Kinh tế nhiều điểm sáng, kỳ vọng tăng trưởng khả quan

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kinh tế Việt Nam sắp bước qua quý I với nhiều điểm sáng. Theo nhiều chuyên gia, phía trước còn nhiều khó khăn, thậm chí bão táp, song vẫn có cơ sở để tin vào kịch bản tích cực trong phát triển kinh tế năm 2024, cùng với đó là những cơ hội đang mở ra cho khu vực doanh nghiệp.
Xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2024 tăng 19% so với cùng kỳ 2023. Ảnh: Tuấn Anh
Xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2024 tăng 19% so với cùng kỳ 2023. Ảnh: Tuấn Anh

Kinh tế 2024 - 2025 dự báo tăng trưởng tốt hơn

Tại Hội thảo Nhận diện điểm sáng kinh doanh và đầu tư năm 2024 diễn ra ngày 26/3/2024, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia dự báo, nhìn từ các động lực tăng trưởng, kinh tế Việt Nam năm 2024 - 2025 sẽ tốt hơn khi lạm phát tăng trong mục tiêu, lãi suất giảm nhẹ và tỷ giá ổn định hơn. Các động lực tăng trưởng truyền thống đang phục hồi. Giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh từ đầu năm. Xuất khẩu tăng trở lại (2 tháng đầu năm tăng 19% so với cùng kỳ 2023), các thị trường lớn, đối tác lớn đều tăng, nhất là xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng 33,7% (so với nền thấp của năm trước). Quy hoạch các vùng, địa phương được ban hành, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh. Đối với các doanh nghiệp (DN), sức khỏe tài chính đã qua giai đoạn khó khăn nhất, nhiều DN tiếp cận vốn được duy trì và khả năng huy động vốn cũng như nguồn lực đầu tư - kinh doanh dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, các vướng mắc về pháp lý dần được tháo gỡ, thể chế được quan tâm hoàn thiện. Niềm tin đã phục hồi, dù còn chậm.

Ông Cấn Văn Lực dự báo tăng trưởng GDP quý I ở mức 5,4%, cả năm 2024 sẽ đạt mức 6 - 6,5%, CPI tăng 3,5 - 4%.

Ông Lã Giang Trung, CEO Passion Investment nhận định, nhìn vào bức tranh 2 tháng đầu năm 2024, kinh tế Việt Nam có một số điểm sáng tích cực. Điển hình như vốn FDI chảy vào Việt Nam tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt, vốn FDI thực hiện cao nhất cùng kỳ 5 năm qua. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) 2 tháng liên tiếp tăng trên 50% trong khi giảm liên tục về dưới 50% vào cuối năm 2023. Con số này thể hiện ngành sản xuất bắt đầu cải thiện rõ rệt.

Dự báo của các tổ chức quốc tế như Bloomberg, Fitch Ratings, Standard & Chartered đều đánh giá tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay từ 6 - 6,7%, tương đồng với chỉ tiêu Quốc hội đặt ra từ 6 - 6,5%.

Khảo sát của Vietnam Report cuối năm 2023 cho thấy, 63,6% số DN được khảo sát bày tỏ lạc quan hơn về tình hình kinh tế năm 2024. Khảo sát của EuroCham quý IV/2023 cho kết quả tương tự, cho thấy niềm tin đầu tư, kinh doanh và tiêu dùng năm 2024 tăng lên.

Tạo nền tảng để bắt kịp các xu thế mới

Bên cạnh những điểm sáng, ông Cấn Văn Lực chia sẻ, một trong những vấn đề cần lưu ý là đầu tư tư nhân và tiêu dùng phục hồi còn chậm. Hoạt động của khối DN vẫn còn nhiều khó khăn liên quan đến pháp lý, sức khỏe tài chính, chi phí đầu vào còn cao... Vì thế, thời gian tới, một trong những giải pháp quan trọng là kích cầu để tăng đầu tư tư nhân, tương xứng với vai trò của khu vực này. Về phía Chính phủ, trong năm nay cần quyết liệt hơn nữa cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ vướng mắc pháp lý, nhất là về đất đai, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, tổng kết dần Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa 2017 (7 năm qua có chính sách chưa làm được là giảm thuế suất thuế thu nhập DN đối với DN nhỏ và vừa), đẩy mạnh thị trường vốn hỗ trợ DN, quyết liệt khôi phục thị trường bất động sản.

Cần khai thác, thúc đẩy các động lực mới, xu hướng mới cho tăng trưởng. Ảnh: Tuấn Anh

Cần khai thác, thúc đẩy các động lực mới, xu hướng mới cho tăng trưởng. Ảnh: Tuấn Anh

Bên cạnh đó, ông Lực nhấn mạnh, cần khai thác được các động lực tăng trưởng mới, xu hướng mới, đó là chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ; năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp; đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế; tăng trưởng xanh; nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển công nghiệp hỗ trợ; đẩy mạnh liên kết vùng, thúc đẩy vai trò của các đầu tàu kinh tế; tận dụng cơ hội từ hội nhập và ngoại giao kinh tế. “Lượng hóa các động lực tăng trưởng mới nếu làm tốt thì tăng trưởng GDP có thể cao hơn từ 1,1 - 1,3 điểm %/năm”, ông Lực nói.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh thì cho rằng, rất thách thức để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt của sự chuyển đổi, nếu nỗ lực hoàn thiện chính sách và cải cách thì những điểm sáng kinh tế sẽ được thúc đẩy. Chúng ta có nhiều nền tảng tốt như nhiều luật mới tháo gỡ khó khăn cho đầu tư kinh doanh được ban hành, cơ chế đặc thù cho một số địa phương đầu tàu đã và đang được xây dựng, cơ hội chưa từng có đón nhận dòng vốn đầu tư chất lượng về công nghệ…

TS. Võ Trí Thành cho rằng, mức độ cải thiện tăng trưởng năm 2024 còn tùy thuộc diễn biến từ bên ngoài, song điều tiên quyết là nỗ lực chính sách và cải cách của Việt Nam. “Các nhóm chính sách giải pháp năm 2023 có thể có điều chỉnh, song về cơ bản cần được tiếp tục thực hiện trong năm 2024. Với quyết tâm lớn, hy vọng Việt Nam tạo dựng được những nền tảng cơ bản tốt hơn, chất lượng hơn, cả về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực, để bứt phá phát triển trong giai đoạn tới”, ông nói.

Doanh nghiệp làm gì để tận dụng thời cơ?

Để vượt qua khó khăn, nắm bắt được cơ hội trong thách thức, TS. Võ Trí Thành chia sẻ, với DN, về tâm thế cần thấy hết khó khăn, nhìn thấu cơ hội, suy nghĩ tích cực. Về hành động, cần phòng thủ chắc chắn, tận dụng cơ hội vượt khó, bắt nhịp xu thế.

TS. Cấn Văn Lực thì gợi mở, DN cần cơ cấu lại hoạt động, kiểm soát rủi ro dòng tiền, lãi suất, tỷ giá, nợ đáo hạn. Chủ động tìm hiểu các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; tiếp cận các chương trình, gói hỗ trợ, nhất là các gói hỗ trợ tài khóa, thuế, phí, tín dụng, cơ cấu lại nợ. Đa dạng hóa nguồn vốn, thị trường, đối tác, nguồn cung; đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng và kinh doanh tuần hoàn; tận dụng cơ hội từ việc nâng cấp quan hệ Việt Nam với Mỹ, Nhật Bản, Australia... “Doanh nghiệp cần có cái nhìn dài hạn. Chuyển đổi số là tất yếu, trong đó có 2 vấn đề rất quan trọng là AI và an ninh mạng; xanh hóa và ESG, kinh doanh có trách nhiệm với xã hội”, ông Lực khuyên.

Từ góc độ đơn vị tư vấn, bà Đào Thị Thiên Hương - Phó Tổng giám đốc EY-Parthenon - Tư vấn chiến lược, Công ty CP Tư vấn EY Việt Nam nhận định, nền kinh tế số Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với trọng tâm là sự phát triển của thương mại điện tử, dẫn đến nhu cầu cao của các hoạt động logistics. “Thị trường Việt Nam thời gian tới sẽ mở ra cơ hội cho DN, nhà đầu tư nào có thể tập trung kiến tạo giải pháp, thay vì cung cấp sản phẩm, dịch vụ mang tính chất đơn lẻ, thông thường”, bà Hương nhận định.

Tin cùng chuyên mục