Kỳ vọng dòng tiền tìm đến sản xuất, kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khối ngân hàng thương mại bắt đầu công bố giảm lãi suất huy động và cho vay, với mức giảm 0,2-0,6 điểm % sau quyết định giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, có hiệu lực từ 25/5/2023. Trong khi chính sách tiền tệ chuyển động tích cực thì chính sách tài khóa, trước mắt là giảm thuế giá trị gia tăng 2%, sẽ được Quốc hội xem xét, thảo luận vào ngày 01/6/2023.
Khảo sát 9.556 DN của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho biết, 59,2% DN gặp khó về đơn hàng; trên 51% DN gặp khó trong tiếp cận vốn vay, trong đó khó nhất là các DN ngành xây dựng, DN nhỏ và siêu nhỏ… Ảnh: Lê Tiên
Khảo sát 9.556 DN của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho biết, 59,2% DN gặp khó về đơn hàng; trên 51% DN gặp khó trong tiếp cận vốn vay, trong đó khó nhất là các DN ngành xây dựng, DN nhỏ và siêu nhỏ… Ảnh: Lê Tiên

Hai chính sách cùng mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và cải thiện sức cầu được kỳ vọng sẽ phá thế “chạy quanh” của dòng tiền và góp phần tạo nên tăng trưởng…

Thế “chạy quanh” của dòng tiền

Chia sẻ với các nhà đầu tư, ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng giám đốc của AFA Capital cho biết, thời gian qua, ông nhận được nhiều thắc mắc rằng, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần giảm lãi suất điều hành, nhưng vì sao khoản vay của DN vẫn lãi suất cao và vì sao DN vẫn khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngân hàng? Câu trả lời của ông Tuấn là dòng tiền chưa ngấm vào DN, vào nền kinh tế, mà đang chủ yếu lưu thông giữa Kho bạc Nhà nước (KBNN) và hệ thống các ngân hàng. Tăng trưởng tín dụng ra nền kinh tế 4 tháng đầu năm 2023 mới đạt 3% là một minh chứng.

Trong khi tiền khó chảy vào khu vực tư thì ở khu vực công, thống kê cho thấy, dòng tiền lớn chảy bền bỉ giữa KBNN và hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM). 4 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị trái phiếu chính phủ được đưa ra gọi thầu (do KBNN phát hành) lên tới 172.500 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ; giá trị trúng thầu đạt 139.683 tỷ đồng, tăng 204% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, KBNN ghi nhận khoản tiền hơn 200.000 tỷ đồng đang gửi tại 4 NHTM nhà nước, tính đến cuối quý I/2023.

Lý giải hướng chảy của dòng tiền lớn, ông Minh Tuấn cho biết, để thực hiện đầu tư công, Chính phủ huy động vốn bằng trái phiếu chính phủ và tiền huy động để ở KBNN. Nếu tiền chưa giải ngân thì KBNN được gửi ở các NHTM Nhà nước. Các NHTM Nhà nước có quyền cho các NHTM khác vay thông qua thị trường liên ngân hàng và từ đây, tiền có thể chảy ra nền kinh tế theo nhiều cách. Tuy nhiên, vì tín dụng chảy vào DN, vào khu vực tư gặp khó, nên tiền trong hệ thống NHTM chọn cách dễ hơn là mua trái phiếu chính phủ. Theo đó, tiền từ NHTM lại chảy vào KBNN thông qua công cụ tài chính này.

Theo góc nhìn của một số chuyên gia, khi không chảy hoặc chảy rất hạn chế ra nền kinh tế thông qua 2 con đường là đầu tư công và tín dụng thì thực tế, dòng tiền trong nền kinh tế chỉ đơn thuần tham gia cuộc chơi về kỳ hạn giữa bên phát hành trái phiếu và bên đầu tư trái phiếu. Nói cách khác, dòng tiền chảy từ hệ thống ngân hàng vào KBNN và ngược lại, trong khi đại đa số DN và người dân ở tình trạng khát tiền, không thấy tiền đâu.

Để thúc đẩy tăng trưởng, cần gỡ thế “vòng quanh” của dòng tiền lớn, chảy giữa Kho bạc Nhà nước với hệ thống ngân hàng. Ảnh: Tiên Giang

Để thúc đẩy tăng trưởng, cần gỡ thế “vòng quanh” của dòng tiền lớn, chảy giữa Kho bạc Nhà nước với hệ thống ngân hàng. Ảnh: Tiên Giang

Thúc đẩy tăng trưởng, cách nào?

Tại Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngày 25/5/2023, ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết, “DN đang trải qua bối cảnh đặc biệt khó khăn” khi nhìn vào kết quả khảo sát 9.556 DN thực hiện cuối tháng 4 vừa qua. Đó là, 82,3% DN dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023. Trong số các DN còn hoạt động, có 71,2% dự kiến giảm quy mô lao động trên 5%; 80,7% DN dự kiến giảm quy mô doanh thu trên 5%, trong đó tỷ lệ giảm trên 50% doanh thu là 29,4%.

Cũng trong báo cáo của Ban IV, có đến 81,4% DN đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2023. Trong bức tranh tối màu đó, DN ngành xây dựng, các DN quy mô nhỏ và siêu nhỏ, DN khu vực ngoài nhà nước, DN thuộc TP. HCM thể hiện mức độ đánh giá tiêu cực hơn.

Khảo sát của Ban IV còn cho thấy, 59,2% DN gặp khó về đơn hàng; trên 51% DN gặp khó trong tiếp cận vốn vay… Theo đó, Ban IV kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo các giải pháp nhằm vực dậy sản lượng trong dài hạn. Trước hết và cần nhất là đẩy mạnh đầu tư công để bơm tiền cho nền kinh tế. Cùng với đó, cần xây dựng chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân một cách thực chất, có trọng tâm, trọng điểm, trong đó giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% được Ban IV đề xuất áp dụng đến hết năm 2025.

Theo thống kê, 4 tháng đầu năm 2023, đầu tư công mới giải ngân được 110.663 tỷ đồng, bằng 14,6% kế hoạch năm (750.000 tỷ đồng), thấp hơn tỷ lệ 17,09% của cùng kỳ năm 2022. Ông Phan Lê Thành Long, Tổng giám đốc Viện thành viên Hội đồng quản trị cho rằng, dòng tiền chủ yếu chạy trong vòng lặp giữa KBNN với hệ thống NHTM và chưa ngấm nhiều vào DN (thông qua tín dụng), vào nền kinh tế (thông qua giải ngân đầu tư công) chính là nguyên nhân khiến tổng cầu không cải thiện, theo đó tăng trưởng GDP nước ta đạt thấp. Để tạo nên tăng trưởng, cần gỡ thế chảy vòng quanh của dòng tiền.

Theo ông Long, nới lỏng chính sách tiền tệ là giải pháp quan trọng để tiền từ ngân hàng chảy vào khu vực tư, nhằm tác động đến 2 trong 4 nhân tố tạo nên tổng cầu (là tiêu dùng của dân cư, đầu tư của doanh nghiệp). Nhân tố thứ ba - xuất khẩu ròng, đang gặp khó do nhu cầu quốc tế suy giảm (chỉ số nhà quản trị mua hàng tại Mỹ giảm về 48 điểm trong tháng 4/2023), nên cần các giải pháp mang tính dài hạn. Nhân tố thứ tư là chi tiêu Chính phủ (chủ yếu là đầu tư công), cần thúc đẩy mạnh mẽ để tiền từ KBNN ngấm vào nền kinh tế thực, phá thế chảy quanh của dòng tiền lớn để góp sức thúc đẩy GDP đạt mức tăng trưởng cao hơn.

Tin cùng chuyên mục