Licogi 14 hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản nhưng lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2023 chủ yếu đến từ lĩnh vực chứng khoán. Ảnh: Công Thành |
Mới đây, Licogi 14 liên danh cùng Công ty CP Tập đoàn Thuận An và Công ty TNHH Hiệp Phú được lựa chọn thực hiện Gói thầu số 26 - GĐ2 Thi công xây dựng đoạn tuyến từ Km0+00 - Km11+300 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai với giá trúng thầu 90,497 tỷ đồng, giảm 0,48% so với giá gói thầu. Đây là gói thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước đầu tiên Licogi 14 trúng thầu trong năm nay.
Dù hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản nhưng lợi nhuận của Licogi 14 trong 9 tháng đầu năm nay chủ yếu đến từ lĩnh vực chứng khoán. Trong 19,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế của Công ty thì đầu tư chứng khoán đóng góp 15 tỷ đồng. Tính riêng quý III/2023, hoạt động này mang về 9,4 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý III/2023, giá gốc đầu tư chứng khoán của Licogi 14 đạt 56,25 tỷ đồng, gấp 3,96 lần so với thời điểm đầu năm và gấp 1,74 lần so với cuối quý II/2023. Báo cáo tài chính quý III/2023 của Licogi 14 không thuyết minh chi tiết về các khoản đầu tư của Công ty, nhưng được biết tại thời điểm cuối quý II/2023, Licogi 14 đầu tư 32,3 tỷ đồng chủ yếu vào các cổ phiếu trong lĩnh vực bất động sản như NVL (14,13 tỷ đồng), DIG (8,34 tỷ đồng), PDR (7 tỷ đồng), ITA (2,519 tỷ đồng)... Các cổ phiếu này đều đạt mức đỉnh trong quý III/2023.
Trong khi ngành thép còn nhiều khó khăn, Công ty CP Tập đoàn Thép Tiến Lên cũng bước chân vào thị trường chứng khoán. Tính đến thời điểm 30/9, khoản mục chứng khoán kinh doanh của doanh nghiệp này có giá gốc hơn 88 tỷ đồng, giảm 17,3 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Đa phần các khoản đầu tư của Thép Tiến Lên đều tạm lỗ vào cuối quý III/2023 khiến doanh nghiệp này phải trích lập dự phòng giảm giá 13,5 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ 15% cho toàn bộ danh mục. Kết quả, Thép Tiến Lên ghi nhận 3.989 tỷ đồng doanh thu thuần 9 tháng 2023, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm đến 86,5%, còn 16,5 tỷ đồng.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh bất động sản, Công ty CP Đầu tư Phát triển nhà Đà Nẵng đang đầu tư lớn cho chứng khoán. Khoản mục chứng khoán kinh doanh của Công ty tại thời điểm 30/9 có giá gốc gần 469 tỷ đồng, tăng 101 tỷ đồng so với cuối quý II/2023 và chiếm hơn 1/3 tổng tài sản. Trong danh mục, Công ty đang đầu tư lớn vào cổ phiếu STB (gần 186,7 tỷ đồng), HPG (74 tỷ đồng) và nhiều cổ phiếu khác như DGC, GEG, MWG, QTP… Trong đó, khoản đầu tư cổ phiếu HPG đang tạm lãi 35,413 tỷ đồng (tương đương 50% giá gốc), đầu tư vào cổ phiếu STB tạm lãi 7,662 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn có một số cổ phiếu đang tạm lỗ với tổng giá trị dự phòng hơn 37,16 tỷ đồng.
Tính đến 30/9/2023, Công ty CP Cơ điện lạnh đầu tư 1.047 tỷ đồng vào thị trường chứng khoán, tăng 257,5 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, khoản đầu tư vào cổ phiếu VIB có giá trị lên tới 696,2 tỷ đồng. Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên vào cuối tháng 3/2023, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ điện lạnh Nguyễn Thị Mai Thanh từng chia sẻ, việc đầu tư chứng khoán là do trong 2 năm qua, đầu tư vào năng lượng bị tắc, bất động sản thì chỉ mua những dự án sạch, không gom đất rồi làm thủ tục.
Từng rót hơn 80 tỷ đồng đầu tư 2,4 triệu cổ phiếu HPG (tương đương 30.400 đồng/cổ phiếu), Công ty CP Hóa An (doanh nghiệp trong ngành đá xây dựng) đã bán toàn bộ số cổ phần này trong quý III/2023. Theo ước tính, Hóa An đã lỗ khoảng 24,3 tỷ đồng trong hoạt động đầu tư này.
Thị trường chứng khoán bùng nổ trong năm 2021 đã thu hút không ít doanh nghiệp "tay ngang" mang tiền nhàn rỗi đi đầu tư. Tuy nhiên, không ít trong số đó lỗ lớn từ hoạt động này khi thị trường suy yếu trong nửa cuối năm 2022. Ngay cả các công ty chứng khoán cũng từng có những quý lỗ lớn từ hoạt động tự doanh chứng khoán.