"Kinh tế dần phục hồi, đã đến lúc tính đến tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2023"

0:00 / 0:00
0:00
Theo nhiều chuyên gia về lao động, sau 2 năm không điều chỉnh tiền lương tối thiểu do ảnh hưởng của dịch bệnh, cộng thêm giá cả leo thang khiến cuộc sống của nhiều lao động gặp khó khăn. Thời điểm này, khi kinh tế đã dần phục hồi, cần tính toán đến mức tăng lương tối thiểu cho năm 2023.
"Kinh tế dần phục hồi, đã đến lúc tính đến tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2023"

Bộ LĐ-TB-XH cho biết, từ ngày 1/4 sẽ tiến hành khảo sát khoảng 2.000 doanh nghiệp để thu thập thông tin về tình hình lao động, tiền lương làm cơ sở cho việc đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2023 sau 2 năm 2020, 2021 không điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng để đảm bảo cho doanh nghiệp đủ sức phục hồi sản xuất do tác động của dịch Covid-19.

Nói về vấn đề tiền lương tối thiểu vùng, ông Nguyễn Đức Sinh, Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ cho rằng, 2 năm qua việc không tăng lương tối thiểu vùng đã tác động trực tiếp đến đời sống của người lao động. Trong bối cảnh vật giá leo thang, cuộc sống của phần lớn người lao động đều trông chờ vào tiền lương. Do đó, việc tăng lương ở thời điểm này là hết sức cần thiết: “Giá xăng dầu tăng kéo theo hàng loạt các mặt hàng khác cũng tăng giá, thu nhập của người lao động lại không tăng nên cuộc sống rất khó khăn. Việc tăng lương tối thiểu là rất cần thiết dể bù đắp những khó khăn cho người lao động".

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội, Bộ LĐ-TB-XH cũng cho rằng, mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế và khả năng chi trả của doanh nghiệp. Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện nay nhà nước đang ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp để tạo việc làm bền vững cho người lao động, sau khi kinh tế phục hồi sẽ tiếp tục nói đến vấn đề tăng lương tối thiểu vùng. Như vậy năm nay Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã có thể bàn bạc về mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng cho năm 2023.

Còn theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách- Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia, từ năm 2016-2020, mức điều chỉnh tiền lương bình quân hàng năm là 7,4%. Trong thời gian khá dài, 2 năm qua lương tối thiểu không được điều chỉnh tăng do đó không còn đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Mức lương tối thiểu hiện nay không còn là sàn để bảo vệ người lao động yếu thế, để thương lượng, thỏa thuận tiền lương trên thực tế của người lao động và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, lâu nay các doanh nghiệp thường căn cứ vào mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu hàng năm của Chính phủ để chiều chỉnh mức lương thực tế tại doanh nghiệp. Thời gian qua Chính phủ không điều chỉnh lương tối thiểu vùng nên nhiều doanh nghiệp dựa vào đó để không điều chỉnh tiền lương.Trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, giá tiêu dùng tăng cao, tiền lương thực tế của người lao động giảm, doanh nghiệp lại không điều chỉnh tiền lương dẫn đến nhiều vụ ngừng việc tập thể, đình công tự phát xảy ra dầu năm 2022. Như vậy việc chậm tăng lương tối thiểu vùng cũng phần nào gây ra hệ lụy không tốt cho quan hệ lao động.

Phó trưởng Ban Chính sách- Pháp luật cũng nhận định hiện nay 7 căn cứ yếu tố để điều chỉnh mức lương tối thiểu đã có nhiều thay đổi mạnh như chỉ số giá tiêu dùng (CPI), mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ, tốc độ tăng trưởng kinh tế, quan hệ cung cầu lao động… Cách tính tỷ lệ lương thực, thực phẩm và phi lương thực thực phẩm trong việc xác định mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ hiện nay được xác định là rất lạc hậu. Bởi khi điều kiện kinh tế xã hội đã phát triển, đời sống người lao động đã có những cải thiện lớn thì nhu cầu lương thực, thực phẩm giảm nhiều so với trước đây, do đó cần xem xét lại tỷ lệ này để tính toán hợp lý về mức lương tối thiểu vùng.

Ông Lê Đình Quảng cho biết, thông thường hàng năm lương tối thiểu vùng sẽ được điều chỉnh vào đầu năm, tuy nhiên trong bối cảnh người lao động gặp nhiều khó khăn, dịch bệnh đã có những diễn biến tích cực, do đó có thể điều chỉnh sớm hơn để áp dụng cho 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023.

Trước đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong năm 2020, 2021 Chính phủ không điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng. Như vậy, hiện nay mức lương tối thiểu vùng vẫn đang được áp dụng theo mức cũ như sau:

Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I: lương tối thiểu vùng là 4.420.000 đồng/tháng

Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II: Lương tối thiểu vùng là 3.920.000 đồng/tháng.

Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III: Lương tối thiểu vùng là 3.430.000 đồng/tháng

Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV: Lương tối thiểu vùng là 3.070.000 đồng/tháng.

Tin cùng chuyên mục