Kỳ thú đảo Phú Quý

(BĐT) - Xuất phát từ bến cảng thành phố Phan Thiết (Bình Thuận), phải mất hơn 6 tiếng đồng hồ lênh đênh giữa biển khơi thì con tàu mới đưa chúng tôi tiến gần huyện đảo Phú Quý.
Một góc đảo Phú Quý nhìn từ trên cao
Một góc đảo Phú Quý nhìn từ trên cao

Trước đây cũng có tàu trung tốc đi ra đảo, rút ngắn thời gian chỉ mất khoảng 3 tiếng để tạo đà phát triển du lịch, nhưng vì lý do an toàn nên ngưng hoạt động.

Cứ dăm ba ngày mới có một chuyến tàu khởi hành ra đảo (cách TP. Phan Thiết khoảng 120 km, tức 60 hải lý về hướng Đông Nam). Chẳng may đến mùa biển động, có khi tàu từ đất liền ra đảo khó khăn, khiến cho 2,7 vạn cư dân trên đảo Phú Quý mấy phen căng thẳng vì thiếu nhu yếu phẩm.

Hòn đảo có diện tích 17,8 km2 này chất chứa nhiều phong cảnh kỳ thú đang mở ra trước mắt. Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đặt chân đến huyện đảo chính là 3 trụ tháp turbine gió, cứ ngỡ như mình đang ngao du ở xứ sở Hà Lan với những cối xay gió.

Ba cây “quạt gió” khổng lồ của Nhà máy Phong điện Phú Quý, với chiều cao 60m, và chiều dài của cánh quạt là 37 m, đã tô điểm thêm nét hiện đại, lãng mạn, tươi đẹp cho hòn đảo vốn được mệnh danh là “đảo ngọc”.

Tàu chở khách và nhu yếu phẩm cập cảng đảo Phú Quý

Có bước chân đến đây mới thấy cuộc sống nhộn nhịp không khác gì đất liền. Tàu thuyền đánh bắt hải sản tấp nập nơi bến cảng. Nhìn hệ thống truyền tải điện trải dài quanh đảo, những con đường trải nhựa phẳng phiu, san sát nhà cửa khang trang, trường học mới toanh… cũng đủ thấy đời sống trên đảo đã có nhiều phát triển.

Ông Phạm Cương, nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Năng lượng tái tạo điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power RE, chủ đầu tư công trình điện gió Phú Quý với tổng mức vốn hơn 300 tỷ đồng, đưa vào sử dụng cách đây hơn 2 năm) tâm sự với chúng tôi: Nguồn điện gió giúp tăng chất lượng đời sống cư dân trên đảo khi được sử dụng điện 24/24h mỗi ngày. Hết cảnh thiếu điện, các nhà máy, cơ sở sản xuất có nhiều cơ hội phát triển và kinh tế huyện đảo càng mạnh hơn, có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược an ninh quốc phòng cho hòn đảo tiền tiêu.

Hãng tin CNN từng bình luận đảo Phú Quý là 1 trong 9 nơi nghỉ dưỡng đẹp nhất của Biển Đông nhờ vào vẻ hoang sơ, chưa được khám phá, vẻ mơ màng ẩn giấu của những ngôi làng nằm xen với những bãi biển.

Còn trong giới phượt thủ, họ thường nhắc đến những lý do nên xách ba lô ra đảo Phú Quý một lần trong đời. Đó là được tận mắt tham quan 3 trụ turbine gió khổng lồ, chiêm ngưỡng bộ xương cá nhà táng lớn nhất Việt Nam. Đặc biệt là được ngắm phong cảnh từ ngọn hải đăng thuộc loại lớn nhất Việt Nam nằm trên đỉnh của ngọn núi Cấm -  điểm cao nhất trên đảo.

Các địa điểm tâm linh trên đảo cũng là những điểm đến thú vị như chùa cổ 250 tuổi Linh Quang (di tích lịch sử cấp quốc gia), đền thờ Bà Chúa Ngọc, đình làng Triều Dương cùng một số chùa và đền nổi tiếng được nhân dân sùng bái và thờ kính như chùa Linh Sơn, núi Cao Các, mộ Thầy Nại, miếu Bà Chúa Bàng Tranh...

Đã ra đảo thì mọi người còn có cơ hội thưởng thức đặc sản cua Huỳnh Đế và thả mình trên các bãi biển cát trắng mịn còn vắng bóng người. Hoặc là khám phá quanh đảo bằng xe máy, được tiếp xúc với những người dân hiền lành, thân thiện.

Theo giới nghiên cứu, tuy là một hòn đảo nằm biệt lập giữa biển khơi nhưng dấu tích phát hiện được cho thấy đảo đã được khai phá tạo nên cuộc sống ở đảo từ rất sớm. Trải qua những biến thiên của lịch sử, Phú Quý là nơi hội tụ của nhiều luồng dân di cư từ lục địa ra với nhiều thành phần dân tộc khác nhau. Trong đó người Kinh hiện đóng vai trò chủ thể.

Quần đảo Phú Quý gồm 10 hòn đảo lớn nhỏ và nằm gần hải phận quốc tế, là huyện đảo gần với Trường Sa nhất (cách đảo Song Tử Tây 540 km về phía Tây Bắc). Sử sách xưa lưu lại tên gọi của quần đảo này dưới nhiều cái tên: Cổ Long, Thuận Tịnh, Cù Lao Khoai Xứ, Cù Lao Thu…

Hòn đảo xa nhất trong quần đảo là Hòn Hải (cách đảo Phú Quý 70 km). Đảo có hình dạng là một khối đá vuông cạnh mọc thẳng đứng khổng lồ. Đây là một trong các điểm cơ sở nằm trên đường cơ sở của Việt Nam, là một trong nhiều cột mốc chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc trên Biển Đông.

Một trong những công trình đặc biệt của Hòn Hải là hệ thống đường hầm dài 170 m với 4 cửa thông lên mặt đảo. Và ngọn hải đăng được đặt tại điểm cao nhất của đảo là 113 m, như “mắt thần” ở Biển Đông, giúp tàu thuyền hoạt động ngoài khơi định hướng và xác định vị trí của mình, với tầm chiếu sáng hơn 24,5 hải lý.  

Là đảo tiền tiêu ở Biển Đông, vừa là trạm trung gian cận quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) như “ông thần canh cửa” trên thềm lục địa Việt Nam. Vẻ hiện đại pha lẫn hoang sơ và chút tâm linh của hòn đảo xinh đẹp này cũng đượm màu thú vị...