Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV: Xem xét, thông qua 13 dự án luật

(BĐT) - Hôm nay (21/10), Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV chính thức khai mạc. Theo chương trình dự kiến, Kỳ họp sẽ kéo dài đến 27/11/2019.
Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8. Ảnh: Lê Tiên
Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8. Ảnh: Lê Tiên

Tại Kỳ họp, Quốc hội tập trung phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật. Cụ thể, Quốc hội sẽ dành 17 ngày để tiến hành xem xét, thông qua 13 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 9 dự án luật.

Trong số 13 dự án luật được xem xét thông qua có Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội (theo quy trình tại một kỳ họp); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam…

Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp gồm: Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác, trong đó có 3 ngày dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Tin cùng chuyên mục