Kỳ vọng kinh tế hồi phục từ quý IV

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các giải pháp mới của Chính phủ cùng triển vọng nới lỏng giãn cách từ cuối tháng 9 là những yếu tố mang lại hy vọng về trạng thái “bình thường mới” cho các hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu, tạo động lực hồi phục và tăng trưởng cho nền kinh tế trong quý IV, giữ đà tăng trưởng của cả năm.
Thương mại toàn cầu được cải thiện sẽ hỗ trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2021. Ảnh: Lê Tiên
Thương mại toàn cầu được cải thiện sẽ hỗ trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2021. Ảnh: Lê Tiên

Khó khăn trong 8 tháng

Làn sóng Covid-19 đã kéo dài sang tháng thứ 4 khiến hầu hết các hoạt động của nền kinh tế bị gián đoạn. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 ước tính giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến chế tạo giảm 9,8%. Tuy nhiên, tính chung 8 tháng năm 2021, IIP ước tính tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước

Về xuất nhập khẩu, số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 8, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 53,7 tỷ USD, giảm 5,8% so với tháng trước. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 8 ước tính thâm hụt 1,3 tỷ USD, nâng tổng mức nhập siêu 8 tháng lên 3,72 tỷ USD, ngược với kết quả xuất siêu 13,69 tỷ USD của cùng kỳ năm 2020. Tính chung 8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt 428,82 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Tiêu dùng nội địa tiếp tục giảm rõ rệt khi giãn cách xã hội kéo dài. Doanh thu bán lẻ và dịch vụ tháng 8 ước giảm 39% so với cùng kỳ năm trước.

Trước các chỉ báo và diễn biến như vậy, đầu tháng 9, Ngân hàng Standard Chartered hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ 6,5% xuống 4,7% cho năm 2021 và từ 7,3% xuống 7% cho năm 2022. Theo Standard Chartered, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có khả năng sẽ phục hồi trong quý IV. Thương mại toàn cầu được cải thiện sẽ hỗ trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Standard Chartered cũng duy trì triển vọng tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn.

Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng khoảng 4,8% cho cả năm 2021 và có thể quay lại mức từ 6,5 đến 7% từ năm 2022 trở đi.

Theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, dù sụt giảm mạnh trong tháng 8, song số liệu xuất khẩu và sản xuất công nghiệp trong 8 tháng cho thấy động lực tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo vẫn còn mạnh và sự đứt gãy trong chuỗi sản xuất ở khu vực phía Nam hiện tại chỉ mang tính tạm thời. “Khả năng kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9 và các biện pháp nới lỏng giãn cách của Chính phủ sẽ là yếu tố then chốt giúp tâm lý của các doanh nghiệp sản xuất, tiêu dùng hồi phục”, báo cáo kinh tế vĩ mô mới nhất của nhóm nghiên cứu này nhận định.

Chuẩn bị cho cuộc sống bình thường mới

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cuối tuần trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, toàn diện, dựa trên thực tiễn để có các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh để khôi phục và phát triển kinh tế.

Thủ tướng giao Bộ Y tế sớm hoàn thiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch trong tình hình mới, tập trung vào vắc xin, xét nghiệm và điều trị; nâng cao năng lực hệ thống đáp ứng, trở lại trạng thái bình thường mới vào năm 2022. Bộ Y tế chủ trì xây dựng hướng dẫn triển khai các biện pháp nới lỏng và khôi phục các hoạt động theo nguyên tắc mở cửa có lộ trình, từng bước có kiểm soát và liên tục đánh giá để kịp thời điều chỉnh phù hợp, dựa trên nguyên tắc "sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất".

Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp của Học viện Tài chính, việc nới lỏng giãn cách một cách thận trọng có thể diễn ra từ quý IV cùng với các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ sẽ kích hoạt quá trình hồi phục kinh tế mới.

Bên cạnh đó, việc thực thi Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 cũng được kỳ vọng sẽ góp phần tích cực vào quá trình hồi phục kinh tế.

Nghị quyết trao quyền chủ động hơn cho địa phương và doanh nghiệp trong việc tìm kiếm và áp dụng mô hình sản xuất, kinh doanh an toàn, phù hợp với tình hình địa phương và tính chất của doanh nghiệp, ứng dụng tối đa số hóa để giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp... Nghị quyết cũng thể chế hóa nguyên tắc phối hợp giữa địa phương và Trung ương trong chống dịch và duy trì sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, theo ông Thịnh, để Nghị quyết này và các chính sách hỗ trợ khác có hiệu quả, các bộ, địa phương cần nhanh chóng cụ thể hóa biện pháp được giao.

Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, y tế vẫn là ưu tiên hàng đầu, nhưng cũng phải bắt đầu xây dựng kế hoạch và chiến lược phục hồi kinh tế sau đại dịch. Ông Lực cho rằng, chúng ta nên căn cứ vào thực tiễn để có chiến lược mở cửa, phát triển kinh tế phù hợp. Theo đó, nên mở dần dần, phải theo dõi diễn biến dịch để có giải pháp ứng phó phù hợp với năng lực y tế và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững.