Lạc quan triển vọng kinh tế 2019

(BĐT) - Kinh tế Việt Nam năm 2019 tiếp tục được hưởng lợi nhờ triển vọng lạc quan về tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu, các yếu tố tích cực nội tại như môi trường kinh tế vĩ mô ổn định hơn, niềm tin vào cải cách môi trường đầu tư kinh doanh ít nhiều được củng cố...
Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2019 phấn đấu đạt khoảng 6,8%. Ảnh: Huấn Anh
Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2019 phấn đấu đạt khoảng 6,8%. Ảnh: Huấn Anh

Từ kết quả tích cực của năm 2018

Tại phiên họp Chính phủ tháng 8/2018, Chính phủ đánh giá, kinh tế trong nước giai đoạn 2016 - 2018 đã được cải thiện, đạt mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng trưởng xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt mức kỷ lục. Tính chung cả giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến tăng trưởng GDP bình quân có thể đạt 6,71% (mục tiêu từ 6,5 - 7%).

Riêng năm 2018, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho thấy, tăng trưởng GDP có thể vượt mục tiêu, đạt trên 6,7%. Năm nay có khả năng đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu mà Quốc hội giao, trong đó, 8 chỉ tiêu vượt, 4 chỉ tiêu đạt. Chất lượng tăng trưởng được nâng lên, năng suất lao động tăng.

Thủ tướng Chính phủ nhận định, năm 2018 có nhiều điểm mới trong điều hành, thực hiện kế hoạch và có nhiều xu hướng tốt như chi thường xuyên giảm xuống, chi đầu tư tăng lên… Niềm tin xã hội, niềm tin thị trường gia tăng. Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô được bảo đảm, các cân đối lớn của nền kinh tế được tăng cường.

Từ nay đến cuối năm, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không được lơ là, chủ quan, tổ chức thực hiện phải quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đã đề ra, giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính. Kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là nhiệm vụ thường xuyên đặt ra. Thủ tướng nêu rõ, các ngành Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước phải có những giải pháp đối với các lĩnh vực còn dư địa điều hành chính sách vĩ mô, đồng thời vận dụng các chính sách vĩ mô linh hoạt, ứng phó tốt nhất với những diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực. 

Tạo đà cho năm 2019

Bộ KH&ĐT dự kiến một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của năm 2019:

* GDP tăng khoảng 6,6 - 6,8% so với năm 2018

* Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7 - 8% so với năm 2018

*  Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%

* Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33 - 34% GDP

*  Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4-5%

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 được Bộ KH&ĐT báo cáo Chính phủ với mục tiêu chủ yếu là củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế; phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,8%. Kiên định mục tiêu cải thiện chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động; đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và các đột phá chiến lược; phát triển khoa học và công nghệ; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo nhằm tận dụng các cơ hội phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư…

Theo Bộ KH&ĐT, năm 2019 có nhiều thuận lợi từ bối cảnh thế giới và nội tại nền kinh tế. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, kinh tế thế giới dự kiến đạt đỉnh phục hồi vào năm 2018 và năm 2019, sau đó có thể giảm tốc dần. Nội tại nền kinh tế cũng đã được củng cố sau 3 năm 2016 - 2018 tăng trưởng cao, kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh được cải thiện, tiếp tục tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cũng chỉ ra nhiều thách thức cần phải lưu tâm, theo dõi sát. Với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế quốc tế. Đồng thời, với quy mô kinh tế nhỏ, việc ứng phó với các biến động trong tương lai của Việt Nam có thể sẽ gặp khó khăn hơn bởi dư địa tài chính, tiền tệ hạn hẹp.

Song song đó là những thách thức đến từ các yếu tố nội tại của nền kinh tế như trình độ công nghệ thấp, đất đai, tài nguyên đang dần bị suy giảm, trong khi năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có chuyển biến nhưng chưa thực sự đột phá. Động lực tăng trưởng truyền thống của nền kinh tế trong nhiều năm qua là vốn đầu tư và công nghiệp khai khoáng đã không còn nhiều dư địa. Khu vực FDI trong các năm 2019 - 2020 chưa có các dự án sản xuất quy mô lớn đi vào hoạt động có thể hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng như năm 2017, 2018...

Theo nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế, việc cải thiện tốc độ tăng trưởng của Việt Nam giai đoạn tới đòi hỏi phải khắc phục được các vấn đề về cơ cấu kinh tế và tăng khả năng chống đỡ với các rủi ro. Về thách thức từ biến động tình hình kinh tế thế giới, với nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước hiện đang ổn định, quy mô dự trữ ngoại hối ở mức khá cao, niềm tin vào giá trị đồng Việt Nam được củng cố, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, việc đẩy nhanh lộ trình cổ phần hóa và bán vốn tại các doanh nghiệp nhà nước sẽ tạo điều kiện thu hút các dòng vốn đầu tư dài hạn vào Việt Nam, hạn chế bớt rủi ro rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài khi điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn.