Kinh tế nhiều “điểm sáng”, nhắm mức tăng trưởng 7%

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều địa phương chịu tác động nặng nề của bão Yagi, nhưng đã nhanh chóng phục hồi, bức tranh kinh tế cả nước 9 tháng đầu năm 2024 có nhiều nét tươi sáng với GDP tăng trưởng 6,82%. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh quyết tâm phấn đấu đạt tăng trưởng năm 2024 trên 7%, tạo đà cho nền kinh tế năm 2025. Để đạt mục tiêu cao đòi hỏi phải thúc đẩy mạnh mẽ các dư địa, động lực tăng trưởng trong giai đoạn tới.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị phấn đấu tăng trưởng GDP quý IV khoảng 7,6 - 8%, giúp tăng trưởng cả năm đạt và vượt 7%. Ảnh: Lê Tiên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị phấn đấu tăng trưởng GDP quý IV khoảng 7,6 - 8%, giúp tăng trưởng cả năm đạt và vượt 7%. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều địa phương đạt và vượt chỉ tiêu tăng trưởng

9 tháng đầu năm 2024, Bắc Giang là địa phương dẫn đầu về tăng trưởng GRDP cả nước, với mức tăng ước đạt 13,89%. Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Nguyễn Văn Gấu cho biết, kinh tế - xã hội (KT-XH) Bắc Giang tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 28,5%; tổng giá trị xuất nhập khẩu 9 tháng đạt 39,8 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023; thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trên 1 tỷ USD; thu ngân sách nhà nước (NSNN) tăng trên 30% so với cùng kỳ… Dù còn nhiều khó khăn, nhưng Bắc Giang đặt mục tiêu hoàn thành cao nhất kế hoạch năm.

Thanh Hóa cũng đạt được nhiều kết quả tích cực trong 9 tháng đầu năm 2024. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn thông tin, GRDP của Tỉnh đạt 12,46%, đứng thứ 2 cả nước. Tổng thu NSNN đạt trên 43.000 tỷ đồng, vượt 20% dự toán cả năm và tăng 44,7% so với cùng kỳ, Thanh Hóa đang phấn đấu hết năm 2024 sẽ thu trên 50.000 tỷ đồng. Thu hút FDI gấp 1,8 lần về số dự án và tăng 26% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đạt 66,6% kế hoạch Thủ tướng giao. Tỷ lệ thành lập doanh nghiệp mới tăng 22,6% và điều đáng mừng là tại Thanh Hóa, số doanh nghiệp tham gia thị trường gấp 2 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Một số địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3 vẫn giữ được đà tăng trưởng cao như Hải Phòng (9,77%), Quảng Ninh (8,02%), Phú Thọ (9,56%), Lào Cai (7,71%), Cao Bằng (7%), Yên Bái (7,15%)…

Trong bức tranh chung cả nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, tăng trưởng GDP quý III ước đạt 7,4% so với cùng kỳ, cao hơn 0,7% so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (6,7%), tương đương với kịch bản tăng trưởng cả năm 7% như đã báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6. Tăng trưởng GDP đạt 6,82% trong 9 tháng đầu năm nay.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định, tình hình KT-XH đã phục hồi nhanh sau thiên tai, bão lũ, ghi nhận nhiều kết quả quan trọng, được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá cao. Nền kinh tế đã lấy lại được đà tăng trưởng như giai đoạn trước dịch Covid-19, với nhiều điểm sáng, nhất là trong sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và thu hút FDI.

Thúc đẩy các động lực, phấn đấu đạt kết quả cao nhất

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, những khó khăn, thách thức chung của thế giới, khu vực tiếp tục tác động không nhỏ đến tình hình KT-XH nước ta. Việc thúc đẩy các động lực tăng trưởng gặp nhiều thách thức, cả về phía cung và phía cầu. Theo Bộ trưởng, về phía cung, cần đẩy mạnh, tiếp tục triển khai hiệu quả, kịp thời các giải pháp hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp sớm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, hạn chế tác động tiêu cực đến tăng trưởng quý IV và đầu năm 2025. Về phía cầu, tốc độ phục hồi đầu tư còn chậm, nguồn lực đầu tư của khu vực nhà nước chưa được thúc đẩy, kích hoạt một cách hiệu quả. Xuất khẩu dự báo có thể khó khăn hơn trong thời gian tới, nhất là từ đầu năm 2025. Do đó, thị trường trong nước sẽ là động lực ngày càng quan trọng, cần quan tâm hơn, thúc đẩy và khai thác hiệu quả hơn nữa để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tăng cường khả năng chống chịu với các thách thức từ bên ngoài.

Nguồn: Tổng cục Thống kê
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Trên cơ sở kết quả quý III, 9 tháng đầu năm 2024, Bộ KH&ĐT kiến nghị phấn đấu tăng trưởng GDP quý IV khoảng 7,6 - 8%, giúp tăng trưởng cả năm đạt và vượt 7%. Kịch bản cập nhật của Bộ KH&ĐT dựa trên 6 yếu tố: xu hướng tăng trưởng tích cực từ các khu vực kinh tế; sản xuất nông nghiệp và du lịch tại miền Bắc sớm khắc phục hậu quả bão số 3, phục hồi nhanh hơn; đầu tư của khu vực nhà nước được thúc đẩy mạnh mẽ hơn; các điểm sáng về thu hút FDI và xuất khẩu giữ vững tốc độ tăng tích cực; thúc đẩy và khai thác hiệu quả hơn thị trường nội địa; đạt và vượt mục tiêu thu hút khách du lịch quốc tế; ban hành và triển khai hiệu quả các chính sách, quy định pháp luật mới; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; nỗ lực, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là 2 thành phố lớn Hà Nội và TP. HCM.

Nhiều địa phương tại phiên họp Chính phủ tháng 9 cũng khẳng định quyết tâm tăng trưởng GRDP năm 2024 ở mức cao nhất. Lãnh đạo 2 địa phương đầu tàu là Hà Nội và TP. HCM cho biết, sẽ quyết liệt đẩy mạnh tăng trưởng trong 3 tháng cuối năm. Giải pháp trọng tâm là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư trên địa bàn. Hà Nội và TP. HCM khi phát huy hơn nữa vai trò đầu tàu, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn trong quý IV sẽ góp phần quan trọng giúp tăng trưởng cả nước vượt 7%.

Một số chuyên gia cho rằng, trong số các động lực tăng trưởng, động lực mà Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có thể chủ động là giải ngân đầu tư công. Khối lượng vốn giải ngân trong thời gian còn lại của kế hoạch đầu tư công còn rất lớn, khi ước thanh toán đến 30/9/2024 mới đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Động lực có thể chủ động khác là tháo gỡ nhanh nhất về thể chế, vướng mắc của dự án đầu tư, giải phóng ngay nguồn lực lớn thúc đẩy tăng trưởng. Từ kinh nghiệm của địa phương có GRDP cao thứ 2 cả nước trong 9 tháng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn chia sẻ, một trong những giải pháp Tỉnh sẽ tiếp tục tập trung là tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, thể chế với tinh thần "vướng ở đâu gỡ ở đó, vướng cái gì gỡ cái đó" đúng pháp luật nhưng phù hợp với thực tiễn, nhanh, hiệu quả, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp sức cho tăng trưởng.

Bộ KH&ĐT cho biết, tháng 9/2024, có khoảng 17,7 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tính chung 09 tháng có khoảng 183 nghìn doanh nghiệp, cao hơn số rút lui khỏi thị trường (163,8 nghìn doanh nghiệp). Khoảng 82,6% doanh nghiệp trong ngành chế biến, chế tạo đánh giá tình hình kinh doanh trong quý IV sẽ ổn định hoặc tốt lên so với quý III, cho thấy niềm tin của doanh nghiệp vào sự phục hồi tích cực của nền kinh tế trong năm 2024.