Kỳ vọng từng bước mở cửa nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, xây dựng kế hoạch, kịch bản phục hồi và thúc đẩy kinh tế trong điều kiện mới. Quan điểm này nhận được sự đồng tình của giới nghiên cứu và doanh nghiệp.
Những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực thiết yếu như chế biến thực phẩm, vận tải, chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử được đề xuất mở lại hoạt động kinh doanh khi Chính phủ nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Ảnh: Phú An
Những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực thiết yếu như chế biến thực phẩm, vận tải, chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử được đề xuất mở lại hoạt động kinh doanh khi Chính phủ nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Ảnh: Phú An

Trong báo cáo chiến lược tháng 8 “Chuẩn bị cho giai đoạn hậu giãn cách” vừa công bố, nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nêu kỳ vọng về việc mở cửa dần các hoạt động kinh tế trong quý IV/2021 khi vắc xin đóng vai trò chủ chốt để ngăn chặn bệnh nhân Covid-19 chuyển sang giai đoạn nguy kịch và không cần tiếp cận điều trị.

Theo VDSC, các cơ quan chức năng của TP.HCM có thể lựa chọn mở cửa nền kinh tế theo từng ngành và lĩnh vực. Những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực thiết yếu (chế biến thực phẩm, vận tải, chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử) sẽ mở lại hoạt động kinh doanh khi Chính phủ nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất có thể không hoạt động hết công suất do phải tuân thủ biện pháp kiểm soát an toàn mới (công nhân phải được tiêm phòng, giãn cách xã hội trong nhà máy...). Các công trình xây dựng sẽ được hoạt động lại trong khi phần lớn khu vực dịch vụ tiếp tục gặp khó khăn do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, giãn cách xã hội. Điều đáng chú ý là việc mở cửa trở lại sẽ không đồng đều giữa các địa phương dựa trên tỷ lệ tiêm chủng khác nhau và khả năng kiểm soát dịch.

Theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam, những tháng cuối năm sẽ khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam. Làn sóng dịch bệnh thứ 4 đã lấy đi không ít cơ hội, khiến chi phí sản xuất, kinh doanh tăng vọt, hiệu quả hoạt động của đại bộ phận doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Do vậy, việc chống dịch và điều hành kinh tế cần có sự linh hoạt.

Theo đó, một số tỉnh, thành phố vẫn có thể tiếp tục theo đuổi các mục tiêu sạch bóng ca nhiễm Covid-19, nhưng một số địa phương cần tính đến giải pháp từng bước hoàn trả lại không gian cho hoạt động kinh tế ngay trong bối cảnh vẫn còn ca dương tính trên địa bàn.Việc hoàn trả lại không gian cho hoạt động kinh tế không phải là vô điều kiện mà cần được đi kèm với các biện pháp tự phòng chống dịch bệnh nghiêm túc của người dân, doanh nghiệp, mở rộng tiêm chủng đồng thời nâng cao năng lực của hệ thống y tế các cấp.

Đặc biệt, cần hình thành những mô hình khác nhau cho việc phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế, gồm cả kịch bản sạch bóng virus và kịch bản vẫn có các ca dương tính. Bên cạnh đó là các mục tiêu về mở rộng tiêm chủng, về hình thành tính tự giác, kỷ luật trong phòng chống dịch bệnh của mỗi cá nhân, từng doanh nghiệp, về nâng cao năng lực của hệ thống y tế...

“Đây là hành trang quan trọng để chúng ta mang theo và bước sang năm 2022 với tâm thế tự tin và lạc quan hơn”, ông Bình nhấn mạnh.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (HANOISME) chia sẻ, Thủ tướng Chính phủ đã hơn một lần xác định con đường chống dịch phải lâu dài. Lãnh đạo nhiều địa phương đã bày tỏ quan điểm này. Theo ông Quốc Anh, cần xác định việc chống dịch phải đi đôi với ổn định sinh kế. Các biện pháp đưa ra đều phải tính đến các hệ quả đối với sinh kế và có giải pháp giải quyết cụ thể.

Từ quan điểm đó, ông Quốc Anh đề xuất một số giải pháp. Trước hết là không phong tỏa cực đoan. Mặc dù vẫn thực hiện các biện pháp ngăn chặn virus lây lan, nhưng cần đặt mục tiêu duy trì các hoạt động kinh tế nhất định để nuôi dưỡng lực lượng chống dịch lâu dài. Điều này có nghĩa là không mặc nhiên đóng băng toàn bộ hoạt động kinh tế, mà phải phân loại doanh nghiệp, theo đặc thù, tính chất hoạt động, theo khu vực, năng lực tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn.

Bên cạnh đó, các biện pháp phong tỏa phải luôn luôn tính đến sinh kế của người dân. Muốn vậy, phải xác lập và thiết kế quy trình, quy chuẩn cho các loại hình di chuyển và giao dịch an toàn. Chỉ cấm các di chuyển không an toàn. Đồng thời, cần xác định tiêm vắc xin là chính sách quốc gia. Người tiêm vắc xin phải được ưu tiên nhất định trong việc di chuyển, lao động an toàn.

Mặt khác, cần chú trọng giải pháp công nghệ nhiều hơn trong việc hỗ trợ chống dịch. Theo đó, cần có một chiến lược chung cho các ngành, địa phương và cùng kết nối hệ thống dữ liệu chung.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục