Công nghiệp chế biến, chế tạo trong nhiều năm liên tục là động lực phát triển kinh tế - xã hội nhưng nội lực còn yếu. Ảnh: Lê Tiên |
Những hạn chế hiện hữu
Những năm qua, ngành công nghiệp đã có nhiều đóng góp lớn cho quá trình phát triển kinh tế, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo (CBCT) trong nhiều năm liên tục là động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Mặc dù vậy, theo ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp thuộc Bộ Công Thương, ngành công nghiệp trong nước vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập, đặc biệt bộc lộ rõ sau những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng như xung đột chính trị trên thế giới do nguồn cung chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu, sản xuất trong nước vẫn chủ yếu là gia công, lắp ráp; giá trị gia tăng rất thấp; nội lực của nền công nghiệp còn yếu…
Bên cạnh đó, mối liên kết giữa doanh nghiệp (DN) trong nước với DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn rất lỏng lẻo. Năng lực cạnh tranh, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu của ngành công nghiệp còn thấp…
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận, với vai trò là động lực trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thì quy mô, tốc độ tăng trưởng cũng như chất lượng phát triển của ngành công nghiệp thời gian qua chưa đạt kỳ vọng. Ngành công nghiệp vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế mang tính chất cố hữu chưa thoát ra được.
“Nếu xét theo chuỗi cung ứng, công nghiệp nước ta đang ở giai đoạn thấp, giá trị gia tăng mang lại chưa cao. Trình độ khoa học công nghệ của các DN công nghiệp chậm được đổi mới, ngay trong “sân chơi” nước nhà nhưng có nhiều hạn chế so với DN FDI…”, ông Hiếu nhận xét.
Nhận thức rõ những hạn chế, bất cập này, trong một báo cáo gần đây về tình hình phát triển của ngành, Bộ Công Thương thừa nhận, thời gian qua, công nghiệp phát triển chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, chưa tận dụng được lợi thế của giai đoạn dân số vàng và lợi thế là nước đi sau trong công nghiệp hóa, có thể học hỏi kinh nghiệm từ các nước đi trước. Tỷ trọng đóng góp của công nghiệp CBCT trong GDP còn thấp so với các nước công nghiệp (16,7% so với 20 - 30%), phụ thuộc lớn vào FDI…
Năng lực cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam được cải thiện chủ yếu nhờ các chỉ số liên quan đến xuất khẩu, chứ không phải nhờ các chỉ số liên quan đến nội lực (giá trị gia tăng) của ngành công nghiệp. Cho đến nay, ngành công nghiệp trong nước chưa có DN công nghiệp có quy mô toàn cầu, đóng vai trò dẫn dắt để hình thành chuỗi cung ứng trong nước…
Bộ Công Thương cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng là thiếu hành lang pháp lý và chế tài đủ mạnh, khiến cho khu vực công nghiệp, trong đó có công nghiệp CBCT, không phát huy hết tiềm năng, không huy động được tối đa nguồn lực phát triển, do đó không tạo được sự đột phá để góp phần hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Theo ông Hiếu, bất cập, hạn chế của ngành công nghiệp có nguyên nhân từ hai phía: thiết kế chính sách và thực thi chính sách. “Về thiết kế chính sách, dù đã có chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp khá đa dạng nhưng lại thiếu chiến lược tổng thể. Về thực thi, đâu đó công tác phối hợp, triển khai chính sách vẫn còn nhiều rào cản”, ông Hiếu nhìn nhận.
Cần xây dựng khung chính sách phát triển công nghiệp
Về hệ thống pháp lý liên quan đến phát triển công nghiệp, Bộ Công Thương nhấn mạnh, hiện thiếu một khuôn khổ, hành lang pháp lý cho việc quản lý và triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, định hướng phát triển ngành công nghiệp một cách đồng bộ. Các chiến lược, quy hoạch phát triển công nghiệp và các phân ngành cụ thể (điện tử, dệt may, da giày, ô tô…) đã được xây dựng và phê duyệt nhưng do không phải là văn bản quy phạm pháp luật, chỉ mang tính định hướng nên thiếu chế tài thực hiện.
Cảnh báo về hệ lụy của những hạn chế nêu trên, các chuyên gia kinh tế cũng như Bộ Công Thương nhấn mạnh, nếu những vấn đề còn tồn tại của ngành không được giải quyết, năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ không được cải thiện. Nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình càng trở nên hiện hữu, Việt Nam sẽ khó đạt được mục tiêu trở thành nước công nghiệp, nước phát triển đã đặt ra, ở vị trí bất lợi trước những thay đổi của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần xây dựng khung chính sách để ngành công nghiệp trong nước phát triển. Từ đó, DN trong nước có thể phát huy nội lực, đóng vai trò quan trọng trong phát triển, chuyển đổi công nghiệp quốc gia, đảm bảo tự cường dân tộc.
Trong nỗ lực này, Bộ Công Thương đã đề xuất xây dựng Luật Phát triển công nghiệp nhằm tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế bền vững. Về quan điểm xây dựng Luật, bộ này nhấn mạnh, do nguồn lực quốc gia có hạn, để tránh đầu tư phát triển dàn trải, thiếu hiệu quả, Luật sẽ chỉ tập trung điều chỉnh các hoạt động phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, có tác động lan tỏa, thúc đẩy tới các ngành công nghiệp và kinh tế khác. Cụ thể, Luật sẽ tập trung vào việc thúc đẩy phát triển công nghiệp CBCT trên cơ sở tạo cơ chế, môi trường hấp dẫn để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghiệp, nâng cao năng lực DN công nghiệp, phát triển liên kết công nghiệp và kinh tế vùng - địa phương, đồng thời xây dựng mô hình và cơ chế quản lý công nghiệp phù hợp trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Cần hành lang pháp lý phát triển công nghiệp tự chủ, bền vững
Ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco)
Để thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững nền kinh tế, Thaco kiến nghị Chính phủ sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung Luật Phát triển công nghiệp vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2023 nhằm thúc đẩy ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển. Qua đó, tạo hành lang pháp lý để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp, thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp tự chủ góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ông Vũ Mai Khanh, Phó Tổng giám đốc Dịch vụ Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro
Về nguyên tắc, Việt Nam nên có chính sách tạo điều kiện cho ngành công nghiệp trong nước phát triển, thúc đẩy sản xuất trong nước, gia tăng sức mạnh nội lực của nền kinh tế. Kinh nghiệm thế giới cũng vậy.
Kinh tế thế giới dự báo tiếp tục có nhiều diễn biến khó đoán định, trong đó, nhiều ngành công nghiệp mới có thể xuất hiện. Nếu Việt Nam không có chính sách phát triển, bảo vệ sản xuất công nghiệp trong nước thì có nguy cơ đánh mất cơ hội tại các ngành công nghiệp mới, chẳng hạn như điện gió ngoài khơi.
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam
Xu hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững trên thế giới ngày càng rõ nét. Nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành chính sách và thực hành quản lý nhằm hướng tới sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, giảm chất thải, loại bỏ các chất gây lo ngại, tăng cường sử dụng nguyên liệu có khả năng tái chế.
Nhận thức được trách nhiệm của mình đối với môi trường và xã hội, Tập đoàn Dệt may xây dựng chiến lược phát triển trong giai đoạn tiếp theo là hướng đến sản xuất bền vững, đảm bảo đáp ứng đúng lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn của các thị trường xuất khẩu chủ lực.
Tuy vậy, đầu tư sản xuất theo hướng xanh đòi hỏi suất đầu tư lớn, khi đưa vào vận hành thì chi phí cũng rất cao. Vì thế, cần có hành lang pháp lý cho những ngành công nghiệp theo hướng xanh.