Kinh tế 2019: Dự cảm và kỳ vọng

(BĐT) - Năm 2018 ghi nhận sự thành công trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Đóng góp vào thành công đó là những chính sách hiệu quả của Chính phủ, và sự đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân. Năm 2019 dự báo sẽ mang lại nhiều cơ hội lớn song cũng đòi hỏi sự nỗ lực mạnh mẽ của doanh nghiệp (DN). 
Việc hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao trong năm 2018 sẽ tạo đà tốt cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2019. Ảnh: Ngọc Bội
Việc hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao trong năm 2018 sẽ tạo đà tốt cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2019. Ảnh: Ngọc Bội

Báo Đấu thầu trân trọng giới thiệu ý kiến của các DN và chuyên gia kinh tế về triển vọng kinh doanh và tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2019.

Kinh tế 2019: Dự cảm và kỳ vọng ảnh 1
Doanh nghiệp phải nỗ lực để nắm bắt cơ hội mới

Ông Mạc Quốc Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội

Quốc hội đã chính thức phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hiệp định này có hiệu lực với Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia từ ngày 30/12/2018 và có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019.

Như vậy, với việc hưởng lợi từ hàng rào thuế quan và hợp tác thương mại nội khối, cơ hội với các DN Việt Nam trong thời gian tới sẽ rất lớn, dù DN Việt Nam phải thay đổi nhiều để thích ứng với bối cảnh mới này. 

Mặt khác, CPTPP có thể dẫn đến một làn sóng đầu tư trong DN nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, có thể sẽ có nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) để hình thành những DN thật sự đủ sức cạnh tranh. Ngoài CPTPP, nhiều hiệp định tự do thương mại (FTA) khác có hiệu lực cũng mang lại nhiều cơ hội mới.

Từ góc độ kinh tế vĩ mô, các chỉ báo kinh tế tích cực và ổn định là yếu tố hỗ trợ tốt cho sức tăng trưởng bền vững của DN. Từ góc độ DN, có thể thấy, DN Việt Nam ngày càng có năng lực cạnh tranh tốt hơn và bắt đầu tham gia có hiệu quả trong các chuỗi sản xuất.

Dù vậy, cũng không thể phủ nhận là chúng ta vẫn còn nhiều trở ngại trong việc quản trị DN, nắm bắt thông tin và tiếp cận thị trường. Về mặt chính sách, dù đã được tạo thuận lợi nhiều mặt, song DN Việt Nam vẫn e ngại về sự thiếu ổn định và nhất quán của chính sách. Để khắc phục những điểm đó, cần sự nỗ lực của bản thân DN và sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ.

Kinh tế 2019: Dự cảm và kỳ vọng ảnh 2
Có khả năng tăng trưởng tín dụng được xây dựng ở mức 13 - 15%

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Vĩ mô thị trường thuộc Công ty CP Chứng khoán BIDV

Kể từ đầu năm 2019, Thông tư 19/2017/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có hiệu lực, qua đó sẽ siết chặt nguồn tín dụng cho bất động sản (BĐS). Cùng với đó là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2019... Đây là những yếu tố làm giảm tăng trưởng tín dụng trong năm 2019.

Ngay từ đầu năm, các nhà điều hành chính sách đã xây dựng kịch bản tăng trưởng tín dụng cả năm 2018 là 17%. Nhưng do lo ngại tác động của các sự kiện như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, FED tăng lãi suất… nên NHNN buộc các tổ chức tín dụng (TCTD) chỉ tăng trưởng tín dụng ở mức 13 - 15%. Tuy nhiên, khi kinh tế vĩ mô vẫn rất tốt thì bắt đầu từ tháng 11, NHNN đã nới tăng trưởng tín dụng lên 15 - 17%, thậm chí có TCTD được tăng trưởng 18% để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và tạo room cho năm sau. Qua đó cho thấy chính sách vĩ mô trong nước được điều hành rất thận trọng.

Bước vào năm 2019 với nhiều cảnh báo về sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, tôi nghĩ, chính sách điều hành kinh tế vĩ mô thận trọng sẽ tiếp tục được sử dụng và tăng trưởng tín dụng được xây dựng ở mức 13 - 15%, sau đó tùy sức khỏe của nền kinh tế thì có thể điều chỉnh.

Kinh tế 2019: Dự cảm và kỳ vọng ảnh 3
Triển vọng kinh tế năm 2019 sẽ khả quan hơn nhiều

Ông Nguyễn Duy Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý nhà Toàn Cầu (Global Home)

Năm 2018, Chính phủ đã rất quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính, có nhiều buổi tọa đàm, lắng nghe ý kiến đóng góp của giới doanh nhân, trí thức cho sự phát triển của đất nước. Đó là dấu hiệu tích cực của một chính phủ biết lắng nghe, biết hướng đến những điều tốt đẹp nhất cho người dân, cho DN.

Dựa trên những nền tảng ấy, thông qua các hoạt động tích cực về đầu tư của Chính phủ đối với các dự án lớn như xây dựng sân bay Long Thành, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, mở rộng các khu đô thị, cùng một loạt hoạt động quy hoạch về giao thông, cũng như sự quyết liệt của Trung ương trong việc tạo thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh và đời sống xã hội, tôi cho rằng triển vọng kinh tế của Việt Nam năm 2019 sẽ khả quan hơn, tốt hơn so với năm 2018 rất nhiều.

Những tín hiệu tích cực đối với tình hình kinh tế vĩ mô của đất nước trong năm 2019 đang củng cố niềm tin đối với DN. DN rất lạc quan, tin tưởng vào các chính sách của Chính phủ. Chưa bao giờ cụm từ công nghiệp 4.0, quốc gia khởi nghiệp lại xuất hiện nhiều như giai đoạn hiện nay. Các thắc mắc của DN đều được Chính phủ giải quyết một cách thấu đáo. Các thành viên của Chính phủ cũng đã tích cực trong việc tương tác ở các diễn đàn, tạo ra những dự cảm tốt lành trong năm 2019.

Trong năm 2019, DN đang đặt ra rất nhiều hy vọng mới. Riêng với Global Home, sẽ theo xu hướng hiện đại, sử dụng công nghệ để chăm sóc cư dân, tiến tới việc tương tác, trao đổi, giải quyết các khiếu nại, thắc mắc của cư dân một cách nhanh chóng thông qua các giải pháp app, mobile cầm tay. Chúng tôi sẽ cho phát hành một cuốn sách chuyên về quản lý tòa nhà. Tài liệu này ở Việt Nam hiện nay dường như chưa có đơn vị nào làm.

Kinh tế 2019: Dự cảm và kỳ vọng ảnh 4
Chú trọng chiến lược gia tăng bền vững giá trị bất động sản

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Nhìn chung, thị trường bất động sản (BĐS) cả nước và TP.HCM năm 2018 vẫn giữ được sự phát triển ổn định, không bị "bong bóng" và vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi, tăng trưởng, nhưng đã có dấu hiệu sụt giảm cả về nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm nhà ở và số lượng giao dịch.

Trong năm 2019, dự báo thị trường BĐS sẽ đứng trước nhiều thách thức cũng như cơ hội, trước hết là thiếu hụt nguồn cung quỹ đất, thiếu hụt nguồn cung dự án phân khúc nhà ở trung cấp, phân khúc nhà ở bình dân và thiếu hụt nguồn cung căn hộ vừa túi tiền có giá bán trên dưới 1 tỷ đồng/căn.

Phân khúc nhà ở bình dân và  nhà ở trung cấp vẫn sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, phát triển bền vững và có tính thanh khoản cao nhất. Phân khúc nhà ở cao cấp đang có dấu hiệu thừa cung, phải đối diện với nhiều thách thức trong năm 2019.

Phân khúc nhà ở xã hội sẽ có nguồn vốn và quỹ đất để phát triển mạnh hơn trong năm 2019. TP.HCM sẽ đấu thầu 09 dự án nhà ở xã hội với diện tích khoảng 6 ha để lựa chọn nhà đầu tư.

Trong lúc nguồn cung quỹ đất dự án thông qua việc chủ đầu tư bồi thường giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, thị trường đang kỳ vọng vào nguồn cung thông qua kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng 26.000 ha đất nông nghiệp, trong đó có khoảng 2.200 ha đất ở; kế hoạch đấu thầu 127 dự án hạ tầng, đô thị của Thành phố, và kế hoạch của Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu…

Kinh tế 2019: Dự cảm và kỳ vọng ảnh 5
Cần những chính sách cụ thể cho khởi nghiệp sáng tạo

Ông Lê Hoàng Nhật, CEO Công ty cổ phần Trí tuệ nhân tạo Ami

Với cộng đồng DN khởi nghiệp sáng tạo (startup), điểm quan ngại đầu tiên là hệ thống pháp lý của Việt Nam vẫn còn khá chậm so với những tiến bộ công nghệ mà thế giới đang phát triển.

Chính phủ nên tiếp tục đưa ra chính sách cụ thể để hướng các startup Việt tập trung vào ứng dụng những công nghệ mới như AI, IoT, Blockchain… Đồng thời, cần có những thay đổi trong chính sách mua sắm công cho phép các startup tham gia. Cũng cần chính sách tạo điều kiện cho các startup huy động vốn dễ hơn.

Kinh tế 2019: Dự cảm và kỳ vọng ảnh 6
Nếu không có chính sách tốt thì doanh nghiệp sẽ dè chừng

Ông Trần Đức Vinh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Trần Anh Group

Thông điệp về Chính phủ kiến tạo mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra trong thời gian qua đã thực sự mang lại tín hiệu tích cực khi Chính phủ đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho DN. Đó chính là tác nhân quý giá để DN phát triển, bởi nếu không kiến tạo và hỗ trợ cho DN thì DN sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Những chính sách còn bất cập về kinh tế nói chung và bất động sản (BĐS) nói riêng hy vọng sẽ được tháo gỡ kịp thời. Nếu không có chính sách tốt thì không chỉ DN BĐS mà DN ở các lĩnh vực khác cũng dè chừng.

Đối với thị trường BĐS, theo tôi, trong năm 2019 phân khúc giá trung bình sẽ vượt trội. Thực tế, những năm 2017 - 2018 phân khúc BĐS cao cấp đã phát triển rất mạnh dẫn đến dôi dư, nên đến nay ngay cả những ông lớn như Vingroup đã quay sang phát triển nhà ở phân khúc trung bình.

Đặc biệt, riêng thị trường BĐS ở Long An, nhất là những vùng giáp ranh với khu vực phía Tây của TP.HCM, trong năm 2019 hứa hẹn sẽ cực kỳ sôi động. Bởi lẽ, ở khu vực phía Nam của TP.HCM và các khu vực giáp ranh Thành phố đã và đang bị ảnh hưởng bởi triều cường và biến đổi khí hậu, còn khu vực phía Tây thì không, vì địa hình cao ráo nên sự dịch chuyển này cũng là đương nhiên.

Thị trường BĐS ở Long An rất mới và tiềm năng, nhất là khu vực giáp với phía Tây của TP.HCM.  Vì vậy, từ năm 2019, tôi nghĩ sẽ có rất nhiều nhà đầu tư đổ về để đầu tư BĐS. Trần Anh sẽ phát triển nhà giá rẻ cho người thu nhập trung bình.

Kinh tế 2019: Dự cảm và kỳ vọng ảnh 7
Phát huy tốt vai trò trụ cột của kinh tế tư nhân

Ông Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế 

Năm 2018 là năm thứ 2 liên tiếp kinh tế Việt Nam hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, trong đó có nhiều chỉ tiêu rất ấn tượng. Có những chỉ tiêu còn đạt nhiệm vụ tới năm 2020. Đây là kết quả của nỗ lực chung, tạo đà tốt cho kinh tế trong năm 2019.

Trên cơ sở đó, năm 2019, kinh tế Việt Nam có nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng. Tuy nhiên, kinh tế thế giới năm 2019 có thể sẽ tăng trưởng chậm lại so với 2018 và tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể sẽ chậm hơn năm 2018, do Việt Nam có độ mở kinh tế cao.

Hơn nữa, năm 2019 cũng có nhiều thách thức mới, đặc biệt là áp lực về lạm phát, tăng lãi suất, áp lực từ giá do việc tăng giá nguyên liệu đầu vào của sản xuất, dòng chảy FDI thế giới có sự chuyển hướng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục tăng lãi suất...

Trước những thách thức đó, kinh tế Việt Nam trong năm 2019 mà duy trì được mức tăng trưởng của năm 2018 đã là tốt. Trong trường hợp chúng ta phát huy được tốt vai trò trụ cột của kinh tế tư nhân thì có thể kỳ vọng sự tăng trưởng tích cực hơn.