![]() |
Tên lửa của Trung đoàn 263 tham gia cuộc diễu binh mừng chiến thắng ngày 15/5/1975 trên đường phố Sài Gòn vừa giải phóng (Ảnh do tác giả cung cấp) |
![]() |
Nguyễn Hữu Mão (Cựu chiến binh Trung đoàn 263 Tên lửa phòng không) |
Trung đoàn tên lửa phòng không duy nhất tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ấy chính là Trung đoàn 263 chúng tôi.
Trung đoàn Tên lửa 263 (còn gọi là Đoàn Tên lửa Quang Trung) là trung đoàn tên lửa thứ 8 của Bộ đội Tên lửa phòng không, thành lập ngày 30/5/1966. Trong gần 10 năm (1966 - 1975) xây dựng, chiến đấu và trưởng thành trong khói lửa của cuộc chiến tranh chống Mỹ, Trung đoàn đã đánh 294 trận, bắn rơi 67 máy bay Mỹ, trong đó có 9 máy bay B52; được tuyên dương Đơn vị Anh hùng. Trong thành tích chiến đấu oanh liệt đó của Trung đoàn, có những chiến công đặc biệt xuất sắc:
Ngày 28/8/1969, bắn rơi tại chỗ 1 chiếc máy bay không người lái của Mỹ vào do thám Thủ đô Hà Nội, được Bác Hồ tặng thưởng lẵng hoa cuối cùng trước lúc Người đi xa.
Ngày 22/11/1972, bắn rơi chiếc máy bay B52 đầu tiên, buộc phía Mỹ phải thú nhận: “chiếc B52 bị trúng tên lửa Bắc Việt ở gần Vinh đêm 22/11, cố bay về căn cứ Utapao ở Thái Lan nhưng không được, đã bị rơi ở biên giới Lào - Thái”. Trận thắng này đã bổ sung kinh nghiệm quý báu cho các đơn vị tên lửa phòng không hoàn thiện cách đánh B52, làm nên “Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng Chạp năm 1972.
Đêm 13, rạng sáng ngày 14/1/1973 bắn rơi 2 chiếc máy bay B52 trên bầu trời Nghệ An và đó cũng là 2 chiếc máy bay Mỹ cuối cùng bị bắn rơi tại miền Bắc.
Ngay sau chiến thắng ấy, Trung đoàn 263 được Bộ Quốc phòng và Quân chủng Phòng không - Không quân giao nhiệm vụ nhanh chóng cơ động vào bảo vệ vùng trời giải phóng tỉnh Quảng Trị trước khi Hiệp định Paris được ký kết ngày 27/1/1973. Vậy là Trung đoàn 263 đã trở thành trung đoàn tên lửa phòng không đầu tiên và duy nhất của Quân Giải phóng miền Nam với chiếc quân hiệu trên mũ tai bèo của mỗi cán bộ chiến sỹ chúng tôi là ngôi sao vàng trên nền nửa đỏ nửa xanh.
Sau 2 năm bảo vệ vùng trời Quảng Trị, ngày 24/2/1975, Trung đoàn 263 được cấp trên giao nhiệm vụ mới. Nhiệm vụ tuyệt mật đến mức chỉ có Trung đoàn trưởng, Chính ủy và Tham mưu trưởng Trung đoàn được biết.
Chấp hành mệnh lệnh, toàn Trung đoàn thu hồi khí tài tên lửa, nối đuôi nhau hành quân theo đường 9 vượt qua đèo Lao Bảo hướng thẳng đến Bản Đông của nước bạn Lào. Lúc ấy, mặc dù đã là trợ lý của Ban Chính trị Trung đoàn mà tôi vẫn nghĩ rằng: “Có khi Trung đoàn lại trở thành Bộ đội Tên lửa Quân đội Pa thét Lào cũng nên…”. Nhưng không phải! Khi đội hình hành quân đến ngã ba Sê Sụ của tỉnh Xavanakhet, chỉ huy Trung đoàn hạ lệnh rẽ trái, thẳng tiến về phía Nam. Vậy là Trung đoàn chúng tôi hành quân theo đường Tây Trường Sơn và chưa biết điểm dừng tại đâu!
Cho đến bây giờ, những người lính của Trung đoàn 263 vẫn không thể nào quên những thử thách, gian nan, vất vả của cuộc hành quân cơ động đường dài “có một không hai” trong lịch sử chiến đấu của Bộ đội Tên lửa phòng không: ròng rã hơn một tháng trời đưa hàng trăm xe cộ khí tài, máy móc, bệ, đạn của cả một trung đoàn tên lửa vượt hàng trăm cây số đường Tây Trường Sơn “Nam tiến” với nhiều dốc cao, cua gấp, khe ngầm…
Khi đơn vị hành quân qua tỉnh Attapeu của vùng hạ Lào, đến ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia, chúng tôi được lệnh rẽ trở về đất Việt. Theo kế hoạch của Chỉ huy tiền phương Quân chủng Phòng không - Không quân, đích cuối cùng là Sài Gòn. Đây là cuộc hành quân thần tốc gắn với bức điện lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam! Quyết chiến và toàn thắng!”.
Tình hình chiến sự những ngày ấy chuyển biến rất nhanh. Tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, Trung đoàn 263 được Bộ chỉ huy Chiến dịch giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm đánh địch ở tầm cao và xa để yểm hộ cho đội hình tiến công của các binh đoàn trên hướng Bắc và Tây Bắc Sài Gòn; đặc biệt là trong thời gian quyết định của Chiến dịch và trong tình huống không quân Mỹ can thiệp cứu nguy cho quân ngụy.
Ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức mở màn. Vượt qua rất nhiều khó khăn, đúng 18 giờ ngày 27/4, một tiểu đoàn của Trung đoàn 263 đã chiếm lĩnh trận địa ở Bắc Bến Bầu (Bến Cát - Bình Dương hiện nay) và triển khai chiến đấu. Sáng sớm ngày 28/4, cả Trung đoàn trưởng, Chính ủy Trung đoàn và Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân đều có mặt trên xe điều khiển tên lửa cùng các cán bộ chỉ huy và kíp chiến đấu của đơn vị, theo sát diễn biến tình hình và động viên bộ đội. Thế nhưng, hình như đối phương “đánh hơi” thấy có tên lửa SAM2 của quân đội ta, nên cả ngày 28 và 29/4, trên màn hiện sóng ra đa của đơn vị tuyệt nhiên không thấy tín hiệu máy bay cường kích của địch, mà chỉ còn tín hiệu máy bay trực thăng và vận tải quân sự Mỹ thực hiện cuộc tháo chạy khỏi Sài Gòn. Nhưng lệnh từ cấp trên không được đánh, để quân địch rút, để thể hiện tính nhân đạo và tinh thần hòa hợp dân tộc của chúng ta.
Trưa ngày 30/4/1975, đại quân ta từ các hướng tiến vào đánh chiếm Dinh Độc Lập và các cơ quan đầu não của kẻ thù. Sài Gòn được giải phóng. Cuộc chiến đấu gian khổ, hy sinh giành độc lập tự do của dân tộc kéo dài suốt 30 năm đã đến đích.
Hầu hết chiến sỹ của Trung đoàn 263 ngày ấy đều nuối tiếc vì không được phóng “Rồng lửa” tiêu diệt kẻ địch trong trận chiến cuối cùng! Nhưng việc đưa tên lửa phòng không vượt Trường Sơn vào áp sát Sài Gòn đã khiến kẻ địch mau chóng tan rã và hạn chế khả năng sử dụng không quân của chúng, tạo điều kiện cho Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi trọn vẹn và nhanh chóng. Chúng tôi càng tự hào hơn khi đoàn xe tên lửa của Trung đoàn được tham gia cuộc diễu binh mừng chiến thắng ngày 15/5/1975 trên đường phố Sài Gòn trước sự hân hoan của đồng bào miền Nam.
Trong những ngày cả nước tưng bừng kỷ niệm nửa thế kỷ thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là một cựu chiến binh thuộc thế hệ sinh viên cầm súng, tôi lại nhớ đến lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Tổ quốc ghi công lớp lớp thầy giáo, sinh viên đã xếp bút nghiên lên đường chiến đấu và đóng góp xứng đáng vào chiến thắng của dân tộc. Tinh thần yêu nước mãi mãi là ngọn lửa soi sáng các thế hệ thanh niên Việt Nam trong sự nghiệp phát triển đất nước trở thành quốc gia giàu mạnh, hòa bình và hạnh phúc”.
Kỷ niệm 50 năm thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đất nước ta đang đứng trước thời điểm lịch sử bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Nếu như trong chiến tranh, tinh thần yêu nước làm nên sức mạnh vô địch để chiến thắng kẻ thù xâm lược, thì trong thời điểm hiện nay, tin rằng tinh thần yêu nước cũng sẽ tiếp tục là ngọn lửa soi sáng con đường cho dân tộc ta đi tới thực hiện khát vọng vươn mình, để trong tương lai không xa, Việt Nam có thể sánh vai với những nước phát triển và các cường quốc trên thế giới.
Nguyễn Hữu Mão