Kỳ vọng sự bứt phá mạnh mẽ trong quý IV

(BĐT) - Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), mặc dù ngành khai khoáng sụt giảm mạnh và nông nghiệp tăng thấp, nhưng tăng trưởng GDP quý III/2016 vẫn có sự bứt phá mạnh mẽ so với quý II, duy trì tốc độ tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. 
Tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ được cải thiện nếu doanh nghiệp tăng cường khai thác thị trường trong nước. Ảnh: Lê Tiên
Tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ được cải thiện nếu doanh nghiệp tăng cường khai thác thị trường trong nước. Ảnh: Lê Tiên

Điều này cho thấy nền kinh tế đã tìm ra những động lực tăng trưởng mới thay vì chỉ dựa vào tài nguyên và yếu tố thiên nhiên.

Tăng trưởng không nhờ tài nguyên

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2016 ước tăng 5,93% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù mức tăng này thấp hơn đáng kể so với mức tăng 6,53% cùng kỳ năm 2015 nhưng cơ quan này cho rằng, xu hướng tăng trưởng vẫn tiếp tục được duy trì, GDP quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 5,48%, quý II tăng 5,78% và ước tính quý III tăng 6,40%). Khoảng chênh lệch trong tăng trưởng theo từng quý cũng có sự bứt phá mạnh mẽ (quý II so với quý I là 0,3%; quý III so với quý II là 0,62%).

Theo ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia thuộc Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm nay đã “phá vỡ hoàn toàn quy luật những năm gần đây là tăng trưởng của nền kinh tế phụ thuộc vào ngành khai khoáng và ngành nông, lâm, thủy sản”. Ông Tuyến cho rằng, với đà tăng trưởng của 9 tháng năm 2016, nhất là sự tăng trưởng mạnh mẽ trong quý III, có thể kỳ vọng nền kinh tế tăng trưởng bứt phá trong quý còn lại của năm. “Tôi cho rằng mức tăng trưởng của quý IV/2016 kỳ vọng có thể đạt được bằng quý IV/2015. Tuy nhiên, nếu tính chung cả năm, tăng trưởng GDP sẽ đạt thấp hơn so với mục tiêu 6,7% đã đề ra. Việc thấp hơn nhiều hay ít sẽ phụ thuộc nhiều vào việc khai thác dầu thô, bởi sản lượng khai thác dầu thô bình quân 1 tháng được gần 1,3 triệu tấn, nếu 3 tháng còn lại tiếp tục đà này thì ngành này dù tăng trưởng âm nhưng tỷ trọng đóng góp vẫn nhiều vào mức tăng trưởng cả năm” – ông Tuyến bày tỏ quan điểm. 

Trông chờ ở doanh nghiệp, tái cơ cấu và nhu cầu tiêu dùng

Trong 9 tháng đầu, trong bối cảnh thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường, nông nghiệp, vốn được coi là cứu cánh của nền kinh tế, bị ảnh hưởng nặng nề đã tác động đến tốc độ tăng trưởng. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, đơn vị này đã có những tính toán gửi Chính phủ để có những giải pháp điều hành nền kinh tế. Quốc hội đánh giá rất cao quyết tâm “không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, vẫn giữ 6,7% của Chính phủ, mặc dù ai cũng biết là khó đạt được, kể cả 6,5% cũng khó.

Do đó, kỳ vọng vào sự bứt phá mạnh mẽ trong quý IV/2016 để nỗ lực đạt được tăng trưởng cao nhất có thể, ông Nguyễn Bích Lâm đã chỉ rõ 3 động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong cuối năm 2016 và các năm tiếp theo. Đó là doanh nghiệp, tái cơ cấu kinh tế và nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Trong số doanh nghiệp thành lập mới, có đến 78.000 doanh nghiệp đã đi vào sản xuất, kinh doanh, chiếm tỷ trọng rất lớn (95,85%); chỉ có hơn 1.400 doanh nghiệp mặc dù đăng ký kinh doanh nhưng chưa đi vào hoạt động
Ông Lâm phân tích, Chính phủ nhận thức rõ về tầm quan trọng của doanh nghiệp nên đã tập trung nhiều giải pháp tạo dựng môi trường thông thoáng, xây dựng thể chế để khuyến khích phát triển. Số liệu đăng ký kinh doanh 9 tháng đầu năm 2016 cho thấy bức tranh rất sáng, khi có trên 100.100 doanh nghiệp mới thành lập và quay trở lại hoạt động, trong đó có trên 81.000 doanh nghiệp thành lập mới.

Trong số doanh nghiệp thành lập mới, có đến 78.000 doanh nghiệp đã đi vào sản xuất, kinh doanh, chiếm tỷ trọng rất lớn (95,85%); chỉ có hơn 1.400 doanh nghiệp mặc dù đăng ký kinh doanh nhưng chưa đi vào hoạt động; có 787 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; 362 doanh nghiệp giải thể; 884 doanh nghiệp chờ giải thể. “Đây không hẳn là bức tranh xấu, bởi ở các môi trường kinh doanh rất tốt, rất phát triển thì tỷ lệ doanh nghiệp “chết” còn cao hơn nhiều”, Ông Lâm đánh giá và dẫn chứng, tại Anh, số liệu từ tháng 4/2015 - 4/2016 cho thấy, cứ 100 doanh nghiệp thành lập mới thì có 67,2 doanh nghiệp “chết”. New Zealand thì tỷ lệ doanh nghiệp “chết” lên tới 96,1% năm 2015.

Ngoài ra, tăng trưởng có thể trông chờ vào tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu trong từng ngành. Đại diện Tổng cục Thống kê nhấn mạnh, việc xâm nhập mặn năm 2016 đã vào vùng lõi của Đồng bằng sông Cửu Long nên đây sẽ không còn là hiện tượng nhất thời, mà sẽ còn dai dẳng trong các năm sau, do đó việc tái cơ cấu nông, lâm, thủy sản trở nên rất quan trọng. Nông nghiệp những năm trước chiếm tới 18 - 19% GDP, còn năm 2016 mức đóng góp này chỉ còn khoảng 15% GDP.

Rút kinh nghiệm của Trung Quốc, trước đây quốc gia này thường tập trung vào xuất khẩu và coi đây là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Song, trong 3 năm trở lại đây, Trung Quốc đã có những thay đổi, tập trung vào thị trường tiêu dùng trong nước. “Việt Nam với dân số trên 90 triệu người, nhu cầu tiêu dùng rất lớn, nên khi đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng này cũng sẽ tạo động lực tăng trưởng tốt cho nền kinh tế” – đại điện Tổng cục Thống kê nêu quan điểm.