tổ chức tín dụng là Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV để sớm triển khai cấp tín dụng cho các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội.
Đồng thời, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, NHNN phân bổ ngân sách hàng năm khoảng từ 1.000 - 2.000 tỷ đồng trong giai đoạn từ năm 2018-2020 để cho các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội vay, với lãi suất khoảng 4,8%/năm.
Song song đó, đề nghị phân bổ nguồn vốn này cho Ngân hàng Chính sách xã hội và 4 tổ chức tín dụng nói trên để triển khai thực hiện. Từ đó, có thể huy động thêm các nguồn vốn khác của các tổ chức tín dụng để thực hiện hiệu quả chính sách nhà ở xã hội của Đảng và Nhà nước.
Về lâu dài, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, NHNN có cơ chế thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, theo quy định của Luật Nhà ở, trước hết là các dự án nhà ở xã hội cho thuê, tương tự như Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ trước đây, để làm giảm giá thành nhà ở xã hội, là giải pháp hỗ trợ thiết thực cho các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội.