Nhiều rào cản về thủ tục hành chính sẽ được gỡ bỏ. Ảnh: Minh Minh |
Trong đó, các chính sách về kinh tế được quy định tại các luật như Luật Dược, Luật Sửa đổi bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư được kỳ vọng sẽ có tác động mạnh mẽ đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam trong năm 2017 cũng như các năm tiếp theo.
Cơ hội cho doanh nghiệp dược nội
Luật Dược số 105/2016/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 6/4/2016 và sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2017, thay thế cho Luật Dược số 34/2005/QH11. Luật quy định các chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược, hành nghề dược; kinh doanh dược; đăng ký, lưu hành, thu hồi thuốc, quản lý thuốc trong cơ sở khám, chữa bệnh; quản lý chất lượng thuốc, nguyên liệu thuốc làm thuốc và quản lý giá thuốc…
Theo ông Vũ Văn Hưng, cán bộ Phòng Kế hoạch - Tài chính của Bộ Y tế, Luật Dược 2016 được xây dựng theo hướng hỗ trợ phát triển ngành dược. Luật đưa ra các quy định tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) dược trong nước có thể liên doanh, liên kết với DN nước ngoài để phát triển các mặt hàng thuốc có chất lượng, phục vụ cộng đồng. Đáng chú ý, theo ông Hưng, Luật đưa ra các quy định về mở cửa thị trường thuốc, tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng thuốc chất lượng cao ở nước ngoài vào Việt Nam. Chính sách này góp phần mở rộng nguồn cung, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường thuốc.
Đặc biệt, để đưa ngành dược trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn theo định hướng, các chính sách của Nhà nước về phát triển công nghiệp dược cũng đã được quy định cụ thể trong Luật.
Theo đó, Luật Dược 2016 quy định, không thực hiện chào thầu đối với các loại thuốc nhập khẩu thuộc Danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành nếu thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp. Tương tự, các loại dược liệu nhập khẩu thuộc Danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành cũng sẽ không được thực hiện chào thầu nếu trong nước có thể nuôi trồng, thu hái và đáp ứng được yêu cầu, khả năng cung cấp với mức giá hợp lý.
Tạo thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, ngoài việc bổ sung ngành “Kinh doanh pháo nổ” là ngành cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư, Luật đã bãi bỏ 20 ngành, nghề không phù hợp với tiêu chí và mục đích quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nêu tại Khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư; hoặc ngành, nghề có thể quản lý bằng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; hoặc các ngành, nghề mà qua rà soát được xác định không phải ngành, nghề kinh doanh.
Cùng với đó, đáp ứng yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh, Luật bổ sung thêm 15 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Các ngành, nghề đầu tư kinh doanh được bổ sung theo ông Phan Đức Hiếu đều phù hợp với tiêu chí, mục đích quy định tại Khoản 1 Điều 7 của Luật Đầu tư.
Đáng chú ý, ngoài việc bãi bỏ, bổ sung các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Luật Sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư còn hệ thống hóa, tách, hợp nhất một số ngành, nghề có cùng tính chất, mục tiêu. Việc làm này nhằm bảo đảm tính thống nhất trong quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, và nâng cao tính minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi để người dân và DN tuân thủ các điều kiện đầu tư kinh doanh.