Kiến tạo cơ hội bình đẳng cho mọi loại hình DN

(BĐT) - Với chủ đề “Cơ hội đột phá tăng trưởng kinh doanh”, Hội thảo Kinh tế Việt Nam thường niên - năm 2018 tổ chức ngày 20/3/2018 tại TP.HCM đã thảo luận nhiều vấn đề then chốt, nhất là việc xây dựng khu vực kinh tế tư nhân năng động, cạnh tranh, tạo động lực cho nền kinh tế, đạt tốc độ tăng trưởng cao và ổn định. 
Khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp 39 - 40% GDP. Ảnh: Lê Tiên
Khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp 39 - 40% GDP. Ảnh: Lê Tiên

Lạc quan về sự chuyển hướng

Theo ông Ngô Văn Tuấn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, năm 2017, nền tảng kinh tế vĩ mô dần được cải thiện là cơ sở để duy trì tốc độ tăng trưởng cho năm 2018. Những diễn biến tích cực của các chỉ số kinh tế như bội chi ngân sách, nợ công, cán cân thương mại, tỷ lệ lạm phát... cho thấy nền kinh tế đã có những cải thiện trong hiệu quả đầu tư và năng lực cạnh tranh.

Rõ ràng, những chính sách kinh tế đột phá và những nỗ lực cải cách hành chính của Chính phủ, các bộ, ngành trong thời gian qua là không thể phủ nhận. “Việt Nam đang hội tụ nhiều lợi thế và cơ hội cho một tương lai phát triển ổn định và thịnh vượng. Chính phủ luôn đặt trọng tâm vào các quyết sách nhằm kiến tạo những cơ hội bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp, đồng thời đặt ra nhiệm vụ của một Chính phủ “phục vụ”, luôn hành động vì lợi ích chung của người dân và cộng đồng”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu nhận định.

Khi được hỏi, nếu dùng một từ để nói về nền kinh tế Việt Nam trong năm 2018, có diễn giả đã chọn từ “hy vọng”; cũng có diễn giả chọn từ “niềm tin”, “động lực”, hoặc là “chuyển hướng”. TS Trần Du Lịch cho hay, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước vận hội mới để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, tránh hai nguy cơ: “bẫy thu nhập trung bình” và “dân số chưa giàu đã già”. Để tránh hai nguy cơ này, kinh tế Việt Nam phải đạt tốc độ tăng trưởng cao và ổn định trong ít nhất vài thập niên tới. Đây là sứ mệnh của cả dân tộc.

Cũng tại hội thảo lần này, với gợi ý 5 cặp từ trong phương châm hành động của Chính phủ năm 2018, anh/chị thấy cặp từ nào khó thực hiện nhất? Bằng phương pháp bấm số lựa chọn ngẫu nhiên, có đến 54%, tức chiếm tỷ lệ cao nhất, cho rằng cặp từ “liêm chính” là khó thực hiện nhất; kế đến là “hiệu quả” chiếm 17%, “sáng tạo” chiếm 15%, “kỷ cương” chiếm 8%, và “hành động” chiếm 6%. Nhiều ý kiến cho rằng, kết quả trên không có gì bất ngờ, vì thực tế tình trạng tham nhũng, sách nhiễu, nhận hối lộ trong bộ máy công quyền lâu nay vẫn chưa thể triệt tiêu được, nên sự “liêm chính” chưa thể thực hiện trong một sớm một chiều. 

Kinh tế tư nhân cần chính sách hỗ trợ thích hợp

Một vấn đề mà các chuyên gia kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp và lãnh đạo nhiều bộ, ngành tham gia Hội thảo có chung quan điểm là, phải tạo điều kiện thực sự để kinh tế tư nhân là động lực của sự phát triển. Và một môi trường pháp lý an toàn và minh bạch chính là chỗ dựa để doanh nghiệp tin vào tương lai. Nhà nước theo đuổi mục tiêu phát triển của quốc gia, chứ Nhà nước không theo đuổi mục tiêu kinh doanh kiếm lời.

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, Việt Nam hiện có gần 700.000 doanh nghiệp tư nhân, nhưng đa số có quy mô nhỏ, tới 70% có quy mô dưới 10 lao động và vốn đăng ký dưới 5 tỷ đồng. Số lượng doanh nghiệp lớn đang tăng lên, nhưng vẫn chưa thể hiện được vai trò dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo và tăng trưởng. Điều này cho thấy, tuy lượng thì nhiều, nhưng chất còn rất yếu. Có một khu vực tư nhân năng động và cạnh tranh là một bảo đảm vững chắc cho sự phát triển và thịnh vượng của Việt Nam. Thành công phụ thuộc vào công cuộc hiện thực hóa thể chế đúng đắn và các chính sách hỗ trợ thích hợp.

Sau hơn 30 năm đổi mới, vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân đã có những bước tiến quan trọng. TS. Hoàng Xuân Hòa, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp thuộc Ban Kinh tế Trung ương chia sẻ, từ chỗ bị kỳ thị, coi nhẹ, kinh tế tư nhân đã được thừa nhận "là một trong những động lực" và đến nay "là một động lực quan trọng" để phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trên thực tế, kinh tế tư nhân ngày càng phát triển; tỷ trọng trong GDP chiếm 39 - 40%; thu hút khoảng 85% tổng số lao động trong nền kinh tế. Đó là một tín hiệu đáng mừng.

Theo TS. Trần Du Lịch, doanh nghiệp Việt Nam cần một môi trường khả dĩ nuôi dưỡng sự sáng tạo; một thể chế kinh tế ở đó sự phân phối nguồn lực và các yếu tố sản xuất thông qua thị trường. Nhà nước ngày càng phát huy vai trò “bà đỡ” cho thị trường, bổ khuyết những khuyết tật của thị trường. Bước vào năm 2018, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước một xu hướng như vậy.